• Zalo

'Treo đầu dê, bán thịt chó', Pepsico Việt Nam liên tục lừa dối người dùng?

Kinh tếThứ Năm, 21/01/2016 07:41:00 +07:00Google News

Trà Ô Long TEA+ Plus có nguyên liệu từ Trung Quốc, là sản phẩm treo đầu dê bán thịt chó, gian dối người tiêu dùng của Pepsico Việt Nam?

(VTC News) - Sau thông tin dùng nước giếng sản xuất nước tinh khiết Aquafina và trà Ô Long TEA+ Plus nghi vấn sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc thay vì Nhật Bản như quảng cáo, liệu người tiêu dùng còn tin tưởng để tiếp tục sử dụng các sản phẩm của Pepsico Việt Nam?

Trong thời gian gần đây, thông tin nghi vấn Pepsico Việt Nam nhập nguyên liệu Trung Quốc để chế biến sản phẩm Trà Ô Long TEA+ Plus nhưng lại được quảng cáo “chất lượng Nhật Bản” đã khiến người tiêu dùng Việt Nam có cảm giác được "hưởng trọn" một cú lừa ngoạn mục của Pepsico Việt Nam.


Với những lời quảng cáo có cánh, trà Ô Long TEA+ Plus được người dùng biết đến là loại “thức uống có lợi cho sức khỏe”, là loại trà duy nhất sản sinh ra hoạt chất tự nhiên OTPP nhờ lên men bán phần công phu, hạn chế được sự hấp thu chất béo từ thức ăn.

Chưa kể năm 2014, sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus còn được nhận danh hiệu “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam năm 2014” của Bộ Công Thương. Người tiêu dùng lại càng thích thú khi có một đợt sản phẩm này được phát miễn phí tại hàng loạt các khu vui chơi giải trí, mua sắm lớn trên toàn quốc.
Trà Ô long TEA+ được quảng cáo là sản phẩm được sản xuất với công nghệ Nhật Bản
Trà Ô long TEA+ Plus được quảng cáo là sản phẩm được sản xuất với chất lượng Nhật Bản 
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện nghi vấn Trà Ô Long TEA+ Plus có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc thì người tiêu dùng mới bắt đầu hoang mang về chất lượng của sản phẩm và đặc biệt là kiểu kinh doanh "treo đầu dê, bán thịt chó" của Pepsico Việt Nam.

Nghi vấn này bắt nguồn từ hình ảnh chụp lại tờ khai nhập khẩu của Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2015, với một mặt hàng nhập khẩu được ghi rõ là “Bột trà ô long – Instant Oolong tea powder SUN60”: Qui cách đóng gói : 20kgs/1 carton, nơi nhập khẩu là Việt Nam, nguồn gốc xuất xứ “CN” - ký hiệu tắt của từ "China", có nghĩa là Trung Quốc.
Hình ảnh tờ khai nhập khẩu của Suntory Pepsico Việt Nam làm dấy lên nghi vấn trà Ô long TEA+ Plus là sản phẩm "treo đầu dê, bán thịt chó"
Được biết, Công Ty TNHH Nước Giải Khát Suntory Pepsico Việt Nam là một liên doanh giữa Pepsico Việt Nam và tập đoàn Suntory, một công ty đa quốc gia với trụ sở chính đặt tại Nhật Bản, trong đó Suntory chiếm 51% và PepsiCo chiếm 49% với sự ra mắt của sản phẩm mới là trà Ô long Tea+ Plus.

Với số lượng nguyên liệu bột trà ô long được nhập từ Trung Quốc như được thể hiện trong tờ khai nhập khẩu trên, câu hỏi đặt ra là phải chăng Suntory PepsiCo Việt Nam đã lừa dối người tiêu dùng bấy lâu nay, khi các quảng cáo, tiếp thị cho trà Ô Long TEA+ Plus luôn khẳng định sản phẩm "made in Việt Nam" chất lượng cao, được sản xuất với công nghệ Nhật Bản?

Một thông tin khác được in đậm trên nhãn chai trà Ô Long TEA+ Plus, đó là loại trà này được chiết xuất hoạt chất OTPP từ trà Ô Long, mà không nói rõ trà có nguồn gốc trong nước hay được nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thực phẩm, chỉ có lá trà ô long lên men bán phần và được sấy khô từ từ mới có chứa hoạt chất OTPP.

Nếu như vậy thì Suntory PepsiCo Việt Nam nhập bột trà ô long từ Trung Quốc về để làm gì? Đây chỉ là hương liệu dùng để pha chế hay là nguyên liệu dùng để sản xuất ra trà Ô long TEA+Plus? Nếu được dùng làm nguyên liệu thì loại bột này có chứa hoạt chất OTPP đúng như trên nhãn sản phẩm này có ghi?

Và tại sao Suntory PepsiCo Việt Nam lại nhập khẩu nguyên liệu này từ Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp trong nước đang tồn kho khoảng 2.000 tấn trà Ô long, nhiều nơi giá chỉ còn 15.000-20.000 đồng/kg, bằng một nửa so với trước?

Hiện nay PV VTC News đang tích cực liên hệ với đại diện của Suntory Pepsico Việt Nam, đặc biệt là phía Pepsico Việt Nam để xác minh thông tin, làm sáng tỏ nghi vấn này. Nhưng nếu đây là sự thật thì công ty này thực sự đã lừa dối người tiêu dùng một cách trắng trợn với kiểu mập mờ, không minh bạch về thông tin của sản phẩm trà Ô long TEA+ Plus.

Liên tiếp mập mờ thông tin sản phẩm

Cách đây không lâu, vào cuối tháng 10/2015, dư luận cũng một phen bàng hoàng không kém khi dấy lên nghi vấn sản phẩm nước khoáng Aquafina của Pepsico Việt Nam có thể được sản xuất từ... nước máy.

Như VTC News đưa tin từ hãng thông tấn RT ( trước đây là Russia Today) của Nga, Michelle Naughton - người đại diện của PepsiCo tại Mỹ đã lên tiếng thừa nhận rằng, chính xác là họ đã sử dụng nguồn nước công cộng để sản xuất nước đóng chai tinh khiết Aquafina.

Trong khi đó tại Việt Nam, Aquafina được người tiêu dùng khá ưa chuộng khi chiếm được tới khoảng 30% thị phần, dù giá thành sản phẩm cao hơn hẳn so với mặt bằng chung các loại nước tinh khiết khác trên thị trường hiện nay.

Chính vì vậy mà rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đã không khỏi bị sốc và hoang mang, bởi việc Aquafina thừa nhận lấy nước lã công cộng để đóng chai thì không khác gì họ đang mua nước máy để uống với mức giá đắt gấp khoảng 2.000 lần giá trị thực.

Để nhằm giải đáp câu hỏi của người tiêu dùng, PV VTC News đã liên hệ ngay tới Pepsico Việt Nam, tuy nhiên câu trả lời nhận được lại chỉ vỏn vẹn rằng: do hiện nay chưa nhận được bất kỳ thông báo chính thức nào từ phía trụ sở chính của hãng và công ty vẫn đang tiếp tục liên hệ với đại diện ở các khu vực khác để xác nhận lại thông tin nên Pepsico Việt Nam xin "chưa đưa ra bình luận gì" về việc này.

Đại diện truyền thông của Pepsico Việt Nam cũng hứa hẹn sẽ phản hồi lại ngay khi có thông tin từ phía công ty mẹ, tuy nhiên đã sau gần 3 tháng mà họ vẫn "bặt vô âm tín".

Điều này đồng nghĩa với việc Pepsico vẫn chưa có câu trả lời chính thức nào tới người tiêu dùng cho tới thời điểm này, không khẳng định cũng không phủ định việc nước tinh khiết Aquafina là nước máy đóng chai, lại càng không nói rõ thực chất sản phẩm này được lấy từ nguồn nước nào.

Chỉ đến khi Cục An toàn thực kiểm tra đột xuất 4 nhà máy trên khắp cả nước của Công ty Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam tại Bắc Ninh, TP.HCM, Đồng Nai và Cần Thơ, thì lúc này mọi chuyện mới được làm rõ.

TS. Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, chi nhánh Công ty PepsiCo Việt Nam tại Bắc Ninh (Khu công nghiệp VSIP – Phù Chẩn, huyện Từ Sơn) đã sử dụng nguồn nước ngầm là nước giếng khoan để sản xuất sản phẩm nước uống đóng chai.

Từ đánh giá của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) và báo cáo kiểm tra thì nguồn nước này do Khu công nghiệp VSIP cung cấp theo các chứng nhận của Bộ Tài nguyên Môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước giếng này vẫn có thể có nguy cơ nhiễm các tạp chất hóa học từ khu công nghiệp ngấm vào đất nếu như không được xử lý tốt.

Dù nhiều phân tích cho rằng, Aquafina có vẻ như đang bị hiểu nhầm do người tiêu dùng vẫn chưa nắm rõ được hai khái niệm về nước khoáng thiên nhiên và nước uống tinh khiết đóng chai.

Theo đó, nước tinh khiết có thể bắt nguồn từ nguồn nước công cộng, vì trong quá trình sản xuất sẽ được xử lý, tinh thông qua một hệ thống thanh lọc khắt khe để loại bỏ mọi tạp chất và các loại vi sinh khác.

Do đó, nước tinh khiết không quan trọng là nguồn nước lấy từ đâu, mà quan trọng là hệ thống, công nghệ xử lý nước như thế nào, chứ không nhất thiết phải là nước khoáng, nước tinh chất trong thiên nhiên.

Tuy nhiên, điều đáng nói là Pepsico đã không minh bạch thông tin ngay từ đầu với người tiêu dùng nên mới xảy ra những sự hiểu lầm như vậy. Hiện nay, trên nhãn của sản phẩm Aquafina tại Việt Nam mới chỉ có vỏn vẹn một chữ "Pure Water" - có nghĩa là nước tinh khiết.
Nhãn chai Aquafina chỉ ghi Pure Water - có nghĩ là nước tinh khiết
Nhãn chai Aquafina chỉ ghi "Pure Water" - có nghĩ là nước tinh khiết 
Có lẽ, Pepsico Việt Nam vẫn sẽ còn giữ "im lặng" để mặc cho người tiêu dùng tiếp tục có những hiểu nhầm về nguồn gốc của nước tinh khiết Aquafina mà sử dụng sản phẩm này trong sự mập mờ, không thành thật của mình.

Trong khi đó tại Mỹ, trước sức ép của cơ quan Tiêu chuẩn trách nhiệm, các sản phẩm nước tinh khiết Aquafina của Pepsico đã buộc phải ghi rõ thêm dòng chữ P.W.S (Public water source - nguồn nước công cộng) để tránh gây ra những hiểu lầm trong tiếp thị quảng cáo, và đặc biệt là bảo vệ quyền lựa chọn cũng như lòng tin của người tiêu dùng.

Cộng với thông tin Pepsico Việt Nam "treo đầu dê bán thịt chó" trong sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus lần này, liệu người tiêu dùng trong nước có còn đủ tin tưởng để tiếp tục sử dụng các sản phẩm của hãng?

Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Chính, Ủy viên BCH Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng đã nói rất rõ: "Người tiêu dùng cần nhất là sự minh bạch rõ ràng trong thông tin mà các nhà sản xuất đưa đến cho họ. Doanh nghiệp càng minh bạch, càng rõ ràng thì người tiêu dùng càng tôn trọng".

Ông Chính phân tích, người tiêu dùng hiện nay không còn kém thông tin như những năm trước đây, họ cũng có rất nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Do đó, sản phẩm nào có chất lượng tốt, thông tin minh bạch, rõ ràng thì sẽ được sự ủng hộ, còn nếu cố tình lập lờ thì sớm muộn cũng sẽ bị phát hiện và bị người tiêu dùng nhanh chóng gạt sang một bên mà thôi.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn