Theo kết quả kinh doanh quý III-2017, HDBank công bố đạt tăng trưởng 279%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.912 tỷ đồng, nợ xấu chỉ 1,14% trên tổng dư nợ. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của ngân hàng (NH) đến cuối quý III đạt 1,18%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) là 18,01%.
HDBank cho biết NH được định giá khoảng 1,5 tỷ USD. Và HDBank đang triển khai kế hoạch tăng vốn lên 10.100 tỷ đồng, chào bán 20% cổ phần cho các NĐT nước ngoài, với kỳ vọng thu về 300 triệu USD.
Để chuẩn bị đưa cổ phiếu (CP) lên sàn HoSE, dự kiến vào tháng 1-2018, HDBank đang thực hiện tăng vốn thông qua việc chào bán riêng lẻ cổ phần (phần lớn là phát hành mới và một số ít còn lại là chào bán từ cổ đông hiện hữu).
Hiện, HDBank đã tăng vốn 9%, lên 8.829 tỷ đồng (trong đó phát hành trả cổ tức 2016 tỷ lệ 7% và CP thưởng 2%). Tiếp theo, NH dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ đợt 2 của năm 2017 gần 98,1 triệu CP để tăng vốn lên 9.810 tỷ đồng.
Mới đây, HDBank có Nghị quyết số 24 về phát hành riêng lẻ CP đợt 2 cho Công ty CP Sovico (Sovico) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Theo đó, Sovico được mua 38,2 triệu CP và cá nhân bà Nguyễn Thị Phương Thảo 17,65 triệu CP. Số cổ phần riêng lẻ được mua thêm này đã nâng tỷ lệ sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Sovico tại HDBank thêm ước tính 5,5%.
Hiện bà Thảo là Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sovico. Còn ông Nguyễn Thanh Hùng, chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Sovico.
Cũng có tin, một cá nhân có liên quan Sovico và HDBank là người được mua gần 42,1 triệu CP còn lại trong số 98,1 triệu CP chào bán riêng lẻ lần này. Đáng chú ý, chênh lệch tăng vốn lần này của HDBank (từ 8.829 tỷ đồng lên 9.810 tỷ đồng) là 910 tỷ đồng, thực hiện qua việc bán lượng 98,1 triệu CP cho bà Thảo và Sovico.
Nói cách khác, giá trị sổ sách CP riêng lẻ phát hành lần này là vào khoảng 10.000 đồng/cổ phần.
Giá cổ phiếu của HDBank trên thị trường OTC đang giao dịch quanh mốc 31.000 đồng/CP. Tức là cao hơn giá sổ sách khoảng hơn 20.000 đồng/CP, tương đương chênh lệch gần 2.000 tỷ đồng về trị giá đối với lô 98,1 CP phát hành riêng lẻ.
Hiện chưa rõ giá bán cụ thể lô CP phát hành riêng lẻ này của HD Bank cho bà Thảo và Sovico. Tuy nhiên, nếu tính theo mệnh giá 10.000 đồng/CP như trên, thì Sovico phải chi ra không dưới 382 tỷ đồng, bà Thảo chi không dưới 176 tỷ đồng, người mua cuối cùng cũng chi không dưới 410 tỷ đồng để sở hữu số CP trong lô 98,1 triệu CP phát hành riêng lẻ lần này.
Trường hợp mua cao hơn giá 10.000 đồng, số lãi chênh lệch này sẽ được hạch toán vào nguồn thặng dư cổ phần của HD Bank. Đồng thời, hiện chưa rõ hợp đồng mua CP riêng lẻ lần này có kèm theo điều kiện về chuyển nhượng, mua bán.
Nếu được bán ngay, đương nhiên các nhà đầu tư mua lô 98,1 triệu CP của HD Bank phát hành riêng lẻ đã lãi cả nghìn tỷ đồng.
Trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng, ngoài việc gia tăng sở hữu tại HD Bank với nguồn cổ phần giá rẻ, các NĐT mua lô CP vẫn đạt lợi ích lớn từ chênh lệch giá cổ phần, các lợi ích được chia từ tỷ lệ sở hữu như lãi kinh doanh, thặng dư cổ phần...
Trước đó, lãnh đạo HDBank cho Hãng tin Reuters biết, NH này sẽ hoàn thành đợt chào bán 20% cổ phần cho NĐT nước ngoài (mỗi NĐT được mua không quá 5%) trong tháng 11-2017, dự kiến thu về khoảng 300 triệu USD, tương đương khoảng 6.600 tỷ đồng. Tức là cũng lãi hơn 23.000 đồng/CP so giá trị ghi sổ.
Theo quy định, đợt niêm yết lên sàn chứng khoán và chào bán cổ phần sẽ là hai bước riêng biệt và phải một thời gian sau khi chào bán thì CP mới được niêm yết lên sàn chứng khoán. Từ nay đến tháng 1-2018 chỉ còn nửa tháng nữa, như vậy, có thể số cổ phần chào bán cho NĐT nước ngoài này của HDBank đã được bán. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin về hoạt động giao dịch cổ phần này từ HD Bank (?).
Video: Toàn cảnh vỡ bong bóng chứng khoán ở Trung Quốc
Sau đợt chào bán này, HDBank sẽ tăng vốn thêm 200 tỷ đồng nữa qua chào bán 20 triệu CP ESOP cho cán bộ, nhân viên trong thời gian chậm nhất đến cuối quý I-2018. Sau khi hoàn thành việc bán này, vốn điều lệ HD Bank tăng lên thành 10.010 tỷ đồng.
Có thể thấy, chương trình tăng vốn lên 8.829 tỷ đồng (qua trả cổ tức năm 2016 và CP thưởng 2%), phát hành gần 98,1 triệu CP riêng lẻ để tăng vốn lên 9.810 tỷ đồng, đồng thời bán 20% vốn NĐT nước ngoài, bán CP cho cán bộ, nhân viên của HDBank để tăng vốn lên 10.100 tỷ đồng… trong điều kiện có chênh lệch lớn giữa giá báo sổ và giá giao dịch… đã tạo ra khoản lãi CP nhiều nghìn tỷ đồng tiềm ẩn, hoặc đã hiện thực, cho các cổ đông hiện hữu tại HDBank.
Tất nhiên, về nguyên tắc, mỗi cổ đông chỉ được hưởng khoản lãi tương ứng với tỷ lệ cổ phần mình nắm giữ. Tại HDBank, về công khai, sau khi được mua cổ phần phát hành riêng lẻ, tỷ lệ sở hữu của bà Thảo và Sovico “mới” là 5,5%. Nhưng nếu Sovico, các công ty liên quan và các cá nhân liên quan bà Thảo có sở hữu nhiều hơn tỷ lệ này tại HDBank, thì lợi ích từ lãi chênh lệch cổ phần, hay “biệt đãi” cổ phần cũng sẽ do nhóm này hưởng phần lớn.
Dư luận cho rằng, đây là hành vi trục lợi từ việc phát hành riêng lẻ CP của HDBank!
Bình luận