Chính sách đối ngoại
Theo The Guardian, nếu có một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại dưới thời Tổng thống Trump, thì đó là sự thiếu chắc chắn - không chỉ xuất hiện những thay đổi khác thường về chính sách ngoại giao của Tổng thống và chính quyền của ông, mà trong chính phương hướng của ông cũng có sự mâu thuẫn và đôi khi là đảo ngược.
Tổng thống Trump nhất quyết muốn đưa quân đội Mỹ trở về từ Syria và Afghanistan dù bị phản đối, đôi khi gây sốc cho các cố vấn bằng sự hiếu chiến đặc biệt là đối với Iran, dẫn đến nguy cơ mâu thuẫn giữa ông với các quan chức Lầu Năm Góc và các đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông.
Dù chỉ trích chính phủ Tehran, ông Trump đã quyết định không trực tiếp cạnh tranh ảnh hưởng với Iran ở Syria. Ông đe dọa Triều Tiên phải đối mặt với hỏa lực và phẫn nộ, nhưng sau đó lại tuyên bố đã "cảm mến" lãnh đạo Kim Jong Un, mặc dù lãnh đạo Triều Tiên chưa thể hiện rõ ý định huỷ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Donald Trump miễn cưỡng chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin, làm dấy lên những nghi ngờ rằng ông đang bị ảnh hưởng bởi điện Kremlin. Chính quyền của ông đã tranh cãi về một đường lối cứng rắn hơn chống lại Nga so với người tiền nhiệm, chồng chất nhiều lệnh trừng phạt và cung cấp vũ khí gây chết người cho Ukraine.
Một đặc điểm khác làm cho chính sách đối ngoại trong thời đại của ông Trump không giống với bất kỳ chính quyền nào trước đây, đó là cá nhân hóa quan hệ với các chính phủ nước ngoài. ông Trump rõ ràng tin tưởng vào suy nghĩ của mình hơn lời khuyên của bộ phận an ninh và chính sách đối ngoại Mỹ. Điều này khiến ông được cho là trở nên gần hơn với những người chuyên quyền và tránh xa các đồng minh dân chủ truyền thống, những người mà ông thường coi là lợi dụng sức mạnh của Mỹ.
Thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận với những điểm nóng trên thế giới là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm Barack Obama và những đời tổng thống trước, theo Guardian. Hầu như tất cả mọi thứ ông Obama nỗ lực đạt được, thì ông Trump đều cố gắng chống lại, từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran đến các thỏa thuận thương mại ở Thái Bình Dương hoặc với châu Âu, hiệp định khí hậu Paris.
Chính sách ngoại giao của ông cho thấy sự nhất quán không tin tưởng vào các thỏa thuận và thể chế đa phương. Tuy vậy một điểm khá thú vị ở vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm được nhiều nhà tâm lý quan sát, đó là khác với cách nói chuyện có phần áp đảo và mạnh mẽ trên các bài phát biểu hay diễn thuyết, ở các bàn đàm phán quốc tế ông lại khá kiềm chế, nhẹ nhàng khác với phong thái nhiều người hình dung về ông.
Kinh tế
"Đây là nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước ta", ông Donald Trump nói với các phóng viên năm 2018. Hai năm trong nhiệm kỳ tổng thống, ông có nhiều điều để "khoe" nhưng cũng có một số vấn đề lớn.
Cho đến nay, khoảng 5 triệu việc làm đã được tạo ra dưới thời ông Trump. Sự phục hồi hiện tại bắt đầu dưới thời tổng thống Barack Obama.
Ông Bill Clinton giữ kỷ lục về sự gia tăng số lượng lớn nhất trong lực lượng lao động, 23 triệu việc làm trong hai nhiệm kỳ. Ông Obama, người được bầu vào thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất, đã thêm 10 triệu việc làm trong hai nhiệm kỳ của mình.
Ông Trump đã có một khởi đầu tuyệt vời, nhưng qua 99 tháng tăng trưởng việc làm liên tiếp, sự chậm lại dường như không thể tránh khỏi, Tuy vậy dưới thời của ông, tăng trưởng tiền lương cuối cùng cũng tăng một chút sau nhiều năm trì trệ.
Trong các lĩnh vực khác, hồ sơ kinh tế của ông Trump có phần thiếu cân đối.
Thành tựu chính sách lớn nhất của ông được cho là cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD mà ông đã thúc đẩy trong tháng 11/2017. Bị chỉ trích bởi các nhà phê bình là món quà cho các tập đoàn, nó phần nào đã giúp đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018.
Tất nhiên một điểm nổi bật nữa trong chính sách kinh tế của Trump là chiến tranh thương mại. Tổng thống Trump đã "phá vỡ một cách hiệu quả" các thỏa thuận thương mại hàng thập kỷ và đối đầu với các đối tác thương mại lớn nhất của nước Mỹ. Tác động của sự "gieo thù chuốc oán" này vẫn đang được đánh giá, nhưng nó đã gây ra sự bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và có thể đã góp phần làm chậm lại nền kinh tế Trung Quốc.
Apple đưa ra cảnh báo lợi nhuận đầu tiên kể từ năm 2002 vào đầu tháng 1/2019, đổ lỗi cho việc kinh doanh chậm lại ở Trung Quốc. Nhiều cảnh báo khác cũng có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Chủ nghĩa dân túy kinh tế có thể đã giúp ông Trump đắc cử, nhưng ông có được nhiệm kỳ thứ hai hay không sẽ phụ thuộc vào việc ông thực hiện lời hứa trong lần đầu tiên như thế nào, hay liệu những việc ông làm trong hai năm qua có quay trở lại hại chính ông hay không.
Môi trường
Chính sách quản lý môi trường của ông Trump có lẽ được biết đến nhiều nhất với việc nói biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp của Trung Quốc, hoặc cáo buộc về mức độ tham nhũng của Scott Pruitt và Ryan Zinke, cựu lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Nội vụ.
Tuy nhiên, chính việc coi thường các quy định phức tạp của chính quyền rất có thể sẽ để lại tác động đối với sức khỏe của người Mỹ và thế giới xung quanh.
Đây là một quá trình lâu dài. Ví dụ, trong thời kỳ hỗn loạn giữa Giáng sinh và Năm mới, EPA đã quyết định rằng các quy tắc hạn chế phát thải thủy ngân, liên quan đến rối loạn thần kinh, các vấn đề về tim và phổi và hệ thống miễn dịch bị tổn thương, là quá nặng nề đối với các nhà máy than và nên bị loại bỏ.
Đó chỉ là mới nhất trong danh sách khoảng 80 quy tắc môi trường bị dỡ bỏ hoặc dự kiến bãi bỏ bởi chính quyền Tổng thống Trump. Chúng bao gồm chính sách thời Obama giảm phát thải khí nhà kính từ năng lượng, lệnh cấm thuốc trừ sâu được coi là có hại đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh, tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ô tô.
Chế độ phương tiện mâu thuẫn gay gắt với California, nơi có các quy tắc ô nhiễm nghiêm ngặt hơn đối với ô tô và xe tải so với các tiêu chuẩn của liên bang. Một loạt các hành động pháp lý về các vấn đề khác cũng được dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2019 khi các nhóm môi trường cố gắng đánh bại những trở ngại từ ông Trump.
Tuy nhiên, không giống như nhiều lĩnh vực khác, bất kỳ sự chậm trễ nào trong chính sách môi trường cũng có hại trong khi khí hậu thế giới nóng lên nhanh chóng đến mức không thể chịu đựng được đối với nhiều người Mỹ. Họ đã phải đối mặt với những cơn bão ngày càng tăng, biển động và hỏa hoạn. Vào tháng 10/2018, một báo cáo mang tính bước ngoặt của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo chỉ còn một chục năm nữa để ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu vượt qua điểm hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ cực đoan và nghèo đói trở nên đặc biệt tồi tệ.
Đáp lại, ông Trump tuyên bố khí hậu thay đổi qua lại, lúc này lúc khác và "tôi không tin vào điều đó".
Nhập cư
Những chính sách nhập cư của ông Trump lôi kéo sự lên án toàn cầu và những lời chỉ trích lưỡng đảng kéo dài tại quê nhà. Trong ba tháng đầu năm 2018, ông Trump ban sắc lệnh ép buộc tách trẻ em di cư khỏi gia đình, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tuyệt vọng trong phòng xử án ở biên giới và các trung tâm giam giữ khi các bà mẹ phải cầu xin cho con trở về. Trên thực tế, chính sách có thể đã tách hàng ngàn trẻ em khỏi gia đình kể từ năm 2017.
Con gái của ông Trump, cố vấn cấp cao Ivanka đã mô tả những tháng đó là "một điểm thấp" của chính quyền, chính sách chính thức bị từ bỏ vào tháng 6. Nhưng chính quyền Mỹ tiếp tục theo đuổi một chương trình nghị sự cực đoan về nhập cư, giữ cho các gia đình tách biệt theo những cách khác nhau.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến “bức tường” biên giới – chủ điểm gây tranh cãi trong những ngày gần đây và khiến thời gian chính phủ Mỹ đóng cửa một phần kéo dài kỷ lục khi không đạt được thống nhất về ngân sách cho đề xuất này. Bức tường biên giới Mỹ - Mexico được ông Trump cho là giải pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.
Trong khi đó, chính quyền Mỹ đã cắt giảm con số người tị nạn được phép vào Mỹ xuống mức thấp kỷ lục 30.000, khiến con số xin cấp thẻ xanh thành công giảm mạnh. Cá nhân ông Trump đã đe dọa kết thúc chính sách cấp quyền công dân cho trẻ có bố mẹ nước ngoài sinh ra trên đất Mỹ.
Bình luận