Theo TS-BS Nguyễn Văn Ngoan - Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi T.Ư, mỗi tháng khoa tiến hành nội soi cho khoảng 1.000 - 1.200 trẻ, kết quả chủ yếu là trẻ bị viêm dạ dày, tá tràng.
Khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng thường xuyên tiếp nhận những em nhỏ bị đau dạ dày. PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, cho biết, nhiều người vẫn lầm tưởng bệnh đau dạ dày chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng hiện bệnh này đang có xu hướng tăng nhiều ở đối tượng trẻ em, phổ biến nhất ở nhóm trẻ trong độ tuổi từ 10-14.
Dù hiếm nhưng Khoa Nhi, BV Bạch Mai từng gặp trường hợp trẻ mới hai - ba tuổi đã bị đau dạ dày. Đáng lo ngại là đa phần trẻ nhập viện khi đã có biến chứng xuất huyết dạ dày. Nguyên nhân vì phụ huynh thường nghĩ đau dạ dày là phải đau vùng thượng vị nhưng trẻ lại đau khắp bụng, lầm tưởng trẻ đau bụng giun, nên bỏ qua hoặc điều trị theo hướng khác.Ảnh minh họa
TS Ngoan cho biết, trẻ bị viêm dạ dày có thể do dị ứng sữa, thức ăn hay gặp ở trẻ bé bú mẹ. Ngoài ra, còn do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp), thường phát tán trong môi trường rồi xâm nhập vào thực phẩm, vào cơ thể con người gây bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, có đến 70% số trẻ bị bệnh do vi khuẩn Hp, tức là do ăn phải những thực phẩm nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Đau dạ dày nếu không điều trị sớm có thể gây ung thư dạ dày về sau. Ở người lớn, đây là bệnh được xếp vào yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư dạ dày, do khi còn nhỏ không chữa trị, để thành mãn tính.
Theo PGS-TS Dũng, trẻ bị cha mẹ ép ăn nhiều thường xuyên bị trào ngược dạ dày, ợ chua, tâm lý căng thẳng… nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ trở thành nguyên nhân chính phát bệnh. Chẳng hạn, một ngày trẻ phải ăn ba bữa chính, hai bữa phụ, hai lần ăn hoa quả, uống sinh tố và uống sữa. Lịch ăn kín mít khiến nhiều trẻ cứ đến bữa ăn là stress.
Khi đó, trẻ có nguy cơ bị ợ, a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Nếu lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày.
Theo Phụ nữ online
Bình luận