Tròn, to ánh nhìn bệnh nhi và câu chuyện "Lời chúc đủ"

Sức khỏeThứ Ba, 24/01/2012 12:42:00 +07:00

(VTC News) - Khỏi bệnh để về đón Tết cùng gia đình là niềm mơ ước của bố mẹ cũng như các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện Nhi Trung Ương.

(VTC News) - Khỏi bệnh để về đón Tết cùng gia đình là niềm mơ ước của bố mẹ cũng như các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện Nhi Trung Ương.

Những ước mơ nhỏ bé

Buổi học đầu tiên của năm 2012, lớp Hi vọng (Bệnh viện Nhi TW) không đông như mọi ngày, không ồn ào như những lớp học bình thường khác, mà tĩnh lặng, trầm lắng. Những đôi mắt tròn, to, chăm chú nhìn cô giáo kể câu chuyện đầu năm “Lời chúc đủ”.

Nghe xong câu chuyện, bé  nào cũng gửi lời chúc sức khỏe đến các bạn cùng lớp, bởi lẽ được khỏi bệnh là khao khát của các em.

Với cô bé Liễu Thanh Hằng ở Lạng Sơn, 7 tuổi, hiện đang điều trị tại khoa Gan mật, đây là lần đầu tiên đến với lớp học Hi vọng. Khi được hỏi: Nếu bây giờ có cô tiên thì em sẽ xin điều gì? Hằng trả lời với nụ cười rụt rè trên môi: “Em chỉ ước làm sao mau khỏi bệnh thôi, để về nhà với mẹ. Em nhớ mẹ lắm”.

 “Em chỉ ước làm sao mau khỏi bệnh thôi, để về nhà với mẹ. Em nhớ mẹ lắm”.

Cũng mong chóng khỏi bệnh, cũng mong được về nhà, nhưng có lẽ với em Đinh Văn Xô, 13 tuổi, khoa Thận, niềm ước ao đó lại càng mãnh liệt hơn. “Con khỏe thì bà cũng khỏe lại. Bà bị ốm là vì con”.

Đinh Văn Xô, “Con khỏe thì bà cũng khỏe, con ốm thì bà cũng ốm”  


Phải truyền hóa chất thường xuyên, nên buổi học đầu tiên trong năm 2012 này là một trong số những lần Phạm Thị Thảo, 10 tuổi đang điều trị tại Khoa Ung bướu xuống lớp học. Mặc dù vẫn còn khá mệt nhưng em vẫn vui vẻ tâm sự: “Con chỉ ước một điều là mau khỏe để được về với ông. Sau này con sẽ đi làm để trả nợ cho bố mẹ, để gia đình không phải lo cho con”.

Phạm Thị Thảo, “ Sau này con sẽ đi làm để trả nợ cho bố mẹ”  

Bên cạnh niềm khao khát được khỏi bệnh, các em cũng có những háo hức, những ao ước rất ngây thơ, rất trẻ nhỏ nhân dịp năm mới. Bé Thanh Hằng thì vừa cười vừa nói: “Tết đến, em thích có quần áo đẹp để đi chơi”.

Lê Tiến Anh, “con ước trời đừng lạnh như thế này. Trời lạnh lấy ven đau lắm. Hôm nay, bác sĩ chọc mấy lần mới được đấy”  

“Con ước trời đừng lạnh như thế này nữa. Trời lạnh lấy ven đau lắm. Hôm nay, bác sĩ chọc mấy lần mới được đấy” là tâm sự của bệnh nhi Lê Tiến Anh, 12 tuổi, đã điều trị hơn một năm tại Khoa Ung bướu.

Từ Thái Nguyên xuống Hà Nội trị bệnh hơn một tháng, thấy cha mẹ tốn kém trong việc chữa trị bệnh cho mình nên em Ngô Sĩ Trường, 10 tuổi, có một mơ ước rất giản dị: “Đến Tết, em mong có nhiều tiền lì xì. Có thật nhiều tiền để chữa bệnh”.

Ngô Sĩ Trường, “em mong có nhiều tiền lì xì. Có thật nhiều tiền để chữa bệnh”. 

Những điều ước tưởng chừng rất giản dị, rất bình thường đó chính là niềm khát khao, ước ao của các em. Chúng có sức sống bền bỉ mà không căn bệnh nào có thể dập tắt được.

Sợ đón Tết… tại bệnh viện

Háo hức, mong chờ những ngày Tết cổ truyền nhưng các em, cũng như cha mẹ của mình cũng đang âm thầm lo lắng bởi không biết mình có phải ăn Tết tại bệnh viện không.

Đã hơn một năm nay, Tiến Anh và mẹ coi bênh viện là nhà. Bị bệnh máu trắng, phải thường xuyên truyền hóa chất và huyết tương nên hai mẹ con hầu như chẳng thể rời khỏi bệnh viện.

 Tết này rất có thể lại là một cái Tết 2 mẹ con Tiến Anh đón Tết tại Bệnh viện. 
Những ngày nghỉ ngắn ngủi giữa những lần điều trị chẳng đủ để hai mẹ con khăn gói về Lâm Đồng. Đã lâu lắm rồi, em chưa được gặp ông bà ngoại và chị gái mình. Mẹ Tiến Anh, chị Trần Thị Mai Hiền thở dài chia sẻ: “Năm ngoái hai mẹ con đã đón Tết ở viện rồi. Cũng buồn, cũng tủi lắm, chỉ có hai mẹ con với nhau, còn chẳng có cái bánh chưng cho con nữa. Không biết năm nay, hai mẹ con nhà cháu có được về không, cũng lâu lắm rồi ông cháu, chị em chưa được gặp nhau”.

Cũng chung nỗi niềm với mẹ con Tiến Anh là vợ chồng chị Nguyễn Thị Hưng, Sơn La. Mỗi khi đứa con nhỏ bị bạch cầu trắng hỏi Tết này có được về quê ăn tết với anh không thì chị lại chảy nước mắt.

“Bây giờ anh chị chỉ mong tình trạng của cháu ổn định như thế này, may ra còn được về quê ăn Tết, nhưng mà cái bệnh này khó nói lắm. Mấy hôm nay, nó cứ hỏi có được về nhà không suốt, lại còn dặn nếu không được về thì phải mang anh Hoàng xuống ăn Tết viện cùng”.

Bên cạnh không khí tấp nập chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán ở khắp mọi miền đất nước thì vẫn có những con người đang thấp thỏm lo lắng không biết năm nay mình đón năm mới ở đâu, ở nhà hay ở bệnh viện.

Phạm Hà - Ngọc Uyên 

 

Bình luận
vtcnews.vn