• Zalo

Trên 17 ngàn lượt người ở thủ đô dùng căn cước công dân gắn chip đi khám BHYT

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 08/07/2022 11:49:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hà Nội có trên 7,495 triệu người có thẻ BHYT (bằng 91,89% dân số), trong đó có hơn 4,3 triệu thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu trong căn cước công dân gắn chíp.

Tại Hội nghị giao ban công tác quý II/2022 của UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội hoàn thành triển khai 20/25 dịch vụ công thiết yếu (đạt 80%) theo đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Đến nay, hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội kết nối và khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.

Trên 17 ngàn lượt người ở thủ đô dùng căn cước công dân gắn chip đi khám BHYT - 1

Trên 17 ngàn lượt người ở thủ đô dùng căn cước công dân gắn chip đi khám BHYT. (Ảnh minh hoạ)

Theo đề án 06, cần tích hợp 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, Hà Nội hoàn thành triển khai 20/25 dịch vụ thiết yếu theo đề án 06 (đạt 80%) với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ. Đối với 5 dịch vụ công còn lại, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành bám sát chỉ đạo của các bộ, ngành chủ quản để tiếp tục hoàn thành. Thành phố cũng phê duyệt danh mục 928 thủ tục hành chính về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong năm 2022.

Tính đến ngày 6/6/2022, trên TP Hà Nội có hơn 4,3 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, tích hợp thông tin thẻ BHYT lên căn cước công dân gắn chip, có thể sử dụng thẻ căn cước công dân đi KCB BHYT. Trong số 3,402 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT trong 5 tháng đầu năm 2022 có 17,308 ngàn lượt người sử dụng căn cước công dân khi đi khám chữa bệnh BHYT tại 416 cơ sở KCB.

Bước đầu, người dân thấy hài lòng và ủng hộ, bởi việc tích hợp thông tin thẻ BHYT lên căn cước công dân giúp giảm bớt thủ tục hành chính; xác thực thông tin công dân thuận lợi, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả người dân và nhân viên y tế; nâng cao hiệu lực quản lý trong lĩnh vực khám chữa bệnh.

6 tháng qua, Công an TP Hà Nội cũng tiếp nhận và giải quyết gần 1,8 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử, đặc biệt là việc cấp căn cước công dân gắn chip kèm định danh điện tử cho các em học sinh sinh năm 2004 và năm 2007, để kịp phục vụ cho các em đăng ký dự thi vào lớp 10 và dự  kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia…

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cũng thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin đối với hơn 700.000 trường hợp trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cập nhật vào Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 quốc gia; chỉ đạo các Trung tâm Y tế và cơ sở tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và triển khai ký xác nhận “hộ chiếu vaccine”.

BẢO HƯNG
Bình luận
vtcnews.vn