Nhiều cửa hàng thời trang treo biển thanh lý nhưng thực chất đó chỉ là một chiêu trò câu khách.
Đua nhau thanh lý cửa hàng
Những tấm biển “ thanh lý”, “ thanh lý toàn bộ cửa hàng”, “ thanh lý cho thuê cửa hàng”... xuất hiện thường xuyên trước các cửa hàng thời trang từ những tuyến phố trung tâm Hà Nội như Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch... cho đến các tuyến đường ngoại thành Phùng Hưng (Hà Đông), Ngọc Hồi...
Nhiều tháng nay, người đi đường chứng kiến cảnh khách hàng chen lấn mua hàng khiến xe cộ để tràn ra cả lòng đường tại góc phố của đường Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Đáng ngạc nhiên là có đến 4 cửa hàng liên tiếp treo biển thanh lý và cho thuê cửa hàng. Tuy nhiên, khi bước vào một địa chỉ treo biển quảng cáo cho thuê và đặt vấn đề muốn thuê cửa hàng này thì bà chủ lại từ chối thẳng thừng với lý do rằng treo để cho thuê... một cửa hàng khác.
Trước đây, đoạn đường này chỉ có 2 cửa hàng thời trang và chỉ có cửa hàng T & T là thường xuyên treo biển thanh lý. Cửa hàng này có diện tích hơn 10 m2 nhưng kinh doanh rất nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách... Tất cả đều được đổ đống ra nền nhà và vỉa hè để thanh lý. Các của hàng thời trang đua nhau "thanh lý".
Bà Lâm, chủ cửa hàng, chia sẻ rằng: Bà lấy hàng tận gốc, lấy cả lô về nên giá rất rẻ, đổ đống ra thanh lý để nhiều người ham rẻ đến mua. Thời gian đầu chỉ có một cửa hàng nên khách tập trung mua rất nhiều. Từ đó, các cửa hàng khác đua nhau làm theo để câu khách. Thậm chí, có cửa hàng vừa mới khai trương đã treo biển thanh lý để "làm mồi".
Khách đến mua chủ yếu là người lao động và công nhân viên chức có thu nhập thấp. Chị Lan Hương, một khách hàng tâm sự rằng: Tôi là công nhân lương có 3 triệu đồng/tháng nên không dám phung phí nhưng ngày nào cũng đi làm qua đây cũng thấy cửa hàng treo biển thanh lý, khách mua đông nên tôi cũng vào xem. Hầu hết khách hàng đến mua tại các cửa hàng này vì những tấm biển quảng cáo hấp dẫn, giá rất rẻ. Tuy nhiên, nói về chất lượng thì nhiều khách hàng lại than thở rằng đúng là “tiền nào của nấy”...
Hàng Trung Quốc "Made in Viet Nam"
Tâm lý của người tiêu dùng là muốn mua được đồ vừa rẻ lại vừa tốt nên các cửa hàng thường nhập hàng Trung Quốc chất lượng thấp về để “làm hàng” bằng cách thay nhãn mác "Made in Viet Nam" rồi treo biển quần áo VNXK, quần áo Việt Nam gia công...
Thời gian gần đây, nhiều người tiêu dùng có xu hướng chuộng đồ Việt Nam do bền, đẹp hơn rất nhiều so với hàng Trung Quốc. Chị Thu Hoài, nhân viên văn phòng thừa nhận: “Nhiều chiếc váy áo công sở kiểu dáng lịch sự được gắn mác các thương hiệu nổi tiếng nhưng lại chỉ có giá từ 100.000 – 250.000 đồng/chiếc, rẻ hơn hẳn hàng hiệu “xịn” bày bán trong các trung tâm thương mại lớn”.Khách chen lấn nhau mua hàng thanh lý.
Bà Lâm, chủ cửa hàng T&T cho biết: Bà thường lấy hàng Trung Quốc từ Móng Cái (Quảng Ninh) về trộn lẫn với quần áo Việt Nam để bán. Hiện áo công sở đổ đống được nhiều khách hàng ưa chuộng được bán với giá 25.000 đồng/chiếc nếu mua buôn giá còn 20.000 đồng/ chiếc.
Nhiều khách hàng ngạc nhiên vì cái giá này quá rẻ, nếu chỉ tính riêng tiền mua vải cũng đã hơn 25.000 đồng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chủ cửa hàng nhập từ Trung Quốc chỉ khoảng vài nghìn đồng mỗi cái.
Thực tế đồ may mặc Trung Quốc kém chất lượng rất dễ nhận biết bởi chất liệu, đường may và mẫu mã không được sắc sảo như hàng “xịn” nhưng với những khách hàng ít kinh nghiệm mua sắm thì khó có thể nhận thấy được.
Cũng có nhiều trường hợp dù biết là hàng Trung Quốc nhưng khách vẫn mua vì ham rẻ. Kể lại câu chuyện mua phải hàng “Made in Vietnam” rởm, chị Hồng Lê, ở Văn Điển cho biết, chị đã mua một chiếc váy công sở giá 250.000 đồng tại một cửa hàng bán đồ Việt Nam. Người bán giải thích do đây là hàng xuất dư nên bán cho khách hàng với giá rẻ.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau khi cùng bạn ra chợ xanh Cầu Giấy chị đã thấy mẫu vấy như vậy bán tràn lan ở các ki ốt. Chị xem kỹ thì mẫu váy này được gắn mác “Made in china” và giá của nó chỉ bằng một nửa chiếc váy chị đã mua.
Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, các cửa hàng thời trang đã dùng mánh lới kinh doanh hàng thanh lý để bán hàng Trung Quốc nhằm kiếm lời. Và vô hình trung họ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như uy tín của thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Theo Nguyễn Nguyên/Kienthuc
Bình luận