• Zalo

Trò chuyện với Nguyễn Đức Nghĩa trước giờ tử hình

Pháp luậtThứ Sáu, 23/12/2011 07:29:00 +07:00Google News

Tập hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người, cướp tài sản khá nặng tay so với những tập hồ sơ vụ án khác.

Tập hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người, cướp tài sản khá nặng tay so với những tập hồ sơ vụ án khác.

Trong đó, tất cả tội ác của kẻ giết người man rợ được phơi bày khiến mọi người không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ. Lần đầu tiên trong đời, tôi đã xem qua tập hồ sơ đó mà không dám giở đến phần bản ảnh hiện trường và tử thi bởi như lời một thành viên trong Hội đồng xét xử đã "cảnh báo" trước: Nếu nhà báo xem rồi, nỗi đau, sự ghê sợ và ám ảnh sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày sau đó!

Trước giờ xét xử, vị đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại tòa nói vui: Ngoài khả năng nói trôi chảy, bị cáo còn có khả năng viết. Đọc bản tường trình của bị cáo có cảm giác như đang đọc một cuốn truyện... Tôi thật sự bất ngờ trước lời nhận xét này và rất may mắn, tôi đã có được 2 trong số rất nhiều bản tường trình của Nghĩa tại cơ quan điều tra. Mỗi bản đều viết kín 5 trang giấy. Tôi đọc chậm rãi những dòng chữ nhỏ li ti đó và hiểu vì sao vị kiểm sát viên lại có nhận xét như vậy.

Dẫn giải Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên tòa sơ thẩm 

... Nhìn lại xác Linh nằm trên vũng máu, tôi biết mình đã gây ra một tội lỗi quá kinh khủng và không gì có thể tha thứ được. Lúc đó, tôi nghĩ cần phải giấu xác Linh đi và lau dọn sạch hiện trường mới mong có thể kéo dài thời gian tội lỗi của mình bị phát hiện. Tôi nhớ có lần mất điện, tôi đã men theo cầu thang lớn của tòa nhà G4 và lên được tầng 12, ở trên còn có tầng 13 với một khoảng sân rộng mà trên đó, theo tôi, rất ít người qua lại.

Vậy là tôi quyết định sẽ mang xác Linh lên trên đó. Tiếp theo, tôi lại nghĩ, nếu có người phát hiện ra sẽ căn cứ vào khuôn mặt và dấu vân tay của nạn nhân để nhận diện và qua đó sẽ nhanh chóng tìm ra thủ phạm là tôi. Vì vậy, tôi đã quyết định làm tiếp một việc kinh khủng là cắt đầu và chặt những đầu ngón tay của Linh ra để gây khó cho cơ quan điều tra khi phát hiện ra vụ việc...


(Trích bản tường trình của Nguyễn Đức Nghĩa tại cơ quan điều tra - CATP Hà Nội ngày 19/5/2010)

Tôi nghĩ, đọc xong những dòng chữ trên, ngay cả những người tự nhận mình là "thần kinh thép" chắc sẽ không khỏi rùng mình. Tội ác man rợ đã được kẻ sát nhân viết lại một cách lạnh lùng, đơn giản và chi tiết như vậy đấy!

Trong đầu tôi lại vụt lên câu hỏi: Một người có học vấn, khuôn mặt sáng sủa, gia đình tử tế và khá chỉn chu, cẩn thận như vậy tại sao lại có thể gây ra tội ác khủng khiếp đến thế?

Giây phút Nguyễn Đức Nghĩa trải lòng với PV 

Đối mặt với cái chết

Phiên xét xử hôm đó, khi chỉ còn lại tôi và Nghĩa trong khu vực cách ly của tòa án. Một khoảng trống phía ngoài hai phòng làm việc của các thẩm phán được cách ly với phòng xử án 202C bởi một khung cửa bằng nhôm kính. Phía sau tôi là hai chiến sĩ bảo vệ của Trại tạm giam Hà Nội.

Đợi cho Nghĩa lau khô những giọt mồ hôi ở mặt, cổ, hai cánh tay và cả chiếc kính cận nữa, tôi mới bắt đầu câu chuyện của mình. Một cuộc trò chuyện ngắn ngủi nhưng mang lại cho tôi nhiều bất ngờ bởi Nghĩa trả lời rất lưu loát, sẵn sàng nói hết tất cả những ẩn chưa trong lòng mà không hề có ý định lảng tránh.


- Trong những ngày tạm giam, sức khỏe của Nghĩa có ổn không?

- Dạ, em vẫn ăn, ngủ bình thường. Không ốm đau gì. Nói vậy thôi chứ làm sao mà ổn như trước được. Em nghĩ rất nhiều về những gì đã và sẽ xảy ra với mình.

- Nghĩa bị giam trong xà lim một mình hay với một tử tù khác?

- Em giam với một tử tù khác, cũng phạm tội giết người.

- Nếu hôm nay không phải ra tòa, vào giờ này, Nghĩa làm gì?


- Em dậy sớm, tập thể dục, tắm rửa, ăn sáng rồi nói chuyện với bạn cùng buồng.

- Đặt một giả thiết khác, nếu không có vụ án xảy ra, Nghĩa là một người tự do ngoài xã hội thì sáng nay Nghĩa sẽ làm gì?

- Không thể có được chữ "nếu" đó. Em hiểu rõ tình cảnh của mình và hiện thực diễn ra với mình. Chính vì vậy mà em không bao giờ nghĩ đến giả thiết lạc quan đó.

- Suốt dọc đường từ Trại tạm giam Hà Nội đến phòng xử án, ngồi trên ôtô, Nghĩa nghĩ về điều gì nhiều nhất?

- Em nghĩ rất nhiều về gia đình em. Bố mẹ em vô cùng đau khổ vì tội lỗi của em. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình không khá giả gì, nhưng bố mẹ luôn cho em những gì tốt nhất có thể. Đáp lại tấm lòng của bố mẹ, em đã cố gắng rất nhiều trong học tập để bố mẹ vui lòng.

Giọng Nghĩa chợt nhỏ dần, run run. Đôi mắt sau cặp kính bỗng loáng nước. Rất nhanh, Nghĩa lấy giấy lau khô và tiếp tục cuộc nói chuyện.

- Từ trên xe vào phòng xử án, Nghĩa đã nhìn thấy ai trong gia đình chưa?


- Có, em nhìn thấy bố em.

- Trở lại vụ án, Nghĩa nghĩ gì về tội ác của mình?


- Em thấy thật kinh khủng. Chính em cũng thấy kinh tởm bản thân và không thể tha thứ được cho mình.

- Nó có ám ảnh trong giấc ngủ không?


- Có.

- Nghĩa còn điều gì muốn nói với gia đình mình và gia đình Linh không?


- Có nhiều điều lắm. Em muốn nói lời xin lỗi tới tất cả. Vì em mà họ đã phải khổ và mang tiếng. Sau khi xử án, được gặp bố mẹ, em sẽ nói nhiều hơn với bố mẹ mình.

- Ra tòa hôm nay là để nhận sự trừng phạt của pháp luật với tội ác mình gây ra. Nghĩa đã chuẩn bị để đón nhận kết cục xấu nhất cho mình chưa?


- Trong quá trình điều tra và tại nhiều bản cung, bản tường trình, em đã thú nhận tất cả. Chính em cũng hiểu những gì do mình gây ra và em biết rằng, chỉ có cái chết của em mới rửa sạch được tội lỗi. Em sẵn sàng đón nhận cái chết, coi như em phải lấy mạng sống của mình để đền tội.

- Còn cảm giác của Nghĩa lúc này?


- Em thấy căng thẳng, hồi hộp. Mong rằng trong phòng xử án, em đủ bình tĩnh để trả lời các câu hỏi của tòa và nói được những điều cần nói.

Bất giác, Nghĩa nhìn tôi cười. Một nụ cười buồn. Tôi nhìn sâu vào mắt Nghĩa, muốn hỏi thêm một vài điều khác nhưng những tình tiết của vụ án xảy ra cách đây không lâu lại hiện về khiến tôi thấy ngộp thở.

- Dạo còn ở ngoài, Nghĩa có nghiện game hay truyện trinh thám không?


- Em chỉ chơi thôi chứ không nghiện. Còn truyện em cũng đọc nhưng không nhiều.

- Cách đây một tuần, bố Nghĩa có đơn gửi Tòa án và Viện kiểm sát Hà Nội. Tôi đã xem qua đơn đó. Ông đã rất thẳng thắn và sòng phẳng khi viết về tội ác của con mình. Là một người cha, hẳn ông đã khóc và đau khổ rất nhiều khi phải viết những dòng chữ đó?

- Em rất kính trọng bố và thương mẹ em. Bố em đã dạy bảo em từng li từng tý ngay khi em còn nhỏ. Tội ác em gây ra đã làm cho bố mẹ em suy sụp rất nhiều. Em chỉ biết cầu xin bố mẹ em ngàn lần hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này.

- Sắp tới giờ xét xử, Nghĩa đã chuẩn bị trước điều gì chưa?


- Em sẽ khai báo tất cả, để phiên tòa diễn ra nhanh chóng. Gia đình em cũng đã mời luật sư. Em không có gì để bào chữa cho tội ác của mình. Nếu còn điều gì chưa nói, luật sư sẽ bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của em. Em chỉ có một mong muốn sau phiên tòa, khi em đã nhận án tử hình, hãy coi em là một người bình thường bởi em đã phải trả giá bằng mạng sống của mình, đừng gọi em là kẻ sát nhân máu lạnh hay tên giết người man rợ.

- Vậy là Nghĩa đã chấp nhận hình phạt cao nhất. Vậy sau phiên tòa sơ thẩm, Nghĩa có kháng cáo không?
….


Ba hồi chuông vang lên báo hiệu phiên tòa chuẩn bị bắt đầu. Nghĩa chào tôi lần cuối rồi bị giải vào phòng xử án. Tôi tựa lưng vào cầu thang và nhìn theo, nơi đó, rất đông người đã ngồi kín từng hàng ghế. Trong số đó, có người thân của bị cáo, bị hại, những người bạn của Nghĩa và các nhà báo. Những chiếc máy ảnh giơ lên, chụp khuôn mặt bị cáo ở mọi góc độ. Nghĩa nhìn thẳng về phía trước, đón nhận tất cả.

Hai mươi phút trôi qua. Lúc này tôi mới thấy thấm mệt. Tôi nhìn lại gương mặt bị cáo một lần nữa rồi thả từng bước một xuống cầu thang. Vẳng bên tai tôi là giọng nói của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa, là những câu chuyện không đầu không cuối như những lời trăng trối đau đớn của một kẻ tội đồ chuẩn bị bước vào chỗ chết.

Đi hết cầu thang là hành lang nhỏ dẫn tới khoảng sân rộng của tòa án. Bầu trời cao vợi, ngập nắng vàng. Những hàng cây cổ thụ sau trận mưa rào như xanh hơn dưới ánh ban mai. Ngoài kia, nhịp sống ồn ã đang diễn ra. Từng dòng người và xe vẫn hối hả trôi về các ngả đường.

Ẩn sâu trong sự yên bình đó là tội ác của những kẻ bất chấp pháp luật, muốn thỏa mãn mục đích của mình bằng những hành vi vượt ra ngoài những giới hạn của lề luật. Tất nhiên, chúng sẽ phải trả giá, để xã hội ngày càng trong sạch hơn, yên ả hơn. Nhưng để trả giá bằng cuộc đời mình, khi vừa bước sang tuổi 26 như bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa thì quả là đau xót.


Và nỗi đau ấy sẽ mãi như một vết thương không kín miệng, cho những người đang sống...

Theo PL&XH


Bình luận
vtcnews.vn