• Zalo

Trực thăng rơi ở TP.HCM: Phi công cố điều khiển máy bay tránh khu dân cư

Thời sựThứ Năm, 29/01/2015 08:22:00 +07:00Google News

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường khẳng định trước khi trực thăng quân sự rơi, phi công đã cố điều khiển máy bay lách ra khỏi khu dân cư.

Nhiều người dân có mặt tại hiện trường khẳng định trước khi trực thăng quân sự rơi phi công đã cố điều khiển máy bay lách ra khỏi khu dân cư.

Khoảng 7 giờ 17 ngày 28/1, một chiếc trực thăng quân sự UH1 thuộc Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân, trong lúc huấn luyện bay đã rơi xuống rừng tràm thuộc ấp 4, xã Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh, TP.HCM. Vụ tai nạn làm 4 cán bộ, chiến sĩ có mặt trên chuyến bay hy sinh.


Hiện trường nơi trực thăng rơi - Ảnh chụp từ màn hình TV đài QPVN  

Sương mù dày đặc
   
Nhiều người dân có mặt tại hiện trường khẳng định trước khi rơi phi công đã cố điều khiển máy bay lách ra khỏi khu dân cư.

Theo anh Bảo (31 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phạm Văn Hai), vào sáng sớm, khu vực này sương mù dày đặc nên tầm nhìn rất hạn chế. “Khi máy bay rơi thì tôi đang thả lưới ở gần đó, sương mù mờ mịt. Tôi chỉ nghe tiếng động cơ trực thăng rất to rồi mất hút xuống rừng tràm. Sau đó, mọi người ùn ùn chạy vào nói máy bay rơi. Khi ra tới nơi, tôi thấy phần đầu và đuôi của trực thăng còn nguyên, còn phần thân thì vỡ nát hết", anh Bảo nhớ lại.


Tương tự, ông Nguyễn Văn Mến (ngụ H.Bình Chánh, nhân viên Trung tâm quản lý và kiểm định giống cây trồng và vật nuôi), người chứng kiến sự việc và biết chính xác vị trí của chiếc máy bay rơi, kể lại: “Khi tôi chuẩn bị đi cắt cỏ thì đột nhiên nghe tiếng vù vù cách chỗ tôi làm khoảng 300 m, càng nhìn thì càng thấy rõ chiếc trực thăng tắt máy, lao xuống mặt đất rồi phát ra tiếng nổ”.

Phong tỏa đường vào hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: Công Nguyên  

Chính ông Mến là người trực tiếp dùng xe máy chở các cán bộ công an, quân đội đến vị trí chiếc máy bay rơi.


Trong lúc đang tìm cách tiếp cận hiện trường thì chúng tôi tình cờ gặp một người đàn ông (xin giấu tên) đang đi ra từ nơi trực thăng rơi.

Người này nói: “Hồi trước tôi đi bộ đội không quân nên biết rất rõ loại trực thăng này. Theo tôi quan sát thì tổ bay đã cố điều khiển cho trực thăng rơi vào rừng tràm. Tốc độ của loại máy bay này khoảng 200 km/giờ, hiện trường cách khu dân cư khoảng 700 m. Nếu mấy anh phi công không cố điều khiển thì chỉ trong 1 - 2 phút là trực thăng sẽ rơi thẳng vào khu dân cư, lúc đó không biết hậu quả sẽ như thế nào”.


Máy bay hỏng khi bay


Theo quan sát của PV, địa điểm trực thăng rơi nằm sâu trong rừng tràm thuộc nông trường Phạm Văn Hai (giáp ranh giữa H.Đức Hòa, Long An với H.Bình Chánh, TP.HCM). Con đường duy nhất dẫn vào nơi chiếc trực thăng rơi bị phong tỏa.

Đến
13 giờ cùng ngày, 4 xe cấp cứu đưa thi thể chiến sĩ hy sinh về nhà tang lễ Bệnh viện 175. Lãnh đạo UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã đến hiện trường để chỉ đạo các lực lượng phối hợp công tác bảo vệ hiện trường, cứu hộ.

Có mặt tại hiện trường, đại tá Lê Văn Hạnh, Chính ủy Sư đoàn Không quân 370, cho biết trực thăng bị nạn là UH1 số hiệu 7912 thuộc Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, khi đang thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện theo tuyến Tân Sơn Nhất - Trảng Bàng - Bến Cát - Tân Sơn Nhất. Khi trực thăng vừa cất cánh khoảng 8 phút thì mất liên lạc với trung tâm chỉ huy.

Video: Trực thăng quân sự rơi ở TP.HCM


Từ khi mất liên lạc đến khi tìm thấy nơi máy bay rơi khoảng 2 giờ. 4 chiến sĩ trên chuyến bay đã hy sinh gồm: thượng tá Trần Văn Đức (Chủ nghiệm bay của trung đoàn, lái chính); lái phụ gồm trung úy Nguyễn Việt Cường, thiếu tá Lê Hồng Quân; thượng tá Đỗ Văn Chính (cơ giới trên không).

Theo đại tá Hạnh, trong quá trình bay tập huấn thì trực thăng hỏng hóc, tổ bay sửa chữa nhưng bất thành. Tổ bay đã điều khiển trực thăng ra xa khu dân cư trước khi rơi để tránh thiệt hại cho người dân.


Chiều 28.1, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho hay trong vụ tai nạn này, các đơn vị cứu hộ cứu nạn đã huy động 1.153 người, 2 máy bay trực thăng và 27 ô tô tham gia nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, xử lý hiện trường. Trao đổi với Thanh Niên, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, cho biết Quân chủng Phòng không - Không quân là đơn vị chủ trì xác minh, điều tra nguyên nhân vụ tai nạn xảy ra đối với UH1.

Đến 20 giờ cùng ngày, hiện trường trực thăng rơi vẫn được phong tỏa nghiêm ngặt.

“Vĩnh biệt các anh, những người dũng cảm”


Từ trưa 28.1, tại nhà tang lễ Bệnh viện 175 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) có rất đông người thân, đồng đội các chiến sĩ hy sinh chờ sẵn để đón thi thể các anh về. Xe về tới nhà tang lễ. Cửa xe vừa mở, đám đông òa khóc nức nở, nhiều người đã ngã quỵ.

Chị Lê Hải Lý, em gái thiếu tá Lê Hồng Quân, không thể nào đứng vững với cú sốc quá đột ngột. Khi nhận tin, chị đã khóc, chạy xe mấy chục cây số lên Bình Chánh, rồi lại chạy về nhà xác. Từng câu nói cứ ngắt quãng bởi những tiếng khóc của chị.

Các chiến sĩ là đồng đội của những người hy sinh đã có mặt tại nhà tang lễ, vừa an ủi thân nhân vừa chuẩn bị hậu sự cho các anh. Chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, nhiều người không kìm được nước mắt. “Vĩnh biệt các anh, những người dũng cảm”, một sĩ quan nói trong xúc động.

Thủ tướng chia buồn với gia đình các quân nhân hy sinh

Theo thông tin Văn phòng Chính phủ gửi báo chí tối 28.1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến thân nhân, gia đình các đồng chí hy sinh. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn để kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác bảo đảm an toàn bay; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với các đồng chí hy sinh; thăm hỏi động viên kịp thời đối với thân nhân, gia đình có người bị nạn. Lưu ý đến gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Liên quan đến vụ tai nạn, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân VN, cho biết nguyên nhân đang được xác minh nhưng đã có thể khẳng định đây là một tai nạn chuyên ngành, không có liên quan đến phá hoại. Do máy bay rơi tại khu rừng tràm nên cũng không có thiệt hại dưới mặt đất.

Mong gia đình cố gắng vượt qua

Trực thăng quân sự rơi, 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh: Phi công cố điều khiển máy bay tránh khu dân cư - ảnh 3Đại diện Quận ủy, UBND Q.12 đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình thiếu tá phi công Lê Hồng Quân - Ảnh: Hoài Nam

Chiều 28/1, PV theo đoàn công tác của Trung đoàn Không quân 917 do trung tá phi công Nguyễn Đăng Nam, Phó chủ nhiệm Trung đoàn 917 dẫn đầu, đến nhà của các chiến sĩ gặp nạn, thông báo chính thức 4 phi công hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Đại diện Quận ủy, UBND Q.12 đến thăm hỏi, hỗ trợ, động viên gia đình thiếu tá phi công Lê Hồng Quân - Ảnh: Hoài Nam  

“Thi thể các phi công đã được đưa về nhà tang lễ của Bộ Quốc phòng. Hiện tại, Bộ Quốc phòng, Sư đoàn 370 và Trung đoàn 917 sẽ làm các bước tiếp theo. Vào thời điểm này mong các gia đình cố gắng vượt qua. Dự kiến trung đoàn sẽ cử hành tang lễ cho 4 phi công cùng một ngày, trung đoàn mong muốn gia đình cùng đơn vị tổ chức tang lễ thật chu đáo cho các anh...”, trung tá Nguyễn Đăng Nam thông báo.

Bên cạnh việc thông báo chính thức các phi công hy sinh cho gia đình các nạn nhân, Trung đoàn 917 còn cử bác sĩ quân y túc trực chăm sóc cho vợ con 3 phi công đang ở TP.HCM. Riêng trung úy Nguyễn Việt Cường đang ở nhà tập thể của Trung đoàn 917, vợ con vẫn ở ngoài quê, đơn vị đã thông báo và tối nay gia đình của trung úy Cường mới vào đến TP.HCM.

Khoảng 17 giờ hôm qua, tại căn nhà thuê của thiếu tá Lê Hồng Quân ở tổ 16, KP.3, P.Đông Hưng Thuận (Q.12), đại diện Quận ủy, UBND, Quận đội, Hội Cựu chiến binh Q.12 và chính quyền P.Đông Hưng Thuận đã đến thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng.

“Anh Quân hy sinh để lại 2 con nhỏ, đứa lớn năm nay vào lớp 1, đứa thứ hai mới 17 tháng, vợ anh Quân thì không có công ăn việc làm. Mới chủ nhật vừa rồi anh Quân nói đang dành tiền để mua cho vợ con căn nhà. Vậy mà hôm nay anh đã ra đi rồi...”, anh Phan Quốc Hưng, em rể anh Quân, nghẹn ngào. 

Theo TNO
Bình luận
vtcnews.vn