• Zalo

Trên điểm sàn, thí sinh được đăng ký nhiều trường

Giáo dụcThứ Ba, 17/01/2012 09:37:00 +07:00Google News

Năm nay, theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ không giới hạn số đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Năm nay, theo dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ không giới hạn số đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Vì thế, thí sinh (TS) có cơ hội đăng ký vào nhiều trường và không hạn chế nguyện vọng.
 
Được nộp bản sao giấy chứng nhận kết quả thi

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết dự kiến Bộ chỉ quy định mức điểm sàn, không quy định về số đợt xét tuyển và mốc thời gian xét tuyển mỗi đợt. Các trường được tổ chức trên nguyên tắc điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn và không vượt chỉ tiêu đã xác định. Các trường có thể tuyển nhiều đợt đến khi đủ chỉ tiêu.

TS dự thi ĐH năm 2011 

TS sẽ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng bản sao của giấy này để đăng ký vào nhiều trường khác nhau. Khi trúng tuyển và quyết định nhập học tại một trường nào đó, TS mới phải sử dụng bản gốc giấy chứng nhận kết quả thi để nộp cho trường.

Hầu hết các trường ĐH đều ủng hộ chủ trương này. Bà Lê Thị Thủy - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, khẳng định: “Đây là một chủ trương hợp lý vì nên để các trường tự chủ trong xét tuyển. Bộ GD&ĐT chỉ nên kiểm soát chất lượng đầu vào bằng việc quy định mức điểm sàn”.

Cùng quan điểm này, ông Lê Trọng Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cho rằng phương án này rất thuận lợi cho TS và các trường. TS được thỏa mãn về cơ hội xét tuyển và chọn được trường phù hợp với nguyện vọng. Các trường khó tuyển có thể tuyển nhiều đợt để đủ chỉ tiêu.

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng, lập luận: “Bộ giao cho các trường tự chủ trong xét tuyển là hợp lý. Điều quan trọng là đầu ra, các trường phải đạt chuẩn”.

Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, điều băn khoăn là các trường ĐH phải đối mặt tỷ lệ TS ảo rất cao. Ông Lê Hữu Lập - Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, lo ngại: “Các trường khó có thể biết trước có bao nhiêu TS nộp hồ sơ sẽ đến nhập học, vì vậy không biết gọi nhập học bao nhiêu cho vừa”.

Ông Lê Trọng Thắng cũng dự báo: “Các trường có thể bị vượt chỉ tiêu do không chủ động về số lượng nhập học. Có thể thời gian tuyển sinh sẽ bị kéo dài vì phải tuyển nhiều lần”.

Tìm cách khắc phục

Dự báo số lượng TS ảo sẽ cao nhưng hầu hết các trường được hỏi ý kiến đều cho rằng có thể khắc phục được. Ông Lê Hữu Lập cho biết các trường có thể đặt ra một mốc thời gian nhất định cho việc xét tuyển. Phải có hạn cuối cùng để TS chủ động lựa chọn vì việc xét tuyển cũng cần phải kết thúc để khóa học bắt đầu.

Để tránh rủi ro, các trường có thể gọi làm nhiều đợt nhưng quy định thời hạn cho TS nộp hồ sơ. Ví dụ sau vài ngày nhận giấy báo nhập học mà TS không đến thì các trường có quyền gọi tuyển đợt khác cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Ông Lê Trọng Thắng đề xuất: “Để tránh kéo dài thời gian xét tuyển và gọi vượt chỉ tiêu, Bộ cần nới rộng biên độ về chỉ tiêu cho các trường. Theo quy định hiện nay, các trường không được vượt quá 10% chỉ tiêu. Năm nay, có thể quy định tối đa là 15% để đảm bảo các trường không bị vi phạm quy chế”.

Ông Thắng cũng cho biết: “Kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, các trường bao giờ cũng phải gọi vượt chỉ tiêu nhưng số lượng đến nhập học cũng ít khi đạt. Vì vậy, Bộ nên nới rộng biên độ này trong năm đầu tiên thí điểm mô hình mới để các trường không phải kéo dài thời gian xét tuyển. Sau đó, Bộ có thể điều chỉnh vào các năm tiếp theo”.

Theo Thanh Niên


Bình luận
vtcnews.vn