Ngày 23/8, truyền thông nhà nước Triều Tiên công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un thăm Viện Vật liệu Hóa học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, nơi ông được báo cáo về quá trình sản xuất đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và động cơ tên lửa, CNN cho biết.
Trong bức ảnh, truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tiết lộ bức ảnh mô tả chi tiết về một loại tên lửa đạn đạo mới trong chuyến thăm của ông Kim Jong-un. Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự quan tâm của các nhà phân tích quốc tế.
David Schmerler, chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Không phổ biến Vũ khí James Martin nói với CNN: “Triều Tiên cho thấy chương trình tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của họ đang cải thiện với tốc độ ổn định”.
Bức ảnh cho thấy ông Kim Jong-un đang đứng cạnh tấm áp phích dán trên tường mô tả về một tên lửa đạn đạo được gọi là Pukguksong-3, phiên bản tiếp theo của 2 loại tên lửa đạn đạo tầm trung nhiên liệu rắn trước đó là Pukguksong-1 và Pukguksong-2.
Michael Duitsman, cũng thuộc Trung tâm James Martin, nói rằng Triều Tiên mong muốn chế tạo tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn để phục vụ cho nhu cầu về những quả tên lửa có thể phóng một cách nhanh chóng và tinh vi.
Video: Triều Tiên thử tên lửa trong đêm
“Việc phóng tên lửa nhiên liệu rắn dễ dàng, khó phát hiện hơn vì không cần phải chuẩn bị quá nhiều trước khi khai hỏa”, ông nói. Theo Duitsman tất cả tên lửa đạn đạo của Mỹ và Nga đều sử dụng nhiên liệu rắn.
Ngoài ra, một bức ảnh khác cho thấy ông Kim Jong-un đứng cạnh thùng chứa lớn màu đồng mà theo các chuyên gia cho biết có thể là vỏ bọc tên lửa làm bằng vật liệu sợi carbon tổng hợp.
“Đây không phải là một vụ phóng thử tên lửa nhưng nó vẫn gây bất ngờ cho những người theo dõi chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, có thể nhìn vỏ tên lửa.. sớm hơn tôi tưởng”.
Hai chuyên gia cho biết vỏ bọc bằng vật liệu tổng hợp mới sẽ nhẹ hơn nhiều so với kim loại trước đó, cho phép tên lửa bay xa hơn. Chuyên gia Duitsman trích dẫn ví dụ những năm 1960, khi Hải quân Mỹ chuyển sang sử dụng vỏ bằng vật liệu tổng hợp, tên lửa của họ đã bay thêm được 800 km, tức tăng khoảng 50% so với trước đó, tất nhiên là nó đi cùng với loại nhiên liệu rắn mới.
Nhà phân tích Duitsman chia sẻ hình ảnh về quá trình Nga chế tạo vỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa bằng vật liệu tổng hợp và Bình Nhưỡng cũng đang làm điều tương tự.
Chuyên gia Schlermer nhận xét việc công bố hình ảnh về tên lửa và vỏ mới bằng sợi carbon không phải là một “tai nạn” về mặt truyền thông. “Tôi nghĩ không có tai nạn nào về bức ảnh của Pukguksong-3, Triều Tiên có chủ đích khi cho chúng ta thấy những tiến bộ vượt bậc của họ”.
Bình luận