• Zalo

Trọng pháo lớn nhất thế giới tấn công, máu người Xô Viết đã đổ xuống Crưm thế nào?

Thế giớiThứ Ba, 04/03/2014 08:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Cuộc vây hãm, oanh tạc đẫm máu ở Sevastopol đã trở thành một trong những trang đỏ nhất của lịch sử Thế chiến II với tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của Hồng quân Liên Xô trước quân phát xít.

Là thành phố cảng nằm bên bờ biển Đen, Sevastopol là một khu vực có vị trí chiến lược với Đức Quốc Xã trên con đường tiến đến vùng dầu mỏ trù phú phía Đông Nam. Nếu chiếm được thành phố này, sẽ là thành công bù lại cho việc không thể chạm vào Matxcơva hay Leningrad khi đó.
Tương quan 
Lực lượng số 11 của Quân đội Đức Quốc Xã là đơn vị trực tiếp tham gia các trận đánh ở Crưm trong cuộc Tổng tấn công Kharkov năm 1942. 
Khi đó, 5 sư đoàn bộ binh Đức được lệnh bao vây Sevastopol trên đất liền, được hỗ trợ từ trên không từ các phi đoàn VIII Fliegerkorps và Luftflotte IV. Khi đó, không quân Đức có lợi thế gấp đôi so với Liên Xô.
 Bức tranh của Alexander Deyneka vẽ về các chiến sĩ hải quân Xô Viết bảo vệ Sevastopol
Cuộc vây hãm khủng khiếp ở Sevastopol bắt đầu từ ngày 8/5/1942. Ban đầu, người Đức đã rất thành công với kế hoạch của mình. Các binh sĩ Liên Xô làm nhiệm vụ phòng thủ khi đó không có cơ hội để phản kháng, mỗi ngày có khoảng 18.000 cuộc oanh kích trên không, trong khi đó khả năng phòng thủ mặt đất của Sevastopol lúc đó rất yếu.
Bên cạnh đó, sau khi chiếm được bán đảo Kerch của Crưm, quân đội Đức Quốc Xã đã ‘toàn tâm toàn ý’ thực hiện âm mưu vây hãm, đánh chiếm cảng Sevastopol. Tuy nhiên, thành công bước đầu của họ đã vấp phải sự phòng vệ vô cùng chắc chắn của thành phố cảng.
Dưới sự chỉ huy của Tướng I.E. Petrov, 106.000 binh sĩ cùng với 600 khẩu pháo, 100 súng cối và 38 xe tăng đã làm nhiệm vụ phòng thủ cho quân cảng chiến lược này.
Khi đó, Tướng Petrov chỉ có 55 máy bay chiến đấu hữu dụng trong khi người Đức sở hữu hàng loạt trang bị ‘khủng’, kể cả siêu pháo nặng hơn 13.000 tấn Gustav, thậm chí khẩu Dora cũng đã được lệnh cho lên tham gia tấn công.
Đoàn tàu bọc sắt Zheleznyakov (Железняков) của hải quân đánh bộ thuộc hạm đội Biển Đen tham gia phòng thủ Sevastopol
Để tấn công thành phố cảng Sevastopol, người Đức tập hợp 204.000 quân, 670 pháo, 720 súng cối, 655 súng chống tăng, 450 xe tăng và 600 máy bay chiến đấu. Ngoài ra, trên biển Đen, Đức có 19 tàu chiến, 30 tàu tuần tra và 8 tàu chống ngầm.
>> Ảnh: Siêu pháo từng cày nát quân cảng Sevastopol, Ukraine

Với chiến lược vây hãm cả trên bộ lẫn dưới nước, Đức tin rằng khi mọi đường tiếp tế bị chặn, quân Liên Xô đang cố thủ ở Sevastopol sẽ rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.

Phát xít Đức từng sử dụng trọng pháo lớn nhất thế giới tấn công Crưm

Quân Liên Xô khi đó dùng chiến thuật sử dụng tàu ngầm và tàu chiến cao tốc của Hạm đội Biển Đen để tiếp tế lương thưc, đạn dược cho thành phố cảng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực gần như ‘muối bỏ biển’ trong tình thế vây ráp của Đức Quốc Xã.
Tấn công – phòng thủ
Ngày 2/6, những cuộc bắn phá nhằm vào Sevastopol bắt đầu được quân Đức thực hiện, kéo dài trong 5 ngày liên tiếp. Đến 7/6, quân Đức bắt đầu tổ chức đánh trực tiếp, tuy nhiên mọi đợt tấn công ban đầu đều bị đẩy lùi.

 


Nhưng dần dần, thời gian đã cho lực lượng phòng thủ của Liên Xô thấy nguy cơ từ quá trình vây hãm. Tướng Petrov khi đó chỉ có 1/3 số đạn dược, nhu yếu phẩm mà ông cần để đảm bảo việc phòng thủ.
Sau này, Đức đã có những báo cáo về việc binh sĩ Liên Xô phải chiến đấu tay không khi đã không còn đạn để bắn vì những khẩu súng của họ đã nhả quá nhiều đạn khi nguồn tiếp tế còn dồi dào.
Tuy nhiên, cái mà quân Đức đối mặt ở Sevastopol không chỉ là người, súng và đạn, đó còn là những người con Xô Viết, mang trong mình một niềm tin mãnh liệt, niềm tin về bảo vệ đất mẹ khỏi những kẻ xâm lược.
Khẩu hải pháo "Maxim Gorky" của Hồng quân sau khi bị bắn hỏng
Ví dụ điển hình là những binh sĩ làm nhiệm vụ phòng thủ Hải pháo Maxim Gorky, 1.000 người có mặt ở đó, trong suốt quá trình oanh tạc, bắn phá và tấn công vô cùng dữ dội từ phía quân Đức nhưng chỉ có 50 người bị bắt làm tù binh, họ đều là những chiến sĩ bị thương nặng, số còn lại không bao giờ chịu khuất phục trước quân thù.
Đến ngày 30/6/1942, phòng tuyến của Liên Xô ở Sevastopol đã bị đâm thủng sau nhiều ngày vây hãm, oanh kích nặng tay của Đức Quốc Xã, Stalin ra lệnh cho Tướng Petrov cùng các sĩ quan hải quân và cán bộ cao cấp của thành phố cảng rút lui bằng tàu ngầm.
Quá trình sơ tán kéo dài đến 3/7 và Tướng Petrov cùng Phó Đô đốc F. S. Oktyabrski là những người cuối cùng rời thành phố. Toàn bộ quá trình diễn ra dưới sự oanh kích dã man của quân Đức khi mà chúng nhả đạn vào mọi nơi chúng muốn, cày nát thành phố cảng.
Sau cuộc chiến này, 90.000 chiến sĩ hồng quân đã bị bắt giữ, 18.000 chiến sĩ hi sinh và hơn 5.000 người khác bị thương vì bảo vệ cho Sevastopol.
Trang sử đẫm máu
Trải qua một cuộc bao vây, bắn phá kinh hoàng, Sevastopol trở thành một trong những trang sử nhuộm đỏ nhất của Thế chiến II, nơi xảy ra những cuộc chiến đấu, bảo vệ ác liệt nhất giữa các hồng quân Liên Xô với quân đội Đức Quốc Xã, cả trên đất liền và dưới biển.
Cảng Sevastopol vào tháng 7/1942, sau trận đánh
Ivan Losev, một nhân chứng của cuộc chiến, khi chiến tranh ghé qua ngôi làng, ông còn là một cậu bé Liên Xô. Ký ức của ông về cuộc chiến ở Sevastopol được ví như một cơn ác mộng nơi thiên đường. Thành phố Sevastopol xinh đẹp đã chìm trong máu.
“Khi phát xít đến, chúng tôi được lệnh sợ tán đến hầm trú ẩn ở bờ biển. Ngồi ở đó trong 3 ngày. Không thức ăn. Không nước uống. Thứ mà chúng tôi cho vào cổ họng là nước biển mặn chát”, ông lão Ivan nhớ lại.
“Không có gì để ăn nhưng ra ngoài còn nguy hiểm hơn. Bom đạn ở khắp mọi nơi. Lính phát xít tuần tra trên đường và yêu cầu xem giấy tờ của mọi người chúng gặp. Ai không có lập tức bắn bỏ. Những người có giấy tờ tùy thân hợp pháp được gửi đến trại tập trung”, nhân chứng kể thêm.
 Quân cảng Sevastopol hiện nay, căn cứ của Hạm đội Biển Đen, hải quân Nga
Dù cho cuộc chiến có đi qua, hàng ngàn người vẫn còn tiếp tục đổ máu ở Sevastopol. Những người con Liên Xô còn trụ lại thành phố bị phát xít truy diệt. Dân thường trốn trong các hầm mỏ, boongke cũng bị chúng thổi khói, khí độc xua ra ngoài.
Thậm chí, trong trường hợp của nữ y tá chiến trường Luybov Kotova, cô đã may mắn kịp thoát ra một hầm mỏ dùng làm nơi trú ẩn gần thành phố cảng, trước khi quân phát xít cài thuốc nổ, đánh sập hầm dù còn hàng trăm người bên trong.
Qua hơn 250 ngày vây hãm, oanh tạc Đức Quốc Xã chiếm được Sevastopol như một căn cứ chiến lược, họ đã cố thủ bằng mọi giá khi Liên Xô trở lại vào năm 1944 nhưng không thành công, Sevastopol lại trở về với Matxcơva.
Ngày nay, Sevastopol vẫn là địa điểm chiến lược, là căn cứ của Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga. 
Theo hãng tin RT, những chiến sĩ hải quân Nga đóng ở đây, thành phố đã từng thề bằng máu của cha ông họ để đảm bảo rằng không còn có thêm ‘cơn ác mộng nơi thiên đường’ nào xảy ra một lần nữa.
Bình luận
vtcnews.vn