Đan Mạch từng vô địch EURO 1992 dù chỉ dự giải với tư cách đội thế chỗ. EURO 2004, Hy Lạp đánh bại những cường lực của bóng đá thế giới như Cộng hòa Czech, Bồ Đào Nha để đăng quang. Ngoại hạng Anh 2015/2016, Leicester City trở thành nhà vua.
Đó đều là những câu chuyện cổ tích có thật của bóng đá hiện đại. Chức vô địch Champions League của Chelsea năm 2012 cũng không phải ngoại lệ, nhưng tại sao? 4 năm trước đó, Chelsea từng vào tới chung kết và chỉ thua Manchester United bởi cái trượt chân oan nghiệt của John Terry. 3 năm trước đó, Chelsea suýt có mặt tại chung kết, cũng chỉ thua Barcelona hùng mạnh trong trận đấu ngập tiếng còi méo.
Một đội bóng thường xuyên lọt sâu ở Champions League như Chelsea, vô địch giải đấu này có phải là kỳ tích? Có lẽ là không. Dù vậy, hành trình của đội bóng áo xanh mùa giải năm đó in đậm những chi tiết khó tin, có cả may mắn, nhưng tựu trung lại, Chelsea đã khiến cả thế giới thấy được tinh thần quả cảm và nỗ lực vượt lên nghịch cảnh của mình đáng gờm thế nào.
Từ nỗi đau mang tên Andre Villas-Boas
Mùa giải 2011/2012 chứng kiến "tiểu Mourinho", ông Andre Villas-Boas, được trao quyền ngồi ghế chỉ đạo. Chelsea trước đó sa thải Carlo Ancelotti khi HLV người Italy chỉ giúp đội về nhì ở Ngoại hạng Anh. Villas-Boas vừa giúp Porto vô địch Europa League, nhưng ông vẫn quá nhỏ bé ở Chelsea.
Chẳng những không tái hiện hành trình của Mourinho như nhiều người kỳ vọng, Villas-Boas còn "đứt gánh" giữa mùa. Ông bị sa thải sau thất bại trước West Brom. Trước khi ra đi, Villas-Boas giúp Chelsea lách khe cửa hẹp khi thắng Valencia 2-0 để vượt vòng bảng, nhưng lại đại bại 1-3 trước Napoli ở vòng 1/8 Champions League.
Chelsea trên sân San Paolo hôm ấy là Chelsea tồi tệ nhất trong kỷ nguyên Roman Abramovich. Đội bóng nước Anh bất lực trước sức mạnh của Napoli, còn Villas-Boas "chết lặng" trên ghế chỉ đạo. Giỏi chiến thuật và xoay sở, song Villas-Boas quá trẻ để chỉ đạo những cựu thần Chelsea còn ngang tuổi ông như Frank Lampard, Didier Drogba hay John Terry. Ông thầy người Bồ Đào Nha "bật bãi", nhường lại ghế cho Roberto di Matteo.
Di Matteo là ai? Là một huyền thoại Chelsea, nhưng trên ghế chỉ đạo, ông là con số 0. Di Matteo từng giúp West Brom thăng hạng (và thua chính Chelsea 6 bàn không gỡ), được đưa về để trở thành cánh tay nối dài, giúp Villas-Boas làm chủ phòng thay đồ.
Khi Di Matteo ngồi ghế tạm quyền, không nhiều người tin ông sẽ làm được điều kỳ diệu. Chelsea khi ấy đã xuống đáy. Rất ít đội thua 1-3 ở lượt đi Champions League có thể lật ngược thế cờ. Đội chủ sân Stamford Bridge có lẽ đã nghĩ đến viễn cảnh từ bỏ, cố tập trung đua top 4 Ngoại hạng Anh. Dù vậy, điều kỳ diệu đã xảy ra, ở thời điểm ít người ngờ đến nhất.
Từ phép màu Stamford Bridge đến phép màu Allianz Arena
Chelsea nhanh chóng ào lên trong trận đấu lượt về với Napoli. Giữa hiệp 1, Ramires thực hiện quả tạt rất dẻo cho Drogba ghi bàn mở tỷ số. Đầu hiệp 2, đến lượt Terry đánh đầu khéo léo nhân đôi cách biệt.
Cú sút xa của Gokhan Inler bên phía Napoli khiến Chelsea hụt hẫng, nhưng "thuỷ triều xanh" vẫn không ngừng ào lên. Pha để bóng chạm tay của Lavezzi giúp Chelsea có quả phạt đền. Lampard bước lên, thực hiện cú đá chính diện, đưa trận đấu vào hiệp phụ. Sau cùng, cú sút tung nóc lưới như một tiền đạo của Branislav Ivanovic giúp Chelsea ấn định chiến thắng 4-1, thoát khỏi cửa tử để vào tứ kết.
Tiếp đà hưng phấn, Chelsea hạ tiếp Benfica - đội bóng đã góp công tiễn Manchester United rời Champions League từ vòng bảng. Sân Stamford Bridge đã có đôi chút căng thẳng khi Benfica gỡ 1-1 ở trận lượt về, nhưng pha phản công kết thúc bằng cú đá cháy lưới của Raul Mereiles đã đưa Chelsea vào bán kết, chạm trán gã khổng lồ Barcelona.
180 phút trước Barca cũng là 180 phút đáng nhớ bậc nhất trong lịch sử Chelsea. Trước siêu đội bóng của Pep Guardiola và Lionel Messi, Chelsea "đổ bê tông" trong cả hai lượt trận. Họ thắng 1-0 ở trận lượt đi với bàn thắng vàng của Drogba. Lượt về, Chelsea thua trước 0-2 từ những cú đá của Sergio Busquets và Andres Iniesta. Terry cũng bị truất quyền thi đấu vì đánh nguội Alexis Sanchez.
Nhưng Chelsea vẫn đứng vững. Đội bóng của Di Matteo gỡ lại 1 bàn từ cú lốp bóng khó tin của Ramires, trước khi "kết liễu" Barca với bàn thắng của Fernando Torres. Chelsea may mắn khi Barca có 4 lần sút dội cột dọc, xà ngang. Thiên tài Messi cũng đá hỏng phạt đền. Song, đội bóng đứng vững ở Camp Nou dù chỉ có 10 người, chắc chắn xứng đáng vào chung kết.
Đêm diễn ở Allianz Arena một lần nữa cho thấy Chelsea ngoan cường, khó bị đánh bại thế nào. Bayern Munich dồn ép, có bàn mở tỷ số của Thomas Muller. Nhưng ở pha đá phạt góc đầu tiên của trận đấu, Chelsea đã có bàn thắng. Pha đánh đầu mạnh mẽ của Drogba khiến CĐV Bayern chết lặng. Trong hiệp phụ, Petr Cech ôm gọn quả đá 11m của Arjen Robben, đẩy trận đấu vào loạt luân lưu.
Dẫu Mata sút hỏng lượt đầu và người Đức rất giỏi đá luân lưu, thì khi Chelsea đã có vận, đội bóng áo xanh không thể bị ngăn cản. Cú đá dội cột của Bastian Schweinsteiger và pha sút hỏng trước đó của Ivica Olic khiến Bayern sụp đổ. Drobga đá thành công quả quyết định, giúp Chelsea vô địch Champions League.
Tinh thần Chelsea
"Chúng tôi ở Munich đá trận chung kết ngay trên sân đối thủ. Cả sân chìm trong sắc đỏ. Đội chủ nhà vươn lên dẫn trước khi trận đấu chỉ còn 8 phút và trong 8 phút đó, tôi vô cùng nản lòng. Tuy nhiên, Mata bảo tôi: ‘Hãy giữ niềm tin, Didi à’. Nhìn vào bảng tỷ số, tôi suýt bật khóc khi trả lời cậu ấy: ‘Nhưng tin vào cái gì bây giờ? Thời gian sắp hết rồi’.
Nếu chúng tôi thua, có lẽ tôi sẽ lại khóc giống như vài tháng trước đó khi tôi thất bại ở chung kết với Bờ Biển Ngà. Phút cuối cùng, quả phạt góc cuối cùng, đó là quả phạt góc đầu tiên của chúng tôi sau 18 tình huống của Bayern Munich. Đoán xem ai đá quả phạt góc ấy nào? Đó là Mata. Và phần còn lại là lịch sử.
Thế đấy, bài học rút ra là không bao giờ ngừng tin tưởng. Chúng mừng sinh nhật tuổi thứ 8 của chúng ta", Drobga chia sẻ về khoảnh khắc lịch sử.
Chelsea mùa 2011/2012 hội tụ quá nhiều yếu tố để... bị loại sớm ở Champions League. Cơn hỗn loạn trong phòng thay đồ, "thế hệ vàng" đi đến trường đoạn cuối sự nghiệp, gặp toàn những đối thủ mạnh,... Nhưng vượt qua nghìn trùng bão tố, đội bóng thành London đã đi tới tận cùng vinh quang. May mắn là một phần của bóng đá, và kẻ tận dụng được may mắn mới là kẻ mạnh.
Dấu ấn chiến thuật của HLV Di Matteo trên hành trình vô địch không quá đậm nét. Nhiều thông tin cho rằng ông... để cầu thủ tự đá. Trận đấu ở Allianz Arena, các cầu thủ tự lên chiến thuật, tự thi đấu, không cần thông qua HLV. Tuy nhiên, chiến công của Di Matteo là không thể phủ nhận.
Sự mềm dẻo, linh hoạt của Di Matteo đã làm dịu đi không khí căng thẳng trong phòng thay đồ cho Villas-Boas tạo ra. Nhờ vậy, đôi chân của các cầu thủ được giải phóng và Chelsea đã tạo nên lịch sử.
Mùa 2012/2013, Chelsea trở thành nhà vô địch Champions League đầu tiên bị loại ở vòng bảng, nhưng điều đó không thể hạ thấp chiến công của Drogba cùng đồng đội. Chức vô địch năm 2012 vẫn là một trong những câu chuyện thể thao đẹp nhất còn được ghi nhớ đến ngày hôm nay.
Bình luận