Làng quất Tứ Liên vốn nổi tiếng với nghề trồng quất cảnh. Mấy năm trở lại đây, những nghệ nhân nuôi trồng quất cảnh của làng Tứ Liên đã nhận ra một xu hướng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều đó là trồng quất nghệ thuật, quất Bonsai hay còn gọi là quất bình.
Tại thời điểm này, khi còn cách Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 vài ngày, thị trường cây cảnh bắt đầu "nóng" lên từng giờ. Mỗi ngày, có hàng trăm, hàng nghìn lượt khách tới các vườn cây ở làng Tứ Liên để thăm thú cũng như lựa những chậu cây đẹp về đón xuân.
Theo một số chủ vườn tại đây, các chậu quất to, tán khủng thường được lòng khách hàng, tuy nhiên giá của chúng cao nhất cũng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng.
Một chủ vườn cho biết: "Trồng quất không làm giàu được. Mọi người có thể thấy đấy, một chậu quất to 2 người ôm cũng chỉ có giá cùng lắm là 1,5 - 2 triệu đồng, mà phải trồng 2 - 3 năm mới được như thế, chăm sóc cũng từng đấy thời gian, liệu lấy đâu ra lời. Còn các chậu quất con thì vài trăm nghìn, thậm chí những ngày sát Tết chúng hạ xuống chắc còn vài chục nghìn".
Theo khảo sát của phóng viên báo điện tử VTC News trước ngày ông Công, ông Táo 1 ngày (19/1), giá quất mua tại vườn ở làng Tứ Liên có giá từ 200.000 đồng - 2 triệu đồng. Có những chậu cây dáng đẹp được trả giá cao hơn một chút nhưng không nhiều. Người tiêu dùng hầu hết tập trung vào phân khúc quất khoảng trên dưới 1 triệu đồng.
Nghề trồng quất vất vả quanh năm nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế cao như mong đợi, thậm chí nhiều chủ vườn còn "sốt xình xịch" khi quất mất mùa, dịch bệnh, thời tiết..... Vì vậy, từ mấy năm nay, làng quất Tứ Liên nổi lên phong trào trồng quất nghệ thuật, quất Bonsai.
Quất Bonsai, quất nghệ thuật là những cây quất nhỏ khoảng 50cm. sƯu điểm của những chậu cây này là nhỏ gọn, hợp với không gian hẹp của các hộ gia đình, có thể trưng trong phòng ngủ hoặc trên bàn làm việc. Hoặc có những chậu cây tạo dáng theo phong thủy, hợp mệnh với gia chủ.
Để được những chậu cây quất nghệ thuật đẹp, các nghệ nhân trong làng Tứ Liên phải mất khoảng 2 - 3 năm chăm sóc. Khâu khó nhất và cũng cần nhiều thời gian nhất là tạo dáng, nghệ nhân phải thực sự vất vả khi tạo dáng cho chúng theo ý muốn của mình.
Dáng thì có rất nhiều kiểu dáng đẹp như: Long giáng, phụng chầu, thác đổ,... tuy nhiên, năm nay nổi lên dáng hình gà để phục vụ Tết Đinh Dậu (năm con gà). Ông Cát, chủ vườn quất Oanh Cát (Tứ Liên, Hà Nội) cho biết: "Quất Bonsai, quất nghệ thuật đắt nhất là những cây có dáng đẹp tự nhiên, chúng có giá không dưới 10 triệu đồng. Còn các chậu cây nghệ thuật có sự can thiệp từ người trồng thì có giá rẻ hơn đôi chút".
Vườn cây cảnh của ông Cát có một chậu quất thế gà tự nhiên rất đẹp, được ông Cát định giá trên 10 triệu đồng, còn giá cho thuê khoàng 6 - 7 triệu đồng. "Rất hiêm cây quất nào có dáng đẹp tự nhiên như thế, trong khi nhiều khách chỉ mua quất về chơi hết Tết thì vứt đi như vậy rất phí. Riêng cây quất đó, tôi chỉ muốn cho thuê. Tất nhiên, khách hàng nào có thiện chí tôi sẵn sàng bán" – Ông Cát cho biết.
Theo khảo sát của phóng viên, các chủ vườn tại đây có rất nhiều chậu quất dáng gà sẵn sàng tung ra thị trường nhằm phục vụ nhiều khách hàng có nhu cầu. Giá của chúng dao động trong khoảng từ 2 - 10 triệu đồng, gấp hơn 10 lần so với trồng quất truyền thống. Có những chậu quất nghệ thuật "độc nhất vô nhị" được ra giá vài chục triệu đồng.
Ông Mạnh, một chủ vườn khách nói: "Thực ra trồng quất thường vất vả hơn nhưng mang lại lợi nhuận không cao bằng quất nghệ thuật. Quất nghệ thuật đòi hỏi người trồng phải có khiếu thẩm mỹ, tốn công sức chăm sóc trong việc tao hình, tạo dáng. Vì vậy, nhiều chủ vườn bắt đầu trồng xen kẽ với nhau để tăng thêm thu nhập".
Quất nghệ thuật hiện rất được nhiều người tìm đến, theo một số chủ vườn, mẫu quất này rất dễ tiêu thụ, phù hợp với đa phần người dân Hà Nội khi sống trong không gian nhỏ hẹp. Chỉ tính riêng trong 3 ngày, có vườn bán gấp đôi so với quất thường.
Cùng với quất vườn truyền thống, quất bonsai, quất nghệ thuật đang góp phần đưa quất Tứ Liên trở lên nổi danh trên cả nước, đưa sắc xuân đến mọi nhà.
Bình luận