• Zalo

Triều Tiên cảnh báo Mỹ đối mặt hậu quả vì bắt giữ tàu hàng

Thế giớiThứ Tư, 22/05/2019 11:38:00 +07:00Google News

Triều Tiên tiếp tục yêu cầu Mỹ trả lại tàu hàng, cảnh báo Washington vi phạm chủ quyền và làm ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước.

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song, ngày 21/5, tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, yêu cầu Mỹ trả lại tàu hàng ngay lập tức. Tàu này bị Mỹ bắt giữ hồi đầu tháng 5 vì cáo buộc vận chuyển than, vi phạm các lệnh trừng phạt.

kim-song-nk-ambassador

 Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Reuters)

"Mỹ nên cân nhắc và suy nghĩ về những hậu quả hành động thái quá của họ có thể có đối với sự phát triển trong tương lai. Ngoài ra, Mỹ phải trả lại tàu chở hàng của chúng tôi không chậm trễ", ông Kim nói. "Chúng tôi coi đó là một phần của lãnh thổ của chúng tôi, nơi chủ quyền của chúng tôi được thực thi đầy đủ", ông Kim nói thêm.

Ông Kim cho rằng việc bắt giữ con tàu, được biết đến với tên gọi Wise Honestest, là coi thường tinh thần tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sau cuộc gặp đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018. Tuyên bố cam kết xây dựng mối quan hệ mới giữa các quốc gia và hoạt động hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

"Chúng tôi sẽ theo dõi cẩn trọng mọi động thái của Mỹ", Đại sứ Kim nói.

Trước đó, hôm 16/5, ông Kim Song viết thư cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, yêu cầu Liên hợp quốc thực hiện các biện pháp khẩn cấp về vấn đề này. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric hôm 21/5 xác nhận về bức thư trên.

"Chúng tôi đang xem xét nó. Vấn đề trừng phạt, thi hành các biện pháp trừng phạt, giải thích các biện pháp trừng phạt, thực sự là vấn đề để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định và thảo luận", ông Dujarric nói.

Bộ Tư pháp Mỹ hồi đầu tháng 5 cho biết con tàu bị bắt và tạm giữ ở Samoa thuộc Mỹ.

Trước đó tàu này từng bị Indonesia bắt giữ lần đầu tiên vào tháng 4/2018.

Cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2 bị rút ngắn. Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bị đình trệ, Triều Tiên bắt đầu một số thử nghiệm vũ khí trong tháng 5.

Các cuộc thử nghiệm được coi là phản ứng của ông Kim Jong-un sau khi ông Trump từ chối lời kêu gọi giảm nhẹ lệnh trừng phạt tại hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, theo Reuters.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006, trong nỗ lực bóp nghẹt nguồn tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng. Các lệnh cấm bao gồm cấm xuất khẩu than, sắt, chì, dệt may và hải sản, cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Video: Tổng thống Trump thận trọng với báo cáo về hạt nhân Triều Tiên

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn