Triều Tiên được cho đã sử dụng bệ phóng tên lửa đa nòng 600mm KN-25 - "cỡ nòng cực lớn" để bắn tên lửa đạn đạo. Khoảng cách di chuyển của tên lửa cho thấy, Seoul và một số căn cứ không quân quan trọng trên lãnh thổ Hàn Quốc nằm trong vùng mục tiêu, nếu tên lửa phóng đi từ Bình Nhưỡng.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông tin Triều Tiên đã phóng khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ khu vực Sunan gần Bình Nhưỡng về phía biển Nhật Bản lúc 06h14 sáng 30/5 (giờ địa phương). Cơ quan này cho rằng việc phóng nhiều tên lửa cùng lúc như vậy là điều bất thường.
Cơ quan phòng vệ Nhật Bản cho biết thêm có ít nhất một trong số các tên lửa đạn đạo do Triều Tiên phóng đã bay với khoảng cách 350 km ở độ cao tối đa 100 km. Tất cả tên lửa đều rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra sau khi nước này thất bại trong việc phóng vệ tinh do thám quân sự hôm 27/5. Hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) đưa tin, tên lửa mang theo vệ tinh do thám thứ hai của nước này đã phát nổ giữa không trung sau khi phóng.
Vào tháng 11/2023, Triều Tiên phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên vào quỹ đạo như một phần trong nỗ lực xây dựng mạng lưới giám sát trên không gian nhằm đối phó với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Mỹ.
Đề cập lý do vụ phóng vệ tinh mới nhất của Bình Nhưỡng không diễn ra như mong muốn, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết vụ phóng đã thất bại do sự bất thường ở động cơ giai đoạn đầu.
Seoul, Washington và các nước khác lên án các vụ phóng tên lửa vào không gian của Triều Tiên vì vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vốn cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Bình luận