(VTC News) – CHDCND Triều Tiên đang từng bước chuẩn bị cho một cuộc “đại cải cách” nhằm thay đổi hệ thống kinh tế, thu hẹp khoảng cách cô lập với cộng đồng thế giới, tờ Korea Herald (Hàn Quốc) loan tin hôm 10/8.
Chính phủ Bình Nhưỡng đang tìm cách thực thi “các biện pháp 28/6” nhằm mang lại cho các công ty nhà nước quyền chủ động nhiều hơn trong việc lựa chọn dòng sản phẩm để kinh doanh, tự quyết định giá thành, số lượng cũng như phương pháp để mở rộng thị trường.
Tờ Korea Herald dẫn lời tác giả bài báo Song Sang-ho cho rằng cũng nhờ chính sách cải cách như trên mà nông dân Triều Tiên sẽ được hưởng 30% sản lượng thu hoạch trong các vụ mùa.
Trong khi đó, quy định hạn chế lương thực cũng sẽ được xóa bỏ đối với đại đa số người dân bình thường và chỉ tạm thời áp dụng cho các đối tượng là quan chức, nhân viên làm việc trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Hình ảnh một góc thủ đô Bình Nhưỡng của Triểu Tiên |
Việc chính phủ Bình Nhưỡng ra sức đẩy mạnh nguồn thu ngoại tệ nhờ hoạt động du lịch, tăng cường xuất khẩu lao động sang Trung Quốc và bán khoáng sản cho nước ngoài cũng được các chuyên gia đánh giá là nhằm vực dậy kinh nền tế trì trệ trong nhiều năm qua.
Song song với việc “mở của” nền kinh tế, bài báo còn đề cập tới việc các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng đang nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế nội địa với mong muốn xoa dịu những người dân vốn “ngày càng bất bình” trước thực trạng phát triển của đất nước khi mà chính phủ chỉ mải theo đuổi các chương trình hạt nhân.
Nhiều chuyên gia từ Seoul nhận định, dù chưa công khai chính thức nhưng các chính sách cải cách mới sẽ được thực hiện triệt để hơn những giải pháp đã từng được Triều Tiên tuyên bố vào năm 2002 nhưng sau đó “chết yểu” vì trở ngại chính trị.
“Đối với tân lãnh đạo Kim Jong-un, việc cải cách kinh tế là điều trước nhất phải làm để duy trì và củng cố niềm tin của công chúng đối với chế độ mới”, Kim Young-hui, một chuyên gia kinh tế người Triều Tiên đang làm việc cho Tập đoàn Tài chính Quốc gia Hàn Quốc nói.
Chủ tịch Kim Jong-un được cho là có phong cách lãnh đạo cởi mở, thân thiện hơn so với cựu Chủ tịch Kim II-sung và Kim Jong-il |
Bên cạnh đó, các chuyên gia này cũng cho rằng nếu chính phủ Triều Tiên không chịu thay đổi thể chế lãnh đạo linh hoạt hơn thì các biện pháp cải cách về mặt kinh tế sẽ khó có thể thành công.
“Nếu chính quyền Bình Nhưỡng không chịu “hy sinh một chút lợi ích của người lãnh đạo” thì các chính sách cải cách hay mở cửa sẽ chẳng đem lại kết quả gì”, theo Yang Un-chul – một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Chính sách Sejong, Hàn Quốc.
Nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un – người từng du học ở Thụy Sĩ lên nắm chính quyền từ tháng 12 năm ngoái sau khi cha là Chủ tịch Kim Jong-il qua đời.
Với sự tiếp thu nền giáo dục phương Tây, nhiều người cho rằng Kim Jong-un sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện một cuộc cải cách kinh tế - điều trước nay chưa từng xảy ra ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong khi Seoul nhấn mạnh việc cải cách kinh tế là điều “không thể tránh khỏi”, chính quyền Bình Nhưỡng đã một mực khẳng định “sẽ không có bất cứ một sự thay đổi nào dù là nhỏ nhất trong các chính sách của nhà nước Cộng sản”.
Thậm chí Bình Nhưỡng còn thẳng thừng lên án việc Hàn Quốc ra sức tuyên truyền về các cuộc cải cách ở Triều Tiên thực chất chỉ là “giấc mộng viển vông và điên rồ”, hãng AFP đưa tin hồi cuối tháng 7.
Ba thế hệ lãnh đạo Triều Tiên, từ trái qua: Kim II-sung, Kim Jong-il và Kim Jong-un |
Hạ Giang
Bình luận