Báo cáo về các trường hợp tử vong vì dịch bệnh cho biết "một phần lớn" do nguyên nhân "bất cẩn trong việc dùng thuốc vì thiếu kiến thức và hiểu biết về dịch bệnh".
Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, trong ngày qua nước này ghi nhận thêm ít nhất 296.180 người nữa bị “sốt”, nâng số ca nghi nhiễm lên 820.620 người, trong đó có 324.550 người đang được điều trị y tế.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên không đủ khả năng để xét nghiệm toàn bộ các bệnh nhân có triệu chứng bệnh.
Đợt bùng phát COVID-19 ở Triều Tiên làm dấy lên lo ngại rằng virus SARS-CoV-2 có thể gây điêu đứng cho đất nước đang thiếu nguồn lực trong hệ thống y tế, khả năng xét nghiệm còn hạn chế và không có chương trình tiêm chủng.
KCNA cho biết Bình Nhưỡng đang tiến hành "các biện pháp khẩn cấp ở mức cao nhất" để kiểm soát dịch bệnh, nhưng đến nay chính phủ Triều Tiên vẫn chưa chấp nhận các đề nghị quốc tế về vaccine COVID-19.
"Tất cả các tỉnh, thành phố và quận trên cả nước đã bị phong tỏa hoàn toàn. Các cơ quan, đơn vị sản xuất và khu dân cư đều đóng cửa từ sáng 12/5, việc kiểm tra nghiêm ngặt tất cả người dân đang được tiến hành", KCNA đưa tin.
Các cơ quan y tế Triều Tiên đã thiết lập thêm nhiều chốt phòng, chống dịch và khẩn trương vận chuyển vật tư y tế đến các bệnh viện cùng trạm y tế.
Hôm 14/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận sự lây lan của COVID-19 đã đẩy đất nước vào "tình trạng hỗn loạn" và kêu gọi một chiến dịch toàn lực để khắc phục đợt dịch.
Trước đợt dịch này, Triều Tiên từng tuyên bố không có trường hợp mắc COVID-19 nào. Vào thời điểm đó, nước này là một trong hai quốc gia hiếm hoi trên thế giới chưa bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới - Bình Nhưỡng đã từ chối nhận vaccine từ cơ quan phân phối vaccine quốc tế Covax.
Các nhà phân tích cho biết COVID-19 có thể đã lây lan khi Triều Tiên tổ chức các ngày lễ lớn vào tháng 4 - bao gồm cuộc diễu hành quân sự lớn ở Bình Nhưỡng với hàng nghìn người tham gia và khán giả không đeo khẩu trang.
Bình luận