Trụ sở F88 bị kiểm tra: Nghĩa vụ thanh toán nợ của người vay thế nào?

Đầu TưThứ Tư, 08/03/2023 11:28:00 +07:00
(VTC News) -

Luật sư phân tích, việc trụ sở F88 ở TP.HCM bị cơ quan chức năng kiểm tra không làm thay đổi bản chất mối quan hệ vay tài sản giữa người vay và F88.

Hiện trường cảnh sát khám xét công ty F88 ở TP.HCM.

Theo Luật sư Nguyễn Hưng, Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, việc một số cá nhân bị điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản (nếu có) là do bị phản ánh trong quá trình thu nợ vay có hành vi đe dọa người nợ tiền và có dấu hiệu tội cưỡng đoạt tài sản.

Còn mối quan hệ giữa người vay và F88 lại chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định tại điều 466 Bộ luật Dân sự thì: Bên vay tài sản là tiền phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau: a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này; b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, việc một số cá nhân có thể bị xử lý hình sự là do trong quá trình thu hồi nợ của người vay có sử dụng lời lẽ đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành vi khác để người vay nợ phải trả tiền, đây là hành vi có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật hình sự. Còn người vay đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch như cầm cố, vay tài sản thì có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đã vay”, Luật sư Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hưng, nếu người vay không trả thì công ty F88 có quyền khởi kiện người vay ra tòa về mối quan hệ tranh chấp hợp đồng vay tài sản hoặc đòi tài sản để thu hồi nợ.

Trụ sở F88 bị kiểm tra: Nghĩa vụ thanh toán nợ của người vay thế nào? - 1

Công an khám xét chi nhánh Công ty F88 ở đường Lạc Long Quân, phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM. (Ảnh: Đan Linh)

F88 là một trong những cái tên đình đám trong lĩnh vực tài chính với hơn 800 cửa hàng và điểm bán hàng trải dài tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Công ty cổ phần Kinh doanh F88 được thành lập ngày 30/6/2013, trụ sở chính đặt tại Hà Nội do ông Phùng Anh Tuấn (một hacker nổi tiếng) làm Chủ tịch kiêm CEO của công ty. Hệ thống cầm đồ này từng được 2 quỹ đầu tư lớn trên thế giới là Mekong Capital và Granite Oak rót vốn.

Theo giới thiệu, F88 bên cạnh cung cấp dịch vụ cho vay siêu nhanh bằng ô tô/đăng ký ô tô, xe máy/đăng ký xe máy, điện thoại, laptop... còn cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích tài chính khác như bảo hiểm, chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, internet…

Đầu năm 2017, chuỗi cầm đồ F88 bắt đầu thu hút sự chú ý của giới truyền thông sau khi Quỹ Mekong Enterprise Fund III (“MEF III”) thông báo hoàn tất thương vụ đầu tư vào công ty.

Nhận được số vốn đầu tư lớn, ông Phùng Anh Tuấn bắt đầu đề ra chiến lược phát triển nhanh chóng bằng cách tăng tốc độ mở địa điểm mới với mục tiêu 300 cửa hàng vào năm 2021.

Sang năm 2018, F88 tiếp tục được cấp thêm vốn từ quỹ Granite Oak với mức định giá lên đến 1.000 tỷ đồng. Số vốn được dùng để mở thực hiện kế hoạch “Nam tiến”, mở thêm 50 cửa hàng mới tại TP.HCM.

Tháng 6/2019, sau hàng loạt thương vụ từ nhà đầu tư nước ngoài, cơ cấu cổ đông của CTCP Đầu tư F88 - công ty mẹ của CTCP Kinh doanh F88 được tiết lộ.

Trong đó cổ đông nước ngoài nắm giữ đến 53,4% cổ phần, bao gồm: MEF III sở hữu 39,6%, Bronze Blade Limited có 12,2% và James Alan Barron - cựu CEO của Tập đoàn First Cash có 2.000 phòng giao dịch cầm đồ tại Mỹ, sở hữu 1,6%. Còn lại 46,6% cổ phần trong nước, trong đó ông Tuấn có 20% cổ phần.

Năm 2019, để tiếp tục có thêm tiền đầu tư mở thêm địa điểm mới, ông Tuấn và ban lãnh đạo công ty quyết định phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu. Ngay trong lần chào bán đầu tiên này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Từ đó, trái phiếu được xem như là kênh huy động vốn được F88 sử dụng nhiều nhất, thu về hàng nghìn tỷ đồng. Liên tiếp năm 2020, F88 thu về 300 tỷ đồng và 2021 thu 1.550 tỷ đồng từ trái phiếu.

Sang năm 2022, chuỗi cầm đồ F88 không chỉ huy động được vốn từ trái phiếu mà còn vay nợ thêm từ các tổ chức nước ngoài. Tháng 11/2022, công ty này thông báo hoàn tất thương vụ vay 50 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và khoản vay này có đảm bảo. Đồng thời doanh nghiệp của ông Phùng Anh Tuấn cũng thành công trong việc vay 10 triệu USD từ Lendable - tập đoàn tài chính có trụ sở tại London.

Trước đó tập đoàn này cũng đã giải ngân 10 triệu USD cho hệ thống cầm đồ F88 vào đầu năm 2022. 

Mặc dù tốc độ và quy mô huy động vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng, nhưng hệ thống F88 chỉ mới bắt đầu ghi nhận lợi nhuận dương từ năm 2018.

Sáng 6/3, tại toà nhà Văn Phôn Tower (đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TP.HCM), công an TP.HCM đã thực hiện lệnh phong tỏa, khám xét Công ty CP Kinh doanh F88.

Động thái này được thực hiện sau thời gian Công an TP.HCM phối hợp với Công an quận Gò Vấp điều tra, ghi nhận phản ánh về việc Công ty CP Kinh doanh F88 thực hiện hoạt động cho vay để cưỡng đoạt tài sản.

Chiều 6/3, Công an TP.HCM phối hợp cùng các cục nghiệp vụ của Bộ Công an khám xét nhiều chi nhánh thuộc Công ty F88 ở TP.HCM. Quá trình kiểm tra, công an thu giữ nhiều tài liệu hồ sơ và máy móc.

Hiện vụ việc vẫn đang được công an điều tra.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn