Cây viết Frida Ghitis của CNN cho rằng việc Triều Tiên đột ngột muốn thay đổi khi mà hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đang đến gần không phải là điều bất ngờ.
Chuyên gia này cho rằng tuyên bố dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra là một phép thử của Triều Tiên nhằm thăm dò thái độ của Mỹ và đưa bàn đàm phán trở lại thế cân bằng sau khi Washington liên tục dồn ép Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa trong thời gian qua.
Hội nghị chưa bị hủy nhưng Bình Nhưỡng liên tục đưa ra các tuyên bố cân nhắc khả năng tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán tại Singapore nếu "Mỹ dồn Triều Tiên vào chân tường và đơn phương yêu cầu từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Lời đe dọa này là một phép thử dành cho Tổng thống Trump, người đang mắc phải một trong những sai lầm cơ bản nhất của bất cứ nhà đàm phán nào. Ông cố gắng hành động thờ ơ, nhưng thực tế thì việc đi tới một cuộc gặp với lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ là thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ và là nền tảng giúp ông có thể giành được giải Nobel hòa bình, chuyên gia này cho hay.
Theo chuyên gia Ghitis, cách mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang thử thách Mỹ giống với những gì mà cha và ông nội của ông từng làm: đòi hỏi nhượng bộ, tìm kiếm lợi ích kinh tế và chính trị trong khi nhượng bộ hoặc hứa hẹn nhượng bộ nhưng sau đó lại không làm như vậy.
Bình Nhưỡng rõ ràng biết cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn sẽ được triển khai vì nó là cuộc tập trận thường niên. Vậy nên tuyên bố dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra ở Singapore chỉ là phép thử đối với Tổng thống Trump, thăm dò xem nhà lãnh đạo Mỹ sẽ làm gì để ngăn chặn sự sụp đổ của sự kiện đang được cả thế giới mong đợi này.
Theo giới quan sát, dù rất cứng rắn khi tuyên bố sẵn sàng hủy hội nghị thượng đỉnh, nhưng Triều Tiên sẽ không làm như vậy bởi trên thực tế quốc gia Đông Bắc Á cũng đã mong chờ ngồi vào bàn đám phán với Mỹ từ rất lâu.
Tuy nhiên, những tuyên bố gần đây từ cả Washington và Seoul khiến Bình Nhưỡng cảm thấy trở nên yếu thế hơn trước cuộc đàm phán.
"Kim rất mong chờ cuộc gặp với ông Trump, nhưng Triều Tiên đang "phát hỏa" trước những tuyên bố gây áp lực liên tục được quan chức Mỹ đưa ra trong thời gian gần đây", Jeffrey Lewis, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey nhận định.
Video: Ông Trump tiết lộ địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tim Schwarz, một cây viết kỳ cựu của CNN chỉ ra rằng Triều Tiên đã rất hạn chế đưa ra các thông báo công khai kể từ khi đồng ý đàm phán với Mỹ. Nhưng việc im hơi lặng tiếng trong một thời gian có thể khiến Triều Tiên cảm thấy mình đang yếu thế và việc đưa ra tuyên bố cách đây ít giờ là để nhắc nhở mọi người họ không hề lép vế trước Mỹ.
Bà Christine Ahn, Đồng sáng lập Viện Chính sách Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên trên thực tế đã "nhượng bộ đáng kể" trước thềm hội nghị thượng đỉnh.
"Họ ngừng thử tên lửa và hạt nhân, đóng cửa bãi thử hạt nhân và thả 3 công dân Mỹ bị giam giữ. Tôi nghĩ đây là lúc để Mỹ thay đổi giọng điệu của mình", bà này chia sẻ.
Trong khi đó, nhà quan sát Triều Tiên Oliver Hotham cho rằng Mỹ hiện tại đang hành xử như thể đã đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên.
"Họ nói về các ưu đãi kinh tế, vận chuyển toàn bộ vũ khí hạt nhân Triều Tiên ra khỏi lãnh thổ. Bậy giờ Triều Tiên muốn đáp trả rõ ràng rằng họ cũng có thể đưa ra một chiêu bài khó tương tự", ông này nhận đinh.
Bình luận