Về trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi sinh tại BVĐK Vân Đình – Hà Nội, ngày 29/12, BVĐK Xanh Pôn, nơi tiếp nhận điều trị cho bé sơ sinh gần 5kg ở Vân Đình cho biết, các biểu hiện cho thấy bệnh nhi tử vong do mắc bệnh lý cường insulin bẩm sinh, với cân nặng sơ sinh bất thường.
Theo báo cáo của BVĐK Xanh pôn gửi Sở Y tế Hà Nội về trường hợp tử vong của bé Nguyễn Hồng N. (Ứng Hoà, Hà Nội) nhận định, bé gái này có cân nặng khi sinh to bất thường (trong khi mẹ nặng 42kg, em bé gần 5kg) dù mẹ không có tiền sử tiểu đường.
Trước đó, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin sản phụ Ngô Thị H. (23 tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) đã đến BVĐK Vân Đình kiểm tra thai và được chẩn đoán thai đa ối. Sau khi sinh, trẻ hoàn toàn bình thường, hồng hào, bú tốt.
Tuy nhiên, đến ngày 18/12 trẻ có các biểu hiện bỏ bú, da tái xanh, hạ đường huyết (giảm insulin trong máu), gia đình cho uống sữa nhưng bé bị sặc. BVĐK Vân Đình đã chuyển bệnh nhi lên BVĐK Xanh pôn. Tại đây, các bác sĩ đã truyền glucose cho trẻ nhưng cơ thể trẻ không tiếp nhận. Ngày 20/12, trẻ tử vong.
Báo cáo của BVĐK Xanh pôn đã làm rõ thêm, ngày đầu sau sinh, bé Nguyễn Hồng N. vẫn hoàn toàn bình thường, bú tốt, khóc to, phản xạ sơ sinh bình thường. Nhưng từ ngày thứ 2, diễn biến cho thấy trẻ xuất hiện cơn tím, trong một ngày có 2 cơn tím và được chuyển lên bệnh viện Xanh Pôn trong tình trạng da tái, tím quanh môi, khó thở…
Dù được cấp cứu, điều trị, trẻ nặng dần suy hô hấp nặng, sốc, suy đa tạng, sau đó phải đặt nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền máu… gia đình xin về, bệnh nhân tử vong.
Theo BVĐK Xanh pôn, trong 35 giờ ở bệnh viện, bé Nguyễn Hồng N. được xét nghiệm đường máu tất cả 10 lần (trung bình khoảng 3,5 giờ làm 1 lần) thì 8 lần đường máu liên tục thấp. Dù bệnh nhân liên tục được truyền đường nhưng chỉ số đường luôn ở ngưỡng 0,02 mmol/l - 0,04 mmol/l, chỉ duy nhất 1 lần đạt ngưỡng 2,3 mmol/l.
Trong khi đó, theo báo cáo này cho biết, về mặt lý thuyết nếu đường máu dưới 2,6 mmol/l đã bắt đầu tổn thương não. Việc trẻ hạ đường huyết liên tục, mức đường huyết thấp dưới ngưỡng rất sâu, dù được truyền đường ưu trương liên tục là bằng chứng cho thấy bệnh nhi nhiều khả năng mắc bệnh cường Insulin bẩm sinh.
Với bệnh lý này, trong ngày đầu sau sinh, do trẻ được điều chỉnh bởi cơ chế Feed-back, do nội tiết của mẹ truyền sang con qua nhau thai nên nồng độ Insulin của trẻ còn ổn định.
Nhưng theo thời gian, hoocmon điều chỉnh Insulin từ mẹ truyền sang giảm dần khiến trẻ bị hạ đường máu, xuất hiện các cơn tím do hạ đường huyết. Tình trạng hạ đường huyết nặng nề có thể dẫn đến tổn thương não, tổn thương đa cơ quan…
Cường insulin bẩm sinh là bệnh cảnh cấp cứu, bệnh nhân sẽ tử vong hoặc di chứng thần kinh nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đây là bệnh lý hiếm gặp, nguyên nhân do đột biến gen.
Theo các bác sĩ, căn bệnh này biểu hiện trong giai đoạn sơ sinh thường rất sớm, sau 1-3 ngày sau sinh, với biểu hiện thừa cân so với tuổi thai (cân nặng khi sinh lớn), bú kém, li bì, kích thích, ngừng thở, giảm trương lực cơ, hôn mê, tím tái, hạ thân nhiệt hoặc thậm chí đe dọa tính mạng.
Liên quan đến ca trẻ sơ sinh gần 5kg tử vong, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho hay Sở Y tế Hà Nội đang làm rõ những thiếu sót của BVĐK Vân Đình về tinh thần thái độ, chẩn đoán ban đầu và sẽ xử lý nghiêm các tường hợp có sai sót.
Về bệnh lý của bé sơ sinh, bà Hà cho biết sẽ có hội đồng chuyên môn đánh giá trường hợp này. Bà Hà cũng cho hay, Hội đồng chuyên môn sẽ xem xét cụ thể về nguyên nhân tử vong của trẻ sơ sinh, nhưng vẫn đánh giá về sai sót của từng cá nhân liên quan.
Về phía Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được thông tin về sự việc đáng tiếc này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, tiến hành kiểm tra xử lý giải quyết vụ việc gia đình bệnh nhi khiếu nại về ca tử vong của trẻ.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo BVĐK Vân Đình trả lời gia đình bệnh nhi và các cơ quan truyền thông đại chúng, đồng thời gửi báo cáo về Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em - Bộ Y tế trước ngày 3/1/2017.
Bình luận