Trời mưa không dứt, Hà Nội có đủ sức chống ngập?

Thời sựChủ Nhật, 08/09/2013 12:30:00 +07:00

(VTC News) – Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội nói về các kịch bản chống ngập úng ở thủ đô.

(VTC News) – "Nếu lượng mưa từ 100 – 200 mm sẽ chỉ xảy ra ngập úng cục bộ, nhưng nếu mưa lớn hơn thì ngay cả các thành phố lớn ở châu Âu cũng bị ngập chứ đừng nói gì Việt Nam".

Phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão thành phố về các kịch bản chống ngập úng ở thủ đô.

Ông ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội (Ảnh: Internet)
Ông ông Đỗ Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Nội (Ảnh: Internet) 
- Những ngày này trời mưa không dứt, Hà Nội đã có các kịch bản chống ngập lụt chưa, thưa ông?

Việc này đã nằm trong phương án chống lụt bão của thành phố cũng như các ban ngành liên quan. Chúng tôi đã đề ra nhiều phương án chống ngập lụt ở nội thành và ngoại thành Hà Nội.

Ở nội thành, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thoát nước Hà Nội chịu trách nhiệm chống ngập, lụt. Còn ở ngoại thành, việc thoát nước do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì.

Các phương án đó đều đã được xây dựng trước mùa mưa bão để phòng ngừa mọi hiểm họa có thể xảy đến.

- Nhiều người cho rằng các kịch bản chống ngập lụt mà thành phố đưa ra đã lỗi thời so với tốc độ đô thị hóa hiện nay?

Nó cũng không cũ. Thực tế, trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2 sắp được hoàn thành sẽ đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu chống ngập, lụt của thành phố. Việc hoàn thiện trạm bơm Yên Sở sẽ giúp nội thành sớm thoát nước ra các dòng sông lớn.

Thành phố cũng đang tập trung đầu tư xây dựng một trạm bơm lớn khác ở phía tây nam – trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Một dự án khác, dài hơi hơn cũng đang được xem xét.

- Khu vực phía Tây Hà Nội sẽ chịu ngập úng hơn cả có phải không?

 

Tôi khẳng định là nếu lượng mưa từ 100 – 200 mm thì sẽ chỉ xảy ra ngập úng cục bộ, nhưng không nghiêm trọng. Còn nếu mưa lớn hơn thì ngay cả các thành phố lớn ở châu Âu cũng bị ngập chứ đừng nói gì Việt Nam.
Ông Đỗ Đức Thịnh
 
Đúng thế. Khu vực đường vành đai 3 mới được xây dựng, hệ thống thoát nước ở đó chưa được đồng bộ. Phía đường Phạm Văn Đồng thậm chí còn chưa có hệ thống tiêu thoát nước.


Những khu vực nêu trên chắc chắn sẽ thoát nước chậm hơn các nơi khác ở thành phố.

- Tại sao nhiều khu vực rất phát triển như đường Phạm Văn Đồng vẫn chưa có hệ thống tiêu thoát nước?

Phải thừa nhận thực tế là ở Hà Nội vẫn còn có những khu vực tiêu thoát nước không tốt, thậm chí cơ sở hạ tầng còn chưa có lối thoát chẳng hạn như đường Phạm Văn Đồng.

Nguyên nhân là bởi trước đây nơi đó là khu ngoại thành, thoát nước theo kiểu tự nhiên, giờ ta đô thị hóa quá nhanh mà chưa kịp làm hệ thống tiêu thoát nước thì ngập lụt là đương nhiên. Chưa kể, đó là khu đất trũng nên việc tiêu thoát cũng khó.

Trước thực trạng đó, thành phố đang đẩy mạnh xây dựng trạm bơm Yên Nghĩa. Tuy nhiên, đó là dự án lớn nên chắc phải vài ba năm nữa mới hoàn thành được.

- Nói tới việc xả nước sông Nhuệ vào nội thành sau cơn bão số 6 vừa qua, nhiều người vẫn chưa hết ngạc nhiên. Hà Nam không thể “cứu” vỡ đê sông Nhuệ?

Hoàn lưu bão, dự báo mưa sẽ kéo dài trong vòng 3-4 ngày tới ở các tỉnh miền Bắc. (Ảnh minh họa - internet)
Hoàn lưu bão, dự báo mưa sẽ kéo dài trong vòng 3-4 ngày tới ở các tỉnh miền Bắc. (Ảnh internet) 

Lần đó chúng tôi vẫn cho xả nước bình thường qua cống sông Nhuệ sang Hà Nam, nhưng năng lực tiêu thoát của cống chỉ đến thế, không đáp ứng được khi mực nước ở sông Nhuệ không ngừng dâng cao.

Do đó, chúng tôi buộc phải bơm nước vào nội thành để trạm bơm Yên Sở tiêu thoát ra sông Hồng. Khi nước thoát ra được sông Hồng, chúng ta sẽ không chịu ảnh hưởng lắm khi nước sông dâng cao còn nếu để vỡ đê sông Nhuệ thì hậu quả khó lường.

- Bão số 7 ập tới, Hà Nội có đủ sức chống chọi không?

Tôi khẳng định là nếu lượng mưa từ 100 – 200 mm thì sẽ chỉ xảy ra ngập úng cục bộ, nhưng không nghiêm trọng. Còn nếu mưa lớn hơn thì ngay cả các thành phố lớn ở châu Âu cũng bị ngập chứ đừng nói gì Việt Nam.

Chúng ta phải chấp nhận chuyện đó. Tuy nhiên, thành phố sẽ ưu tiên chống ngập, lụt cho những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn