• Zalo

Trẻ mồ côi của không vận 1975: 'Nuối tiếc vì không về Việt Nam sớm'

Thời sựThứ Hai, 13/04/2015 03:21:00 +07:00Google News

Victoria là một trong số 99 đứa trẻ được đưa đến Anh vào một ngày cuối tháng 4 năm 1975, chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng.

(VTC News) - Victoria, một trong số 99 đứa trẻ mồ côi trong chiến dịch không vận gây nhiều tranh cãi cách đây 40 năm đã bày tỏ hạnh phúc khi trở về Việt Nam tìm lại quá khứ.

Đã hơn 40 năm kể từ khi diễn ra chiến dịch không vận gây nhiều tranh cãi, chở hàng ngàn trẻ em Việt Nam ra nước ngoài. Chiến dịch này đã khiến cho số phận của nhiều đứa trẻ thay đổi.

Các em có thể có cuộc sống vật chất đầy đủ hơn, được yêu thương, được có một gia đình thế nhưng tất cả vẫn chưa đủ. Trước câu hỏi: "họ thực sự là ai?", họ luôn cảm thấy bối rối về nguồn cội, bản sắc của mình.

Tiếp tục chuỗi phóng sự về 40 năm hành trình thống nhất, chúng tôi xin được kể thêm câu chuyện day dứt của một trong số hàng ngàn đứa trẻ như vậy.

Victoria năm nay 37 tuổi, đó là cô nghĩ như vậy. Cô không nhớ tuổi thật của mình. Ngày sinh nhật của cô thực chất là ngày cha mẹ nuôi người Anh đã nhận nuôi cô. 

Victoria là một trong số 99 đứa trẻ được đưa đến Anh vào một ngày cuối tháng 4 năm 1975, chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Cô không có bất kỳ ký ức gì về tuổi thơ khi còn ở Việt Nam. Cô bé mới chỉ chưa đầy 2 tuổi khi được đưa lên chuyến bay năm ấy. 

Victoria luôn thôi thúc tìm đến với những kết nối đầu tiên, những đứa trẻ cùng trên chuyến bay đến Anh với cô hơn 30 năm trước. Cho đến nay, cô đã liên lạc được với 15 người. 

‘Người đầu tiên tôi tìm thấy khi đang tha thẩn trên mạng tìm kiếm thông tin về chuyến bay hơn 30 năm trước. Cô ấy cũng có một cái tên tiếng Việt và từng ở trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn với tôi. Chúng tôi thích liên lạc với nhau vì đồng cảm. Chúng tôi kể cho nhau nghe những câu chuyện để xem chúng tôi biết bao nhiêu về nguồn gốc của mình’, Victoria nói.

Video: Thảm kịch không vận trẻ em năm 1975 - những điều chưa biết

Chuyến bay đưa 99 đứa trẻ đến Anh được tổng biên tập tờ báo Daily Mail khi đó tài trợ. Nhiều em trong số này mới chỉ vài tháng tuổi. Phần lớn chúng là trẻ mồ côi nhưng cũng có những đứa trẻ vẫn còn cha mẹ và người thân ở quê nhà. 

Victoria được một gia đình ở Seaford nhận nuôi. Cha cô từng có thời gian làm việc ở Việt Nam trong thời gian chiến tranh. 

‘Tôi đã sống một thời gian dài trong cái được gọi là khủng hoảng bản sắc. Khi còn nhỏ tôi thích được cha mẹ nuôi kể về việc họ đã nhận nuôi tôi như thế nào nhưng chỉ một câu chuyện duy nhất tôi muốn được nghe và muốn họ kể đi kể lại. Đó là chuyện tôi từng là một đứa trẻ đặc biệt như thế nào và vì sao họ lại nhận nuôi tôi'.

'Tôi không muốn nghe những điều khác. Tôi sợ sự thật mà tôi có thể biết nếu tôi trở về Việt Nam và tìm về nơi tôi được sinh ra. Nhưng tôi đã không thể sống hoàn toàn yên ổn, tôi cảm thấy bối rối khi nhìn mình và tự hỏi tôi thực sự là ai. Bây giờ tôi không muốn lảng tránh nữa. Tôi muốn trả lời câu hỏi ‘Mình đã được sinh ra từ đâu? Mình đã có mặt trên thế giới này như thế nào?’, Victoria chia sẻ.

Cuối cùng, cô đã trở về Việt Nam và ở lại TP.HCM vài ngày.

‘Nhiệm vụ đầu tiên khi tôi ở TP.HCM là tìm xem liệu có ai còn nhớ cha nuôi tôi không. Tôi đến nơi ông từng sống và làm việc nhưng không một ai nhớ tên ông. Tôi đến trại trẻ mồ côi, nơi tôi từng sống, giờ đã trở thành một trường học khang trang. Dấu tích duy nhất còn sót lại là cây cổ thụ nằm ở góc sân trường’.

Victoria đã phải tìm kiếm rất lâu cho đến khi gặp lại một bà xơ có thể nhớ được cô hồi nhỏ. Bà cho cô một ít thông tin, chẳng hạn như mẹ đẻ của cô ngày ấy khoảng 30 tuổi, cực kỳ khốn khổ và túng quẫn, đã gửi cô cho trại trẻ mồ côi.

‘Cho đến giờ, tôi thực sự cảm thấy hài lòng với quyết định trở về Việt Nam để tìm lại quá khứ của mình. Người Việt Nam rất thân thiện và hòa nhã. Một đất nước mà tôi nghĩ rằng mình sẽ rất hạnh phúc được là một phần của nó. Điều duy nhất tôi cảm thấy tiếc nuối đó là tôi đã không phát hiện ra điều này sớm hơn’, Victoria nghẹn ngào nói.

Video: Câu chuyện về cô gái từng là đứa trẻ trong chiến dịch Không vận


Nguồn: VTC1
Bình luận
vtcnews.vn