• Zalo

Tròng trành những con đò ngang giữa Sài Gòn hoa lệ

Thời sựThứ Ba, 17/04/2012 04:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cuộc sống của những người chèo đò cũng lênh đênh, trôi nổi như chính công việc của họ.

(VTC News) - Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ chìm đò tại phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM làm 4 người chết và 4 người bị thương. Nhưng, bất chấp nguy hiểm, hằng ngày, những chuyến đò vẫn tròng trành chở khách qua sông. Cuộc sống của những người chèo đò cũng lênh đênh, trôi nổi như chính công việc của họ.


Một ngày sáng sớm, chúng tôi có mặt tại bến đò Bình Qưới (quận Bình Thạnh) nằm ở ven sông Sài Gòn. Gặp vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngoắn, một trong những người làm nghề chèo đò lâu nhất ở đây. Chị cho biết lên Thành phố Hồ Chí Minh gắn bó với sông nước đã 3 năm, nhưng cho tới nay, tài sản đáng giá nhất của nhà chị chỉ là một con đò bằng gỗ.

Vì kế sinh nhai, rất nhiều người đã từ bỏ quê nhà để lên TP.HCM làm nghề chèo đò. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Vì muốn tìm kế sinh nhai, vợ chồng chị Ngoắn đã bỏ lại 5 người con ở quê nhà để lên Sài Gòn làm nghề chèo đò. 15 năm lênh đênh trên sông nước nhưng cho tới nay, cuộc sống của anh chị vẫn không khá lên chút nào.

Chị tâm sự: "Chèo đò là 1 nghề rất thất thường như thời tiết. Nếu hôm nào mưa nhiều thì coi như cả 2 vợ chồng “trắng tay” vì không có khách.

“Hầu hết những người làm nghề chèo đò đều rất nghèo, nhà cửa tạm bợ, đời sống bấp bênh, làm ngày nào biết ngày đó. Con cái của chúng tôi hầu như không được học hành tới nơi tới chốn. Nhưng chúng tôi cũng chẳng dám mơ tưởng tới việc đổi nghề vì chẳng có tiền”.

Lệnh đênh trên sông nước, tử thần có thể "hỏi thăm bất cứ lúc nào 

Trước đây, khi chưa có phà, vợ chồng chị Ngoắn phải dậy từ mờ sáng để chờ khách, đến ăn cũng vội vội vàng vàng rồi lại tất tả ra đón khách. Có những hôm vợ chồng chị còn phải chở khách đến tận 12 giờ đêm hay 1 giờ sáng.

Vất vả là vậy, nhưng thu nhập của cả 2 vợ chồng cũng chỉ được 1-1,2 triệu đồng/tháng.

Lớn lên từ xóm vạn đò An Lợi Đông, quận 2, cho tới nay, chị Huỳnh Thị Phúc (40 tuổi) đã có thâm niên làm công việc quen thuộc này đã gần 30 năm. Một ngày làm việc cật lực của chị Phúc cũng chỉ được khoảng từ 7-10 chuyến đò, với thu nhập trung bình khoảng trên 1 triệu đồng/tháng.

Mặc dù không có áo phao nhưng giữa chủ và khách vẫn mạo hiểm sang bờ bên kia. (Ảnh: Hồng Điệp)

Thêm nữa, cứ khoảng từ 3-5 năm thì người lái đò phải thay đò 1 lần với chi phí khoảng từ 3.-5 triệu đồng/chiếc. Thu nhập chẳng đáng là bao, mà cuộc sống hằng ngày lại quá vất vả, không kham nổi tiền thay đò nên chị Phúc cũng đang muốn tìm một công việc khác ổn định hơn.

Và khi phố phường lên đèn, người lái đó vẫn âm thầm đưa khách sáng sông 

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay trên toàn địa bàn thành phố còn khoảng 30 bến đò ngang, tập trung chủ yếu tại các quận 2, 4, 8, 12, Bình Thạnh… Tại các bến đò này, có rất nhiều phương tiện không đạt đủ yêu cầu về mặt kĩ thuật nhưng vẫn lén lút hoạt động. Những con đò nhỏ chưa được trang bị áo phao cho khách, hoặc đôi khi hành khách trong tình trạng say xỉn, quậy phá nên xảy ra tình trạng lật đò, gây hậu quả chết người.

Cho dù Thành phố Hồ Chí Minh đã xiết chặt các quy định quản lý an toàn giao thông đường thủy nhưng tình trạng mất an ninh trật tự tại các bến đò vẫn xảy ra. Cuộc sống hằng ngày của những người chèo đò, vốn đã bấp bênh, lại thêm những hiểm nguy rình rập.

Việt Dũng – Ngọc Thân

Bình luận
vtcnews.vn