• Zalo

Triều Tiên tổng báo động, đe dọa tấn công căn cứ Mỹ

Thế giớiThứ Sáu, 22/03/2013 09:07:00 +07:00Google News

Triều Tiên diễn tập tổng báo động toàn dân và đe dọa tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.

CHDCND Triều Tiên ngày 21/3 lại có những động thái mới liên quan đến chiến tranh như diễn tập tổng báo động toàn dân và đe dọa tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản và đảo Guam.

“Mỹ đừng nên quên rằng căn cứ Andersen ở Guam, nơi máy bay ném bom B-52 cất cánh, cũng như các căn cứ hải quân ở đảo chính của Nhật và ở đảo Okinawa, nơi các tàu ngầm hạt nhân xuất phát, đều nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí chính xác của chúng tôi” - chỉ huy tối cao của quân đội Triều Tiên cảnh báo trong một tuyên bố được chuyển cho Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Binh sĩ Triều Tiên bày tỏ quyết tâm trong một cuộc tập trận do đích thân Chủ tịch Kim Jong Un chỉ đạo - Ảnh: KCNA/Reuters 

Một ngày trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đích thân chỉ đạo một cuộc tập trận có sự tham gia của máy bay không người lái. Ông Kim cũng đe dọa sẽ “hủy diệt các căn cứ Mỹ trên sân khấu Thái Bình Dương”.

Đáp trả 'pháo đài bay' B-52

Trên thực tế, các căn cứ của Mỹ tại Nhật và đảo Guam đều nằm trong tầm bắn của các loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.

Giới quan sát nhận định lời đe dọa tấn công các căn cứ Mỹ thực tế là phản ứng quyết liệt của Bình Nhưỡng đối với việc Mỹ điều động tàu ngầm hạt nhân tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội Hàn Quốc, nhất là vụ quân đội Mỹ triển khai “pháo đài bay” B-52 trên bầu trời bán đảo Triều Tiên những ngày qua.
 
Mỹ điều tàu ngầm hạt nhân tới Hàn Quốc - Ảnh: Yonhap 

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ thực hiện các chuyến bay huấn luyện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên, nhưng như lời người phát ngôn Lầu Năm Góc, thời điểm được chọn lần này nhằm gửi “một tín hiệu mạnh mẽ” cho Bình Nhưỡng về sự cam kết của Washington đối với đồng minh Seoul của mình.


AFP dẫn lời chuyên gia Baek Seung Joo thuộc nhóm nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện Phân tích quốc phòng Hàn Quốc bình luận tất cả động thái gây sôi sục vừa qua của Bình Nhưỡng chỉ nhằm “gây chú ý”.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khác cho rằng đã đến lúc quan điểm cho rằng “Bình Nhưỡng khiêu khích vì điên rồ hay để thu hút sự chú ý của thế giới” là hoàn toàn sai lầm.

Báo Calgary Herald dẫn lời chuyên gia Barry Cooper thuộc Viện Quốc phòng và ngoại giao Canada khẳng định giới lãnh đạo Bình Nhưỡng không hề điên rồ hay hành xử vô nguyên tắc như nhiều người lầm tưởng.

Trên thực tế từ nhiều năm qua, chính quyền Bình Nhưỡng luôn theo đuổi một chính sách đối ngoại có đường hướng và mục tiêu rõ ràng.


Chỉ là để 'thu hút sự chú ý của thế giới'

Hãy thử điểm lại: năm 1993 tổng thống Mỹ Bill Clinton đồng ý cung cấp viện trợ lớn cho CHDCND Triều Tiên khi Bình Nhưỡng dọa rời Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Năm 1998, Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa tầm xa và được Hàn Quốc công nhận vị thế ngoại giao. Năm 2003, nước này rời bỏ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và các cường quốc buộc phải đưa ra sáng kiến đàm phán sáu bên.

Vụ thử tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái của Triều Tiên - Ảnh: KCNA 

Năm 2006, khi các cuộc đàm phán bế tắc, Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa. Phản ứng lại, Mỹ đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố... Tóm lại, Bình Nhưỡng hiểu rõ các hành động của mình khiến Mỹ giật mình.


Trên tạp chí Whitehead Journal of Diplomacy của ĐH Seton Hall (Mỹ), nhà nghiên cứu John Henzel cho rằng dù Mỹ và Hàn Quốc đã nhiều lần đưa ra “củ cà rốt” nhưng chắc chắn Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Những diễn biến trong hơn mười năm qua đã chứng minh điều đó.

Bởi Bình Nhưỡng không muốn dùng hạt nhân để đổi lấy sự nhượng bộ mà thực tế muốn đề phòng Mỹ xâm lược.

Vẫn theo ông, với vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đang sở hữu một lá bài chiến lược, buộc bất kỳ nước nào cũng phải suy đi tính lại trước khi có ý định tấn công.

Ba vụ thử hạt nhân vừa qua là những bước đi cần thiết để Bình Nhưỡng hoàn thiện việc triển khai loại vũ khí hùng mạnh này.


“Sẽ dễ dàng hiểu tại sao Triều Tiên phản ứng dữ dội như vậy khi máy bay có khả năng ném bom hạt nhân B-52, một loại vũ khí xâm lược tối thượng, xuất hiện trên bầu trời bán đảo Triều Tiên” - John Henzel kết luận.

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hòa giải


Bắc Kinh mong muốn các bên giảm nhiệt khi tình hình căng thẳng đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên - tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ngày 20/3.


“Hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là lợi ích cấp thiết của nhân dân hai nước Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cũng như của nhân dân Trung Quốc” - cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (china.org.cn) dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho hòa giải và hợp tác giữa hai miền Triều Tiên.

Đáp lại, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cho biết Seoul sẵn sàng tham gia chương trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như phối hợp với Bắc Kinh nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á.

Theo Tuổi Tr

Bình luận
vtcnews.vn