Dù bối cảnh đất nước đã thay đổi, nhiều giá trị xưa cũ đã bị mai một, nhưng đạo lễ với thầy giáo vẫn luôn là một nét đẹp trong văn hóa của người dân Việt. Mùng 3 Tết Nguyên đán, PV VTC News tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tìm gặp ông đồ già Nguyễn Mạnh Hùng (bút danh Hoài Nam) để nghe ông kể về chuyện Tết thầy ngày xưa.
Ông đồ 84 tuổi nói rằng câu nói "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" nghĩa là cha mẹ là người sinh, thầy là người dạy, "giáo-dưỡng". "Vậy, tại sao lại "giáo" trước "dưỡng"? Bởi trong chữ Nho, "giáo dưỡng" tức là nuôi và dạy. Cha mẹ và thầy giáo có công đức như nhau, một bên có công sinh thành nuôi dưỡng và một bên có công lao dạy dỗ", thầy Hoài Nam nói.
Hàng năm cứ vào dịp này, học trò từ nhiều phương thường đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi thờ người thầy giáo vĩ đại Chu Văn An, người đã có công dưỡng dục bao thế hệ người hiền tài của đất nước. Ở đó, học trò của thế hệ mới thắp cho thầy những nén hương thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn" được đời trước truyền lại cho đời sau.
Ngày xưa và ngày nay, chữ "nghĩa" và ý nghĩa của dịp Tết thầy này vẫn không thay đổi, thầy luôn là bậc đáng trân trọng. Tùy theo từng thời điểm của xã hội mà chúng ta có những hình thức khác nhau. Thầy khẳng định rằng, đây là đạo lý mang đậm tính thuần phong mỹ tục, thể hiện tính truyền thống của người Việt ta và sẽ không bao giờ mất đi.
"Ngày xưa, đối với chúng tôi, đến với thầy đều mang tấm lòng một cách trân trọng, "ơn thầy". Có cụm từ "tri ân", không ơn thầy sẽ không làm được gì. Vì thế mà trong dân gian có câu "Không thầy đố mày làm nên", câu nói dù được thể hiện một cách rất dân dã nhưng lại mang ý nghĩa triết lý rất cao. Mà bây giờ tính hàn lâm đó vẫn ổn định và trường tồn, sống cùng với thời gian, được bảo tồn và trân trọng", thầy giải thích.
Ngày nay, xã hội phát triển, giá trị vật chất tăng lên thì nhiều học trò chọn cách đến nhà thầy cô giáo để thể hiện tấm lòng của mình cùng các đồ biếu có giá trị cao. Nhưng ngày xưa, cũng là những cô cậu học trò, nhưng đến tri ân thầy cô giáo chỉ có chút quà giản dị như nải chuối hay củ khoai hay đôi ba ca gạo, cũng đủ để bày tỏ sự tôn kính tới những người cha, người mẹ thứ hai.
"Ngày xưa đến với thầy cô, trước hết không thể không mang theo món quà tinh thần là tấm lòng tri ân thầy; thứ hai là mang theo những thứ mà bản thân mỗi người rất trân trọng. Cụ thể là nông sản như nải chuối hay một vài ca gạo.
Thời điểm ấy chỉ đong bằng ca (bằng kim loại), bằng đấu (bằng gỗ) chứ không đong bằng ki-lô, hồi này đơn vị này vẫn chưa thịnh hành; hay có thể tặng thầy một rổ khoai, một ít ngô... Những nông sản mà mình làm ra từ đất, được chắt lọc đem đến kính tặng thầy", ông đồ già kể.
Thầy đồ Hoài Nam bắt đầu học thư pháp từ khi còn rất trẻ. Cho đến nay, dù đã 84 tuổi xuân nhưng ông vẫn miệt mài và nhiệt huyết với từng con chữ. "Viết vừa để cải thiện cuộc sống, vừa để gìn giữ một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền dân tộc", thầy chia sẻ.
Clip: Ông đồ già kể chuyện biếu thầy giáo ngày mùng 3 Tết
Bình luận