Liên quan đến vấn đề thuốc hiếm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định của Luật Dược có nhiều quy trình về thuốc hiếm, chính sách Nhà nước về mua sắm, quy định về nhập khẩu, bán, chuyển nhượng của các bệnh viện, việc ưu tiên thẩm định thuốc hiếm, các thuốc hiếm bắt buộc phải dự trữ.
Bộ Y tế đã có Thông tư số 26 năm 2019, trong đó quy định 214 loại danh mục thuốc hiếm và 229 thuốc không sẵn có. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang xây dựng quy chế liên quan đến việc dự trữ và bảo đảm thuốc đặc biệt hiếm để áp dụng trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, việc thiếu nguồn cung về thuốc chỉ xảy ra đối với một số thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm do khó khăn về nguồn cung ứng, không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng (như các thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn).
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và xung đột tại châu Âu, nên dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số thuốc như Albumin, Globulin (các thuốc này hầu như nước nào cũng thiếu).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, với các thuốc đặc biệt hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, Bộ Y tế đã báo cáo, đề xuất Chính phủ và đã được Chính phủ đồng ý xây dựng cơ chế bảo đảm thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.
Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành 3 - 6 trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Số lượng danh mục các thuốc dự trữ khoảng từ 15 - 20 loại và botulinum cũng là một trong các loại thuốc nằm trong danh mục các thuốc này. Đây cũng sẽ là giải pháp căn cơ để bảo đảm các thuốc đặc biệt hiếm, dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, để bảo đảm nguồn cung đối với trang thiết bị y tế, thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát, đề xuất sửa đổi một số nội dung đưa vào dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này để tháo gỡ các khó khăn trong việc mua sắm.
Trong đó, về phạm vi điều chỉnh tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lần này đối với hoạt động nhà thuốc trong cơ sở y tế, vaccine dịch vụ sẽ giao cơ sở tự quyết định mua sắm.
Bộ cũng đề xuất bổ sung quy định về mua, thuê mua thiết bị y tế, mua sắm theo dịch vụ kết quả đầu ra, bổ sung quy định trong trường hợp cấp bách, gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, thuốc, hóa chất, phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế, xây lắp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu người bệnh cần triển khai ngay để kịp thời bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân.
Thời gian qua, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quốc hội cũng đang xem xét, thảo luận, thông qua về Luật Giá (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Bình luận