10h30: Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đề nghị Chánh án làm rõ đến nay đã phát hiện bao nhiêu vụ án có dấu hiệu bỏ lọt mà hội đồng xét xử các cấp khởi tố tại tòa để chống bỏ lọt tội phạm?
"Sau khởi tố, ngành tòa án có theo dõi các cơ quan chức năng thực hiện hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo không? Đến nay các vụ án do toà án khởi tố đạt kết quả thế nào?", đại biểu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, về mặt chức năng nhiệm vụ, ngoài tuyên án, tòa có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố.
Tuy nhiên, dù luật cho phép nhưng yêu cầu phải đủ điều kiện mới khởi tố. Trong sự cân nhắc như vậy, hội đồng xét xử thông thường lựa chọn giải pháp kiến nghị viện kiểm sát và cơ quan điều tra khởi tố điều tra hơn là khởi tố tại tòa, trừ các vụ có dấu hiệu rất rõ.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết đến nay, tòa án mới chỉ khởi tố 12 vụ tại tòa. Số lượng còn đang khiêm tốn và sở dĩ số lượng vụ khởi tố tại toà còn khiêm tốn là do sự thận trọng của các thẩm phán...
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, sau khi khởi tố tại tòa, trách nhiệm của cấp xét xử là phải theo dõi quyết định khởi tố. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố cũng hợp tác, mời tòa tham dự trong các vụ này.
Chánh án dẫn chứng, quá trình xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Đại Dương (OceanBank), hội đồng xét xử đã kiến nghị khởi tố vụ án liên quan đến khoản tiền thất thoát của Tập đoàn Dầu khí PVN. Cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này.
Hay trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, đầu năm nay tòa đã khởi tố bổ sung Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà xét xử phúc thẩm về hành vi tham ô mười mấy tỉ. Cách đây hai ngày, cơ quan điều tra đã họp với chúng tôi, đang điều tra theo hướng đó, có nhiều tài liệu bổ sung nên ngoài Trịnh Xuân Thanh, đã khởi tố bổ sung thêm ba bị can khác, Chánh án thông tin.
9h58: Đề cập đến các phiên toà lưu động, Chánh án Nguyễn Hoà Bình đề xuất dừng tổ chức các phiên toà lưu động.
Theo ông Bình, nói cách thức này trong thời gian dài đã có tác dụng lớn, nhưng trong điều kiện thông tin hiện nay không cần tới toà người dân cũng có thể tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin truyền thông và bản án trên mạng.
Vì thế tác dụng tuyên truyền của các phiên toà lưu động đã không còn. Ngoài ra toà lưu động cũng phát sinh bất cập, như tổ chức ngoài công đường không liêm minh, khó bảo vệ nhất là phiên toà có đối tượng nguy hiểm và tốn kém.
Chánh án cho biết, mỗi năm ngành chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên toà, chưa kể khoản tiền hỗ trợ từ các địa phương.
Liên quan đến vấn đề án treo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết xử án treo là một chế định tích cực, đủ điều kiện răn đe phòng ngừa đối với loại tội phạm lấy tiền làm phương tiện phạm tội như đánh bạc, tai nạn giao thông.
Theo thống kê, trên thế giới, tỷ lệ án treo chiếm 60%, còn Việt Nam là 20%. Tỷ lệ án treo tập trung ở các loại án liên quan đến giao thông 46%, án đánh bạc 39%...
Trong Nghị quyết 49 của Đảng có nói đến việc tăng cường các hình phạt án treo, phạt tiền để nâng cao hình phạt khồn giam giữ. Tôi cho rằng, tỷ lệ án đánh bạc xử treo như thế không phải là cao, vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước.
Chúng tôi vừa tổng kết Nghị quyết 01 về xử án treo. Thực tế cho thấy, tâm lý các thẩm phán là ngại xử án treo, mà xử án giam. Việc này dẫn đến tỉ lệ án treo của chúng ta thấp. Các thẩm phán, hội đồng xét xử ngại xử treo vì sợ dư luận cho rằng có vấn đề gì trong xử án. Hơn nữa, đối với các vụ án xử treo, chúng tôi sẽ xem xét đầu tiên khi thanh, kiểm tra.
Về việc đại biểu đặt câu hỏi liệu có tiêu cực trong việc xử nhiều án treo hay không, nếu đại biểu phát hiện vụ án nào tiêu cực, chúng tôi sẽ vào cuộc xử lý ngay.
9h08: Vụ án Châu Thị Thu Nga theo ông Bình không phải là dừng xét xử.
Cắt lời ông Bình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ông Bình nói rõ về việc bà Nga khai chạy vào Quốc hội.
"Đề nghị Chánh án nói rõ điều này", bà Ngân nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: Đây là vụ án có tranh tụng. Nên nhiều thông tin nói HĐXX không cho bà Nga khai khi đến đoạn "chạy" vào đại biểu Quốc hội, rồi có báo nói có vẻ giấu diếm, có báo còn nói cắt điện 30 giây.
Tôi đã yêu cầu kiểm tra. Một là kiểm tra hồ sơ vụ án, kiểm tra kỹ thuật phòng xét xử, gặp luật sư.
Thực tế, phòng xét xử không có sự cố gì. Thứ hai, trong hồ sơ vụ án có tất cả lời khai của bà Nga. Việc chủ tọa phiên tòa dừng không cho khai tiếp, vụ án đã được tách ra thì chủ tọa được phép dừng không cho khai.
Thực tế, chúng ta cũng đã tách nhiều vụ án như: Ngân hàng Xây dựng, đại án Ocean Bank...Nếu không có tách án thì chủ tọa không được phép, nhưng cái này đã có quyết định tách nên chủ tọa được phép.
Vì vậy, không đề cập đến nội dung vụ án đã tách ra là bình thường, không có gì là giấu diếm, bất thường.
Bà Nga cũng đã khai việc chi tiền cho 2 đơn vị là bầu cử địa phương và chi cho báo chí viết về bằng cấp khi bầu cử. Việc chi theo bà Nga là bà biết 1 doanh nhân buôn bán vàng có quan hệ rộng ở Hà Nội, chị Nga đã được cho doanh nhân này lần thì 100, lần thì 200 nghìn ở quán cà phê và chỉ hai người biết. Trong phiên đối chất, anh này nói có đi cà phê nhưng không nhận tiền, tại tòa, tòa cũng không thể làm rõ được tình tiết này. Nếu làm được rõ thì sẽ mở một phiên tòa khác.
Vụ Trịnh Xuân Thanh bổ sung khởi tố Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, tham ô mười mấy tỷ. Cách đây mấy ngày, cơ quan điều tra đã họp và điều tra theo hướng đó. Ngoài Trịnh Xuân Thanh còn khởi tố, bổ sung thêm 3 bị can khác.
8h50: Về công khai bản án trên mạng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng, Toà án đã ban hành Nghị quyết sẽ không công khai bản án liên quan tới an ninh quốc gia, bản án liên quan tới trẻ vị thành niên..., và phải mã hoá tên những người liên quan trong bản án.
"Bí mật đời tư của người dân được đảm bảo", ông Bình khẳng định.
8h47: Về giải quyết đơn, Chán án cho biết, số lượng đơn tăng nhanh, năm 2015 đơn giám đốc thẩm nhận dưới 10.000, năm 2016 là 13.600, năm 2017 là hơn 18.000, tăng trung bình 15% năm. Đến nay, 2017 như đã báo trong công tác năm, chúng tôi mới giải quyết được 39,3%, tức là 7.000/180.000, tức là được 39,3%. Số lượng tuyệt đối hơn 2016, 2015, nhưng tỷ trọng giảm so với 2 năm trước.
Nguyên nhân khách quan như địa biểu phân tích là nhiều đơn, bản án có hiệu lực nhưng người dân vẫn kiện, hy vọng giám đốc thẩm là 1 cấp xét xử.
Tỷ lệ giải quyết giám đốc thẩm thì kháng nghị được 900/18.000. Đơn tăng nên chúng tôi thấy cần phải tăng quân cho 3 tòa cấp cao. Sau một thời gian thực thi cần xem xét và đánh giá thêm.
Trước kia, địa phương cũng được giải quyết giám đốc thẩm, nhưng giờ không được nữa, chỉ tòa tối cao mới được. Mặt hạn chế là dồn đơn lại, tạo áp lực rất lớn, trong khi 3 tòa này nhân lực không đủ, kinh nghiệm còn thiếu.
Để khắc phục, ông Bình cho biết, tăng quân để đủ biên chế 3 tòa này, bồi dưỡng thêm năng lực cán bộ.
8h25: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, năm 2017, có 145 vụ trả điều tra bổ sung nhiều lần. Trong đó, trả 4 lần là 20 vụ, trả 5 lần có 9 vụ. Vụ trả nhiều nhất là 7 lần đã được xét xử sơ thẩm.
Nguyên nhân khiến vụ án kéo dài là do chất lượng điều tra, truy tố. Ngoài ra, cũng có những thẩm phán không tuân thủ pháp luật, nể nang thiếu bản lĩnh. Theo quy định cũ, VKSND được trả 2 lần, TAND trả 2 lần. Theo quy định mới từ 1/1/2018, TAND trước khi xét xử được trả 1 lần và chủ tọa được trả 1 lần khi xét xử.
Nếu những yêu cầu điều tra bổ sung không được đáp ứng thì phải tuyên không đủ căn cứ kết tội. Buộc phải nâng cao công tác truy tố xét xử. Chúng tôi quán triệt thẩm phán không trả quá nhiều lần. Nếu không đủ yếu tố kết tội thì phải tuyên không đủ yếu tố kết tội.
Những lần trả hồ sơ, TAND phải ghi rõ yêu cầu điều tra bổ sung. Trước khi nhận, phải kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu bổ sung này.
8h21: Trả lời về vấn đề nợ Bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, hiện có hơn 100.000 đơn vị đang nợ của 2,6 triệu lao động số tiền 14.700 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã khởi kiện 8.880 vụ, yêu cầu trả 6.000 tỷ. Toà án các cấp xử 3.986 vụ; còn 1.400 đơn trả lại cho các cấp.
Chánh án cho hay toà có công văn không thụ lý đơn khởi kiện là do không phù hợp với trình tự tố tụng hiện hành. Cụ thể như đại diện công đoàn không được người lao động uỷ quyền nên thông tin tới toà không chắc chắn, nhiều đại diện công đoàn không có mặt tại toà...
Trước thực tế nợ bảo hiểm rất lớn, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, theo Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự thì sau 1/1/2018, vi phạm nợ bảo hiểm bắt buộc là tội phạm, nếu có vụ án hình sự xảy ra, các cơ quan điều tra vào cuộc thì toà án phải thụ lý, giải quyết.
Toà án nhân dân tối cao sẽ có Nghị quyết và được ban hành trước thời điểm Bộ luật hình sự, tố tụng hình sự có hiệu lực.
8h10: Các đại biểu Lê Ngọc Hải (Quảng Nam); Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Phan Thị Bình Thuận (TPHCM); Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội);... đặt câu hỏi chất vấn về vấn đề: "Số phận mong manh của các bản án", nhiều bản án vừa tuyên có hiệu lực bị giám đốc thẩm, bất nhất về quan điểm nghiệp vụ; có bao nhiệu vụ án đã áp dụng án lệ; trách nhiệm, xử lý các vụ án oan sai; xử lý các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; giải pháp công khai bản án nhưng vẫn bảo đảm bí mật đời tư của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử sơ thẩm và tiến độ xử lý các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm; giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng trước tòa; giải pháp thực hiện tinh giản biên chế trong ngành tòa án; bài học kinh nghiệm trong xét xử các đại án tham nhũng (đặc biệt là vụ Hà Văn Thắm); hướng giải quyết vụ án Trương Hồ Phương Nga...
8h03: Đại biểu Trương Thị Bích Hằng đặt câu hỏi về nguyên nhân gì khiến nợ doanh nghiệp bảo hiểm kéo dài trong khi các tổ chức công đoàn khởi kiện lại bị tòa án trả lại.
"Phải làm sao để tổ chức công đoàn có thể thực hiện quyền khởi kiện", bà Hằng chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Chiến cho biết, Hội đồng thẩm phán đã ban hành 6 án lệ, đến nay có bao nhiêu vụ án đã áp dụng án lệ. "Vì sao nguyên tắc tranh tụng và vai trò của án lệ còn quá mờ nhạt", ông Chiến đặt câu hỏi.
Tiếp theo chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, trong buổi sáng nay (18/11), Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Người đứng đầu ngành Toà án sẽ làm rõ giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng. Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).
Quốc hội sẽ dành toàn bộ thời gian buổi chiều để Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.
Trong hai ngày qua, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn.
Bình luận