Video: Những phát ngôn tự bào chữa của ông Đinh La Thăng tại tòa
Sáng 17/1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bước vào ngày làm việc thứ 10.
Sau khi kết thúc phần tranh tụng giữa luật sư bào chữa và đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi nghị án.
Theo đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh - Nguyên Chủ tịch Tổng công ty xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), người bị VKS cáo buộc hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (13 đến 14 năm tù) và tội Tham ô tài sản (mức án chung thân) được gọi lên nói lời sau cuối ngay sau bị cáo Đinh La Thăng.
Về cáo buộc tham ô, bị cáo Trịnh Xuân Thanh mong HĐXX xem xét tuyên không có tội. Cựu Chủ tịch PVC cho rằng không thể suy đoán bằng những chứng cứ không rõ ràng để xác định hành vi tham ô.
“Bị cáo rất lo lắng”, Trịnh Xuân Thanh nói khi HĐXX cắt lời vì nội dung này đã đề cập trong phần tranh luận.
Bị cáo Thanh thừa nhận hơn một năm qua đã tạo dư luận không tốt. Đặc biệt, bị cáo rất ân hận vì đã viết thư gửi Bộ Chính trị. Ông Thanh mong HĐXX chuyển lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân...
Cựu Chủ tịch PVC bày tỏ sự ân hận khi không còn cơ hội phụng dưỡng bố mẹ, nỗi day dứt khi thấy con trai có mặt từ sáng đến tối ở tòa.
Dừng lại khoảng nửa phút, Trịnh Xuân Thanh không giấu nổi giọt nước mắt xúc động, nói lời xin lỗi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét để được cơ hội ở cạnh bố mẹ, vợ con.
Trước đó, trong ngày làm việc thứ 9 tại phiên tòa, luật sư bào chữa đã đề nghị đại diện VKS thay đổi tội danh cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh. Luật sư cũng đưa ra quan điểm, chứng cứ chứng minh Trịnh Xuân Thanh không Cố tình làm trái và không Tham ô tài sản.
Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm luận tội của mình và cho rằng Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn, quanh co, chối tội.
VTC News sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.
Luật sư của Trịnh Xuân Thanh: 'Lần đầu tiên trong lịch sử coi lãi suất là thiệt hại'
Trong phiên tòa ngày 16/1, luật sư Lê Văn Thiệp (bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC) đối đáp với VKS về bản luận tội.
Ông Thiệp nói theo tính toán, việc thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mất khoảng 60 tháng. Nếu tính từ thời điểm khởi công năm 2013 đến nay thì việc chậm tiến độ là không đáng kể.
Trước việc VKS bảo lưu cách tính thiệt hại khoản tiền hơn 100 tỷ liên quan đến vụ án (trong đó tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án là hơn 51 tỷ đồng), luật sư cho rằng các giám định viên đã không căn cứ theo Luật kế toán cũng như các quy định về tiền gửi.
Luật sư đề nghị HĐXX tìm một tội danh phù hợp cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh vì tội Cố ý làm trái không đúng bản chất khách quan, không tương xứng với những gì đã xảy ra.
Ông Thiệp cho rằng thiệt hại là phải làm mất, thất thoát tài sản.
"Lần đầu tiên trong lịch sử coi lãi suất là thiệt hại", luật sư nói Thiệp nói.
Vị luật sư cho rằng cách tính này không toàn diện, gây bất lợi cho các bị cáo trong nhóm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Người bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh cũng không đồng tình với quan điểm của VKS cho rằng các bị cáo tội phạm có tổ chức. Ông Thiệp nói đặc điểm của pháp nhân là có tổ chức, được thành lập trước khi vụ án xảy ra.
Luật sư đưa ra lý lẽ các bị cáo thực hiện theo phân công, phân nhiệm, nhiều người làm theo ủy quyền, do đó cáo buộc phạm tội có tổ chức là chưa chính xác.
Trích dẫn nội dung kết luận điều tra và cáo trạng vụ án, luật sư Lê Văn Thiệp nói thân chủ thỏa mãn tội Sử dụng trái phép tài sản, có tình tiết tăng nặng là Lợi dụng chức vụ quyền hạn.
Người bào chữa đề nghị HĐXX tìm một tội danh phù hợp cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh vì tội Cố ý làm trái không đúng bản chất khách quan, không tương xứng với những gì đã xảy ra.
Về việc ký hợp đồng EPC số 33, theo luật sư, PVPower phải có nghĩa vụ với nội dung ký kết. Ông Thiệp nói PVC chỉ là nhà thầu.
Vị luật sư đề nghị HĐXX cá thể hóa hành vi của các bị cáo ở PVC với tư cách người nhận thầu tham gia ký kết hợp đồng.
Trước đó ngày 13/1, khi vừa đứng lên bục để tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh xúc động khóc và nhận "có lỗi với anh Thăng, với các anh lãnh đạo". Ông Thanh nói rất xúc động sau khi nghe ông Đinh La Thăng trình bày.
Trước toà, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng bản chất vụ án này là hợp đồng 33 khiến mình và nhiều lãnh đạo PVN vướng lao lý.
Ông Thanh nhận đã không đầy đủ kinh nghiệm khi ra nghị quyết đồng ý cho ký hợp đồng 33. Bị cáo Thanh nhận trách nhiệm vì không đọc mà dẫn đến hợp đồng có sai sót.
"Bị cáo nghĩ rằng anh Thăng cũng như các anh lãnh đạo PVN cũng sơ suất như mình khi không đọc hợp đồng 33", ông Thanh nói.
Cựu Chủ tịch PVC khẳng định không có chuyện nhiều sếp PVN biết hợp đồng 33 sai mà vẫn ký và chi hàng nghìn tỷ đồng tạm ứng cho PVC.
Tuy nhiên, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không nhận có chỉ đạo riêng mà do Ban tổng giám đốc cùng quyết định.
Bị cáo Thanh cũng nhận trách nhiệm vì để ký hợp đồng 33 sai quy định nhưng việc chuyển tiền để sử dụng sai mục đích hơn 1.000 tỷ đồng "là trách nhiệm hoàn toàn của ban tổng giám đốc".
Cựu chủ tịch HĐQT Trịnh Xuân Thanh cho rằng cả kết luận điều tra, VKS đều quy kết ông chỉ đạo việc chi tiền song trên thực tế ông "không có văn bản hay kết luận giao ban nào thể hiện điều đó". Vì vậy, bị cáo Thanh đề nghị VKS chỉ ra xem "bị cáo chỉ đạo bằng cách nào".
Trình bày về cáo buộc Tham ô tài sản, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX và VKS xem xét các tình tiết mà luật sư bào chữa đã trình bày tại tòa.
Trong phần tự bào chữa, Thanh cho rằng bản thân mình không tham ô. Nếu bị tuyên tội danh này bị cáo phải đối mặt với mức án cao, khó có thể được trở lại cuộc sống bình thường.
"Một lần nữa bị cáo khẳng định bị cáo không tham ô, không chỉ đạo tham ô. Bị cáo không làm sai xin HĐXX xem xét kỹ vì với tội danh này", ông Thanh nói trong nghẹn ngào.
Video: Toàn cảnh phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm sáng 16/1
Bình luận