Trả lời VTC News, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã nêu lên nhiều vấn đề khiến dư luận phải suy ngẫm sau hàng loạt vụ trẻ bị xâm hại tình dục xảy ra trong thời gian vừa qua.
- Là một người cha, một chuyên gia tâm lý, ông nghĩ gì khi thời gian qua xảy ra hàng loạt vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, TP.HCM, Hà Nội?
Là một phụ huynh, trước những sự việc trên tôi cảm thấy đau xót, phẫn nộ và lo lắng thay cho chính con em của mình.
Với tư cách là một chuyên gia, tôi đã cố gắng liên kết với các đồng nghiệp để lên tiếng và chung tay góp phần ngăn chặn sự việc này dưới nhiều góc độ khác nhau.
Với tôi, đây là một tội ác đã vi phạm nghiêm trọng nhất những quyền cơ bản của con người.
- Con số thống kê 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em/năm ở Việt Nam liệu đã phản ánh đúng thực tế hiện nay chưa, thưa ông?
Con số thống kê này chỉ là phần nổi của tảng băng. Chúng ta biết xâm hại tình dục không chỉ chỉ có hình thức thể xác mà còn tinh thần.
Tôi ví dụ như nói những lời tục tĩu (khẩu dâm) bắt trình diễn (thị dâm) và thao túng (bắt phải nhìn tội phạm trong tình trạng khỏa thân).
Xâm hại tình dục giờ không chỉ diễn ra ở ngoài đời thực mà còn rất phổ biến trên mạng xã hội, bởi tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Việc xâm hại trẻ em còn bởi những người nước ngoài qua con đường du lịch nữa.
Trong khi đó, tất cả những trường hợp được ghi nhận bởi cơ quan chức năng thường là những vụ việc trực tiếp, xâm hại ở mức độ nghiêm trọng nhất (tức là đã có quan hệ tình dục).
Hơn nữa, theo các nghiên cứu thì chỉ khoảng 50% các trường hợp bị xâm hại tình dục nghiêm trọng quyết định báo cáo.
Số còn lại thường chọn giải pháp im lặng hoặc tự thỏa thuận để tránh những hệ lụy xấu của việc công khai. Vì vậy, con số trẻ đã và đang bị xâm hại có thể lớn hơn rất nhiều.
Video: Cách nhận diện những kẻ ấu dâm
- Hậu quả mà những đứa trẻ từng bị xâm hại tình dục sẽ phải đối mặt sẽ như thế nào, thưa ông?
Nạn nhân của xâm hại tình dục chịu nhiều hậu quả cả trong ngắn hạn và lâu dài.
Bên cạnh những tổn thương về thể chất, những dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn có thể xuất hiện sau sự kiện kể từ 2-3 tuần với những ký ức xâm nhập và hành vi né tránh.
Nghiên cứu cũng cho thấy nạn nhân của xâm hại thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự tức giận, các em tự đổ lỗi dằn vặt bản thân, mất sự tin tưởng vào người khác, tự thu mình lại trước các mối quan hệ xã hội.
Về lâu dài, các em có nguy cơ phát triển các rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống (cuồng ăn hoặc chán ăn), rối loạn trong đời sống tình dục.
Tính trung bình, trẻ đã từng bị xâm hại có hành vi tự hủy hoại (cắt tay, tự hành xác) nhiều hơn và trung bình mỗi em sẽ có từ 10-13 lần lập kế hoạch tự tử.
TS Trần Thành Nam
Tính trung bình, trẻ đã từng bị xâm hại có hành vi tự hủy hoại (cắt tay, tự hành xác) nhiều hơn và trung bình mỗi em sẽ có từ 10-13 lần lập kế hoạch tự tử.
Đáng sợ hơn là những người đã từng bị lạm dụng có nguy cơ trở thành tội phạm lạm dụng những đứa trẻ khác trong tương lai. Con cái của họ cũng thường có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn những nhóm trẻ khác.
- Vì sao việc phát hiện và điều tra những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em thường rất khó khăn?
Theo tôi có thể có nhiều nguyên nhân trong đó có việc quy trình tố giác những hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa được phổ biến rộng rãi và rõ ràng đến với cộng đồng.
Chúng ta cũng không được biết sau khi tố giác thì đứa trẻ được bảo vệ ra sao, quyền lợi của chúng được thực hiện như thế nào.
Đó là các quyền bí mật bảo vệ thông tin, được cảm thông, tôn trọng hay quyền được biết về quá trình điều tra, tố tụng.
Bên cạnh đó, một sự thực là trẻ bị xâm hại còn quá nhỏ, trải qua một sang chấn quá lớn nên khó có thể cung cấp chứng cứ một cách nhất quán cho cơ quan điều tra.
Nhiều em có thể nhớ không chính xác số lần do chưa biết đếm, chưa biết tính cộng.
Vốn từ vựng của các em cũng không đủ nhiều để sử dụng một cách chính xác khi mô tả lại sự việc.
Ngoài ra, chính các bậc phụ huynh cũng còn rất lơ mơ về việc thu thập bằng chứng để tố giác tội ác. Nhiều tang chứng, vật chứng không được thu thập, hoặc lưu giữ kịp thời.
Rồi quá trình đi đến quyết định tố giác mất quá nhiều thời gian, chỉ sau khi thỏa thuận không thành mới tố giác dẫn đến mất hiệu lực của bằng chứng.
Cuối cùng, bệnh thành tích cũng có thể ảnh hưởng gây khó khăn cho việc điều tra.
Nhiều tổ dân phố vì thành tích văn hóa của mình sẵn sàng tổ chức hòa giải thay vì ủng hộ gia đình tố giác tội phạm. Cơ quan điều tra nếu ngắm thấy khó buộc tội thì cũng buông lơi để vụ việc chìm xuồng để khỏi mất công điều tra.
Video: Thiếu chứng cứ, nhiều vụ xâm hại trẻ em không thể đưa ra ánh sáng
- Liệu có phải luật của Việt Nam còn xử nhẹ đối với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em, thưa ông?
Tôi không phải người nghiên cứu về luật nên tôi phát biểu trong giới hạn hiểu biết cá nhân.
Tôi cho rằng không phải luật xử nhẹ mà là luật còn nhiều kẽ hở dẫn đến việc khó kết tội những kẻ xâm hại tình dục trẻ em.
Chẳng hạn trước đây những người nước ngoài tới du lịch hoặc làm việc tại Việt Nam có hành vi xâm hại tình dục trẻ nhưng chúng ta không xử lý được.
Hay bộ Luật hình sự 2015 tuy đã mở rộng nội hàm khái niệm giao cấu nhưng vẫn hiểu là dương vật cọ xát vào bộ phận sinh dục nữ nên việc xâm hại đồng tính giữa nam với nam vẫn chỉ xử lý được với tội danh dâm ô hoặc làm nhục người khác, xâm hại tình dục qua đường miệng hay hậu môn cũng khó bị kết tội.
Ở nước ngoài, để tránh gây thêm tổn thương cho những trẻ bị xâm hại đã dũng cảm báo cáo, người ta còn cho phép tạo thêm bằng chứng để kết tội.
Ví dụ như cho một nhân viên an ninh đóng giả trẻ em hẹn hò và bắt quả tang khi thủ phạm đang định thực hiện hành vi xâm hại. Tuy nhiên luật của chúng ta chưa cho phép làm điều này theo như tôi biết.
Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên của trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông được đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên sâu về Tâm lý học lâm sàng tại trường Đại học Vanderbilt của Mỹ.
Bình luận