• Zalo

Trịnh Công Sơn đã rất sợ hãi khi được làm phim

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 18/03/2014 07:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyện ít biết về nỗi sợ hãi của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi nghe tin đời mình được lấy ra làm nguyên mẫu cho phim 'Em còn nhớ hay em đã quên'.

(VTC News) - Chuyện ít biết về nỗi sợ hãi của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi nghe tin đời mình được lấy ra làm nguyên mẫu cho phim 'Em còn nhớ hay em đã quên'.

Em còn nhớ hay em đã quên là bộ phim hiếm hoi lấy Trịnh Công Sơn và những bài hát của ông làm đề tài khai thác. 

Ở thời kỳ  đó, thập niên 1990, việc đưa vào sản xuất và phát hành phim lấy nguyên mẫu là Trịnh Công Sơn là một thử thách đầy lo ngại vì thị trường phát hành phim đang sôi động bởi những bộ phim hài, phim sến và các diễn viên ‘ngôi sao’.

Nhưng đạo diễn Em còn nhớ hay em đã quên - Nguyễn Hữu Phần cho biết, ý tưởng làm phim đến với ông khá bất ngờ: Vô tình đọc được bài viết của ca sỹ Khánh Ly mang tên Sông vẫn chảy đời sông, nước vẫn trôi đời nước, chỉ tình người… viết cho Hội những người yêu Huế.

Nguyễn Hữu Phần xúc động với những tình cảm của Khánh Ly dành cho Huế và Trịnh Công Sơn, đặc biệt ông thích thú với đoạn văn kể lại cuộc trò chuyện giữa hai người:

'Một lần, tôi cùng Sơn ngồi trong quán café ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt), tôi hỏi Sơn: Sống ở trên đời cần gì hả anh?  Sơn nhìn tôi rồi anh nói: Cần có một tấm lòng. Tôi lại hỏi anh: Để làm gì hả anh? Sơn quay nhìn ra mặt hồ, anh lấy ngón tay đẩy gọng kính, anh nói như không phải với tôi: Để gió cuốn đi'
nguyễn hữu phần

Một cảnh trong 'Em còn nhớ hay em đã quên'

Đoạn văn này đã làm Nguyễn Hữu Phần day dứt mãi. Rồi ông đã sử dụng bài hát Để gió cuốn đi (khi ấy còn ít người biết đến) làm chủ đề, tư tưởng cho bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên của mình.

Bộ phim về thân phận người nghệ sỹ trong đất nước có chiến tranh, hay cuộc đời  của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nhưng Nguyễn Hữu Phần không nghiên cứu về cuộc đời thật của người nhạc sỹ này. Ông chỉ đến gặp Trịnh Công Sơn để xin cho sử dụng những bài hát vào trong một bộ phim. Trịnh Công Sơn đồng ý, dù ông chưa biết người đạo diễn sẽ sử dụng những bài hát ấy như thế nào.

Trong lúc đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm phim, mẹ Trịnh Công Sơn mất. Với Sơn, mẹ là người quan trọng nhất cuộc đời của ông, nên mất một thời gian dài Sơn sống với nỗi buồn. Trịnh Công Sơn đã phải sang Cannada cùng các em để nguôi ngoai phần nào.

Mãi 6 tháng sau, sau khi Sơn về nước, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại lần ông mang băng drap phim đến cho Sơn xem. Trịnh Công Sơn lo ngại nói: Tôi ở bên kia về, thật khủng khiếp khi thấy người ta mang nhạc tôi làm clip, băng karaoke với những hình ảnh con gái mặc áo tắm đi đi lại lại đủ kiểu… Giờ nghe tin ông làm phim về đời tôi, tôi sợ lắm.

Có vẻ Sơn lo lắng thật, nên đây cũng là lần đầu tiên Sơn tiếp khách mà không rót rượu. Hai người vào phòng có đầu máy video xem phim. Khi chiếu được khỏng 20 phút, Sơn tắt máy, anh bảo để tôi gọi một vài người bạn đến cùng xem.

Khi họa sỹ Trịnh Cung, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và một vài người bạn khác đến Sơn tua lại, cho mọi người xem từ đầu… Và bấy giờ, anh mới lấy rượu ra mời mọi người... Sau đó, hầu hết các buổi chiếu ra mắt Trịnh Công Sơn đều đến dự và hát cho khán giả nghe.

Trong một lần họp báo, Trịnh Công Sơn nhận được câu hỏi của một phóng viên: Thưa ông, đây có phải là cuộc đời ông và xuất xứ của những bài hát của ông? Trịnh Công Sơn trả lời: Không, đây là ông Phần ông ấy bịa ra thôi, nhưng mà giống tôi lắm… Ngày còn trẻ, tôi như vậy đó...

Giai đoạn thu hồi vốn sản xuất phim còn gian nan hơn cả thời gian sản xuất. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần trực tiếp phát hành phim trên hệ thống rạp chiếu ở TP HCM và các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. 

Đó cũng là lần đầu người làm phim tham gia cuộc ‘chiến đấu trên thị trường’ đầy khó khăn, thử thách, nhưng với quyết tâm thu hồi vốn và có chút lãi để hoàn lại cho những người đã đầu tư cho mình nên ông đã không ngần ngại gian lao, vất vả...

May mà cuối cùng mọi việc cũng tốt đẹp cả… Và với Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, chưa bao giờ ông có được sự hiểu biết sâu sắc đến vậy về khán giả điện ảnh, về văn hóa, thẩm mỹ, thói quen cảm thụ nghệ thuật của từng vùng, miền, địa phương khác nhau trên đất nước.

Cuối năm đó, bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên lại dành được một thành quả bất ngờ nữa là Ban giám khảo LHP Việt Nam lần thứ 11 đã trao cho bộ phim này các giải thưởng lớn cho biên kịch, đạo diễn, phim, giải diễn viên và âm nhạc.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhớ lại: Những tháng ngày làm phimngày ấy thật là gian khổ, vất vả, nhưng lại là quãng thời gian đẹp nhất, không thể quên của những người làm nghề.

Trên chiếc xe 16 chỗ, cả đoàn phim lang thang suốt từ Huế, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn suốt 45 ngày. Cả đoàn ở những nhà trọ bình dân, hoặc cắm lều trại ở ven biển, trong rừng thông, ăn uống đạm bạc, đơn giản nhưng lúc nào cũng vui, cũng tràn ngập không khí sáng tạo nghệ thuật.
nguyễn hữu phần

Ngày ấy Trương Ngọc Ánh chỉ mới 16 tuổi, cô được chọn đóng vai Diễm, một cái bóng rất đẹp của Trịnh Công Sơn với vẻ hồn nhiên và trong trẻo. Lần đầu tiên xa nhà, làm quen với đoàn làm phim phần lớn là nam giới nhưng Ánh đã nhanh chóng hòa nhập, thân thiện…

Có thể nói vai diễn đầu đời đã giúp Trương Ngọc Ánh niềm đam mê, phấn đấu để trở thành diễn viên thực thụ sau này.

Còn Lê Công Tuấn Anh khi đó đã là một diễn viên có vị trí trong cả phim nghệ thuật và phim thị trường. Các đoàn phim trong TP Hồ Chí Minh trả anh cát xê rất cao, nhưng vì yêu quý vai Nhạc sỹ Quang Sơn nên Lê Công Tuấn Anh đã tình nguyện tham gia với mức thù lao rất khiêm tốn.

An Yên

Bình luận
vtcnews.vn