Rẽ ngang sang lĩnh vực tài chính, thầy giáo Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB thành công hơn bao giờ hết nhưng cũng từ đây, ông dính vòng lao lý.
Bước sa cơ
Gần 20 năm gắn bó với ACB, ông Trịnh Kim Quang (1954) là một trong những nhân vật đi cùng với ngân hàng này từ những ngày đầu tiên. Giới đầu tư biết đến ông như là một chuyên gia tài chính hàng đầu, không chỉ bởi kinh nghiệm hàng chục năm tại ACB, ở ACBS, ở Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), mà còn là 10 năm trên bục giảng Đại học Kinh tế TP.HCM.
Không còn là sếp ở nhiều đơn vị, không còn đứng trên hàng nghìn người, ông Trịnh Kim Quang đã từ nhiệm ở tất cả các vị trí, từ Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, thành viên HĐQT Chứng khoán ACB cho tới chức danh phó chủ tịch HĐTV của quỹ đầu tư...
Việc mà ông Quang phải làm trong những ngày này là trả lời các câu hỏi của tòa về nhiều hoạt động của ông trong thời gian nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch ACB mà theo cáo buộc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao là "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Xuất hiện trước tòa lần này, ông Trịnh Kim Quang xuống sắc hơn khá nhiều
Khác với lần xuất hiện trước tòa trong phiên tòa lần 1 bị hoãn hồi giữa tháng 4, ông Trịnh Kim Quang xuống sắc hơn khá nhiều. Bộ quần áo toàn một màu xanh, trái ngược với màu áo trắng thường thấy khi còn tại vị và trong phiên tòa lần 1, đã khiến nhiều người không còn nhận ra vẻ quyền uy của một lãnh đạo cao cấp NH.
'Tướng' lãnh đạo còn lại có lẽ ở nét chiếc mũi sư tử, tai to cũng và chiếc kính của một con người tri thức, từng là giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM. Mặc dù vậy, "tướng" lãnh đạo này cũng giờ đây cũng mờ nhạt đi nhiều phần với hoàn cảnh hiện tại.
Trong phiên xét xử ngày 23/5, ông Quang kêu oan và cho biết, cuộc họp HĐQT của ACB vào ngày 2/11/2009 có quan điểm là chọn cổ phiếu để đầu tư và có bàn về việc mua cổ phiếu ACB để làm cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, nghị quyết HĐQT không có chỉ đạo cụ thể mua cổ phiếu ACB, mà giao cho ông Kiên - chủ tịch Hội đồng đầu tư của ACB thực hiện với hạn mức đầu tư 700 tỷ đồng.
Trong phiên xét hỏi chiều 22/5, ông Quang cũng đã phủ nhận câu chuyện ông Trần Mộng Hùng (cựu chủ tịch ACB) không đồng ý đề xuất ủy thác và chủ trương giảm lãi suất và ông Quang khẳng định về quyền lực số 1 số 2 của ông Kiên và ông Hùng tại ACB.
Ngã rẽ nhiều hiểm nguy
Từng là thầy giáo, cú rẽ hướng sang lĩnh vực ngân hàng giúp ông nổi tiếng hơn và túi tiền có lẽ cũng rủng rỉnh hơn với 2 vợ chồng có cả triệu cổ phiếu ACB. Mặc dù vậy, dấn thân vào ngành hấp dẫn, lợi nhuận cao có thể cũng đồng nghĩa với rủi ro và nhiều nguy hiểm.
Từng là thầy giáo, cú rẽ hướng sang lĩnh vực ngân hàng giúp ông nổi tiếng hơn.
Lý thuyết tốt cộng với thực tế lăn lộn nhiều năm trên thương trường ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp ông rất nhiều trong công việc lãnh đạo tại ngân hàng ACB.
Tuy vậy, ở đời khó ai học được chữ ngờ. Thực tế trước mắt là cáo buộc "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" mà ông đang đối mặt ở tòa. Hậu quả của 2 vụ việc mà ông bị cáo buộc liên quan (chủ trương mua cổ phiếu và ủy thác gửi tiền) được xem xét thiệt hại lên tới 1.400 tỷ đồng.
Trong những ngày qua, nhiều bị can đồng loạt kêu oan. Ông Quang cũng phủ nhận nhiều điều. Mặc dù vậy, trước đó, trong ngày đầu tiên của phiên tòa (20/5), khác với tất cả các bị cáo khác, ông Quang đã xác nhận cáo trạng truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là chính xác.
Trong vài ngày qua, một điểm được HĐXX luôn xoáy sâu vào để xác minh xem các đồng phạm của bầu Kiên gồm ông Giá, Quang, Cang, Kỳ, Hải có sai phạm không là ở chỗ: bản chất của việc ACBS (Công ty con của ACB) hợp tác đầu tư với ACI (công ty của bầu Kiên) có phải thực chất là đổ tiền vào mua cổ phiếu ACB hay không. Nếu đúng là như vậy, chủ trương hay hành động đều là sai phạm.
Có một thực tế là, tất cả các thành viên HĐQT cũng như ban lãnh đạo của ACB như ông Quang là những con người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực tài chính và về luật pháp.
Tuy nhiên, chính ông Quang cùng với ông Kỳ, ông Cang, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB đồng, đã đồng ý chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường. Việc làm này trước hết được xác định gây thiệt hại cho ACB và được cơ quan pháp luật xác định là những quyết định sai trái.
Chính vì thế, từ vị trí lãnh đạo cao cấp, ông Quang và những người cùng nhóm lãnh đạo ACB đang đứng chung trước vành móng ngựa với Bầu Kiên.
Theo Huấn Tú/Vietnamnet
Bình luận