Theo một bài viết trên tờ Daily North Korea, tờ báo do những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên sáng lập tại Seoul (Hàn Quốc), ba người Triều Tiên đã bị xử bắn hồi tháng trước sau khi bị bắt gặp đang xem phim truyền hình Hàn Quốc trên điện thoại di động.
Theo tờ Business Insider, một nguồn tin dẫn lời một thành viên Quốc hội Triều Tiên cho biết, việc ba người Triều Tiên bị xử tử là để cảnh cáo những người khác về hậu quả của việc “đi theo những tư tưởng suy đồi và chống lại Đảng.” Vụ hành quyết được tiến hành trong bí mật, nhưng tin tức đã lan đi khắp Triều Tiên.
Tờ Daily North Korea cho biết thông tin về vụ hành quyết đã tạo ra một làn sóng lo sợ, chủ yếu vì nhiều người Triều Tiên đã từng xem các kênh truyền thông nước ngoài qua ti vi hay đài dò sóng bất hợp pháp, hoặc xem phim nước ngoài bằng đầu đĩa DVD.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn có những biện pháp cứng rắn để răn đe |
Số liệu của Intermedia, một nhóm nghiên cứu sự phát triển toàn cầu cho biết có khoảng một nửa những người chạy trốn từ Triều Tiên được phỏng vấn năm 2010 nói rằng họ đã xem những đĩa DVD nước ngoài lậu khi còn ở trong nước, và khoảng 25% từng dò sóng xem các kênh truyền thông nước ngoài trên tivi hoặc đài.
Mặc dù là một quốc gia có chế độ kiểm duyệt vào hàng khắt khe nhất nhì thế giới, nhưng người dân Triều Tiên vẫn có thể dễ dàng mua một chiếc đài dò sóng hay một đầu đĩa DVD Trung Quốc rẻ tiền. Máy nghe nhạc Mp3 rất phổ biến với giới trẻ tại đây, và họ hay trao đổi các bài hát K-Pop của Hàn Quốc với nhau tại trường học.
Việc xử tử ba người xem phim Hàn Quốc là nỗ lực của chính phủ Triều Tiên nhằm cảnh báo người dân về hậu quả của việc tiếp cận truyền thông ngoài luồng. Nhưng bất chấp những đợt bắt giữ định kỳ, nhìn chung ngày càng có ít người bị trừng phạt vì những tội này, và việc trừng phạt cũng không thường xuyên.
Theo Intermedia, sóng radio nước ngoài giữ một vị trí đặc biệt trong môi trường truyền thông tại Triều Tiên, vì đó là nguồn tin thời gian thực duy nhất về thế giới bên ngoài, cũng là kênh truyền thông được sản xuất đặc biệt cho thính giả Triều Tiên.
Những chiếc đài ở Triều Tiên chỉ có thể bắt sóng các kênh trong nước, nhưng một vài điều chỉnh sẽ cho phép các thiết bị này bắt sóng nước ngoài. Khoảng 1/4 số người được Intermedia phỏng vấn năm 2010 cho biết đã từng nghe tin tức truyền thanh nước ngoài, và con số này không có nhiều biến động trong suốt những năm qua.
Việc tiếp xúc với những kênh truyền thông nước ngoài đã tác động lên suy nghĩ của nhiều người Triều Tiên - họ tỏ ra yêu thích Hàn Quốc và Mỹ hơn.
Đầu tháng này, đài truyền thanh BBC World Service đã công bố kế hoạch 10 năm bao gồm một lời đề nghị được phát một chương trình tin tức hàng ngày tại Triều Tiên qua sóng radio. Chính quyền của chủ tịch Kim Jong-un vẫn chưa lên tiếng trước thông báo của BBC, nhưng nhiều người dự đoán phản ứng của chính phủ sẽ là không hoan nghênh.
“Đương nhiên Triều Tiên sẽ không hoan nghênh bất cứ ai gửi tin tức từ bên ngoài vào nước họ,” Casey Lartigue, giám đốc một nhóm nghiên cứu có tên Freedom Factory ở Seoul nhận định.
Nguồn: Vietnam+
Bình luận