(VTC News) – "Cần đặc biệt cảnh giác với những người nước ngoài nhờ đổi tiền hoặc có những đề nghị liên quan đến ví tiền; không được đưa tiền cho những kẻ này xem và báo ngay cho công an theo số điện thoại 113 để bắt giữ" - Thượng tá Đào Thanh Hải cảnh báo.
Trong số báo mới đây, VTC News đã có bài viết “7 cú lừa ngoạn mục của tội phạm nước ngoài khi đến VN”, điểm lại những vụ lừa đảo mà thủ phạm chính là người ngoại quốc, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người Việt trong năm qua.
Vụ việc, tình huống, thời gian, địa điểm và thủ phạm… có thể khác nhau, nhưng những “ngón nghề”, những thủ đoạn mà loại tội phạm này sử dụng qua các vụ việc có điểm giống nhau. Do đó, nếu nhận dạng được những thủ đoạn này thì việc phòng, chống của người dân và lực lượng chức năng mới mang lại hiệu quả.
Trong số báo mới đây, VTC News đã có bài viết “7 cú lừa ngoạn mục của tội phạm nước ngoài khi đến VN”, điểm lại những vụ lừa đảo mà thủ phạm chính là người ngoại quốc, gây thiệt hại rất lớn về tài sản của người Việt trong năm qua.
Vụ việc, tình huống, thời gian, địa điểm và thủ phạm… có thể khác nhau, nhưng những “ngón nghề”, những thủ đoạn mà loại tội phạm này sử dụng qua các vụ việc có điểm giống nhau. Do đó, nếu nhận dạng được những thủ đoạn này thì việc phòng, chống của người dân và lực lượng chức năng mới mang lại hiệu quả.
Lịch sự đi mua hàng hoặc đổi tiền rồi… cướp
Trái ngược với các tên cướp “đầu xanh, đầu đỏ” trên phố, những tên lừa đảo người nước ngoài ăn mặc rất lịch sự, chúng giấu bản tính “lưu manh” sau những bộ comple, chiếc ô tô con hay những món đồ sang trọng và dáng vẻ “trí thức”.
Vốn có tinh thần hiếu khách, người Việt Nam luôn niềm nở và sẵn sàng giúp đỡ đối với các vị khách nước ngoài, điều này được các đối tượng tội phạm lợi dụng triệt để.
Khi tiếp xúc ngoài đường chúng “lịch sự” để làm mất đi sự cảnh giác của người Việt, vào cửa hàng chúng càng tỏ ra lịch sự, là những người “hào phóng” để người bán hàng phấn khởi khi bắt được “khách xộp”, xài tiền đô-la mà không hề có sự cảnh giác.
Khi đã thực hiện xong bước một – bước “vô hiệu hoá sự cảnh giác”, các đối tượng dần đưa những “con mồi” của mình vào “ma trận” do chúng điều khiển. Chúng giả vờ ngây ngô khi không hiểu tiếng Việt, hoặc “tung hoả mù bằng cách “xổ” ra một tràng tiếng nước ngoài khiến người Việt căng đầu ra để dịch, rồi lúng túng không biết phải làm thế nào mà chỉ biết làm theo chỉ dẫn của chúng.
Những đối tượng "hô biến" vàng giả thành vàng thật. |
Qua nhiều vụ việc, các đối tượng thường vờ vào mua hàng rồi đưa tiền mệnh giá cao, khi người bán hàng thối lại tiền thì xem rồi yêu cầu được thối bằng một tờ có mệnh giá khác, 100 ngàn, 200 ngàn rồi 500 ngàn khiến người bán hàng khó hiểu, “thôi thì đưa khay tiền, hoặc ví cho khách tự chọn”, chỉ đợi đến thế, một vài tiểu xảo là các đối đối tượng có thể “cuỗm” luôn hàng chục triệu đồng mà khi “khách” đi, chủ cửa hàng mới biết.
Cũng với thủ đoạn tương tự, các đối tượng giới thiệu mình là người nước ngoài mới sang Việt Nam, vờ làm quen rồi lấy lý do đổi tiền Việt để đi taxi, mua hàng hoặc “tò mò” muốn xem tiền Việt Nam có hình dáng như thế nào…
Khi đã làm cho “con mồi” mất cảnh giác, đối tượng xem tờ mệnh giá 200 ngàn, rồi lại 500 ngàn… Nếu ai đưa cả xấp tiền cho các đối tượng xem thì bằng việc lật đi lật lại, xem bên này bên kia, so sánh tờ này tờ kia rồi “xì lồ xì lào” một lúc, xấp tiền cũng được trả lại nhưng đã bị các đối tượng rút mất mấy tờ.
Liều lĩnh hơn, khi đã lừa được nạn nhân đưa ví tiền, khay tiền hoặc cả xấp tiền ra để ‘xem’, chúng vội vàng cướp lấy rồi nhảy lên xe máy, hoặc ô tô đã chờ sẵn để tẩu thoát trong sự ‘ngơ ngác’ của người ở lại.
Sự việc xảy ra tại phòng vé máy bay ở TP Vinh (Nghệ An) và người cán bộ bị Tây “thôi miên” cướp tiền giữa phố đều chung một thủ đoạn. Nhận viên bán vé máy bay đưa ví tiền ra để thanh minh rằng mình không có tiền lẻ để đổi, ‘vị khách Tây’ giật ví để xem và nạn nhân mất 14 tờ mệnh giá 500 ngàn lúc nào không biết.
Ông cán bộ bị lừa, đưa hết cho ‘vị khách quý’ xem hết cọc tiền mệnh giá 100 ngàn, rồi ‘khách’ lại đòi hỏi xem cọc tiền có mệnh giá 500 ngàn, khi cầm trên tay thì ‘khách’ vội chạy mất, còn vị cán bộ chỉ biết nói rằng: “Tôi đi nước ngoài thường xuyên và hay theo dõi thông tin trên báo chí về kiểu lừa đảo này nhưng không hiểu sao mình lại bị lừa dễ dàng đến thế. Lúc móc tiền trong ví ra, tôi như người bị thôi miên. Gã thanh niên nói gì tôi đưa nấy”.
“Thôi miên” tức là làm cho đối tượng khác không biết gì và chỉ làm theo lời người khác. Việc làm cho nạn nhân mất tập trung, mất cảnh giác dựa trên sự tin tưởng và dáng vẻ ngây ngô, khó hiểu của mình để rồi thực hiện các tiểu xảo, đưa nạn nhân vào tròng.
Điều đáng nói, mặc dù “hành sự” nơi đất khách quê người nhưng loại tội phạm này cực kỳ liều lĩnh và có tổ chức. Chúng thường đi một nhóm gồm 2-4 người, thậm chí có sự hỗ trợ của người Việt để “tăng thêm phần tin tưởng”. Khi chúng xem các mệnh giá tiền, chúng sẽ rút tiền trong ví hoặc chia tiền cho nhiều người xem khiến nạn nhân không thể kiểm soát được số tiền của mình, khi nhận lại thì chưa kịp đếm, các đối tượng đã “cao chạy xa bay”.
Manh động hơn, chúng sử dụng cả ô tô con để làm phương tiện “tác nghiệp”. Chúng vờ là những người khách đi đường, vào đổ xăng, mua đồ hay dừng lại để đổi tiền. Sau khi dùng hết các thủ đoạn và cầm được tiền hoặc ví trong tay nạn nhân thì nhanh chóng giật lấy rồi nhảy lên ô tô và bỏ chạy. Hàng chục vụ việc đã diễn ra theo kịch bản này.
Đơn cử là sự vụ xảy ra tại Khánh Hoà ngày 16/9/2011, khi bà Bùi Thị Kế Phước đi lấy ví tiền để trả lại, ‘vị khách Tây’ đi theo và thò tay vào bị tiền, bà Phước bức xúc đuổi khách đi và sau đó phát hiện mất 25 triệu.
Hoặc vụ việc ngày 01/12 tại Quảng Nam, khi người bán xăng cầm tiền để thối lại thì bị đối tượng giật lấy và chạy trốn.
Thủ đoạn gây mất cảnh giác, làm mọi cách để nạn nhân đưa tiền hoặc ví ra rồi chia nhau xem rồi bỏ túi lúc nào không hay hoặc cướp rồi lên ô tô chạy trốn được lặp đi lặp lại trong nhiều “kịch bản” trộm cắp và tỏ ra “khá hiệu quả” đối với những tên tội phạm ma mãnh này.
Lừa đảo bằng công nghệ cao
Đó là việc các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, mang theo những thẻ thanh toán giả hết sức tinh vi mà nhiều cửa hàng ở Việt Nam, với hệ thống và an ninh chưa hiện đại thì không thể phát hiện ra được.
Sự việc đối tượng Koay Keng Chen (quốc tịch Malaysia) nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 24/4 và mang theo 2 quyển hộ chiếu (một hộ chiếu giả) cùng 14 thẻ thanh toán quốc tế giả rồi mang đến thanh toán 2 chiếc Iphone4 ở một cửa hàng điện thoại trên phố Thái Hà với giá gần 35 triệu đồng trót lọt là vụ việc tiêu biểu.
Chỉ đến khi đối tượng này mua với số lượng lớn, các nạn nhân mới phát hiện ra, nhưng còn những vụ việc tương tự, các đối tượng khác cũng dùng thẻ thanh toán giả tại những siêu thị, khách sạn với số lượng trung bình thì thật khó để phát hiện.
Một thủ đoạn công nghệ cao cũng được các thủ phạm sử dụng đó là dùng vàng để lừa đảo trên cơ sở lợi dụng sự tín nhiệm và “lòng thương người” của nạn nhân.
Liên quan đến hành vi này, đã có các đối tượng lừa người Việt rằng họ phát hiện chiếc chum sành đựng hàng chục thỏi vàng hình thuyền và tượng Phật Di lặc bằng vàng, và do không hiểu pháp luật Việt Nam nên cần được tư vấn mang về nước hay bán tại chỗ.
Hắn liều lĩnh mang đến văn phòng Luật sư và giả vờ cho rằng không biết là vàng thật hay giả nên nhờ văn phòng luật sư kiểm tra rồi gạ bán, hai người ngoại quốc gạ bán toàn bộ số vàng trên với giá 80 vạn Nhân dân tệ (được quy ra bằng 125.000 USD, tương đương hơn 2,5 tỷ đồng). Khi bị phát hiện và bắt giữ, chúng khai nhận đã từng lừa một người ở Đà Nẵng để lấy 2,9 tỷ đồng với thủ đoạn tương tự.
Một phi vụ khác cũng liên quan đến lừa đảo vàng, đó là sự việc biến 15 lượng vàng thành chì ngày 28/10 tại Gia Lai. Nạn nhân là chủ một cửa hàng kinh doanh vàng, thế nhưng qua sự tín nhiệm và chiếc hộp “kỳ diệu” của kẻ cướp mà nạn nhân mất đi 15 lượng vàng lúc nào không hay.
Trong thời buổi vàng lên giá, các đối tượng đã lợi dụng triệt để vấn đề này khi thị trường vàng lên xuống thất thường, nhiều người nóng lòng muốn bán, nhiều người lại muốn mua đã tạo cơ hội cho “lưu manh” kiếm ăn.
Cơ quan chức năng cảnh báo
Trao đổi với PV Báo điện tử VTC News, Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng CSHS, Công an TP. Hà Nội cho biết, cơ quan công an nhận được rất nhiều trình báo về những vụ "thôi miên" lấy tiền của người đi đường.
"Công an đã bắt được nhiều kẻ lừa đảo. Chúng chủ yếu là người vùng Trung Đông, rất dễ nhận dạng" - Ông Hải nói.
Một vị quan chức công an Hà Nội cho biết, đối tượng của những kẻ lừa đảo này là cửa hàng lớn, tiệm vàng và người đi bộ trên đường. Thủ đoạn của chúng là đổi tiền USD lấy tiền Việt.
“Có những chủ cửa hàng đưa cho chúng cả khay tiền để chúng tha hồ lựa chọn. Sau khi chúng đi khỏi, nạn nhân mới phát hiện bị mất cả mấy chục triệu đồng hoặc có nhiều người bị mất tiền vì lòng trắc ẩn, sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài ra vẻ còn bỡ ngỡ với Việt Nam".
Theo ông Hải, Công an Hà Nội đã bắt giữ nhiều kẻ lừa đảo như trên. Tuy nhiên, chúng được nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam và di chuyển địa bàn hoạt động liên tục nên việc phát hiện, bắt giữ rất khó khăn.
"Cần đặc biệt cảnh giác với những người nước ngoài nhờ đổi tiền hoặc có những đề nghị liên quan đến ví tiền. Không được đưa tiền cho những kẻ này xem. Báo ngay cho công an theo số điện thoại 113 để bắt giữ" - Thượng tá Đào Thanh Hải cảnh báo.
Đại Minh – Đại Trí
Bình luận