Nhiều ngày nay, thời tiết chuyển lạnh sâu, bé Trâm Anh (4 tuổi, Hà Nội) sốt cao liên tục, ho nhiều, được gia đình đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán viêm phổi.
Sau nhiều ngày điều trị, hiện tại trẻ tỉnh táo, hết sốt, không khó thở, phổi cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trẻ chưa thể xuất viện vì cần phải theo dõi thêm.
Nằm giường bên cạnh, Quỳnh Anh (4 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đau đầu. Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm chuyên sâu, trẻ được xác định sốt virus. Hiện tại sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh táo, cắt sốt và có thể ra viện trong một vài ngày tới.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do các bệnh lý về đường hô hấp gia tăng. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, một số bị suy hô hấp, sốt cao.
“Hiện, khoa Nhi đang điều trị cho khoảng 100 trẻ, trong đó phần lớn là các bé mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phổi, sốt xuất huyết, sốt virus, cúm A”, bác sĩ Sang nói.
Theo ghi nhận, tại khoa Nhi của các bệnh viện như Xanh Pôn, Hà Đông hay Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đều tăng số lượng trẻ nhập viện do liên quan đến bệnh đường hô hấp, truyền nhiễm.
Theo các chuyên gia, trời lạnh, các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp. Viêm đường hô hấp được chia thành 2 loại, viêm đường hô hấp trên và viêm đường hô hấp dưới.
Viêm đường hô hấp trên gồm các trường hợp viêm mũi – họng, viêm amidan, viêm tai giữa. Viêm đường hô hấp dưới thường là nặng như viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi.
Thông thường, trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, hoặc khàn tiếng, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng sẽ lui dần và khỏi bệnh trong vòng 5-7 ngày.
Một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.
Khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng (thở nhanh, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng…) để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc điều trị theo sự mách nước của những người không có chuyên môn.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, đề phòng bệnh cho trẻ trong những ngày giá rét, cha mẹ cần chú ý giữ đủ ấm cho trẻ (lưu ý giữ ấm chân, tay, ngực, cổ, đầu), tuy nhiên cũng cần chú ý không ủ ấm quá mức khiến trẻ toát mồ hôi, dẫn đến nhiễm lạnh, viêm phổi. Hạn chế cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp.
Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng (tinh bột, vitamin, muối khoáng, chất béo), ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Tuyệt đối không đốt củi, sưởi than trong phòng kín.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn tiêm chủng.
Bình luận