• Zalo

Trẻ em bị chó cắn: Đuổi theo chó lấy lại môi cho con

Thời sựThứ Ba, 18/08/2015 08:02:00 +07:00Google News

“Kinh hoàng nhất là trường hợp cháu bé bị chó cắn đứt rời môi dưới, gia đình phải đuổi theo con chó lấy lại môi, đưa đến bệnh viện phẫu thuật nối liền cho con…”

“Kinh hoàng nhất là trường hợp cháu bé bị chó cắn đứt rời môi dưới, gia đình phải đuổi theo con chó lấy lại môi, đưa đến bệnh viện phẫu thuật nối liền cho con…”, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu kể.

Một tháng tới 4 ca bị cắn vào mặt
Ngày 12/8, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng – hàm – mặt và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã cảnh báo về tình trạng trẻ em bị chó cắn gia tăng.
“Trong 1 tháng nay, đơn vị chúng tôi tiếp nhận tới 4 cháu bé bị chó cắn gây tổn thương vùng mặt. Trường hợp mới nhất vừa xảy ra chiều hôm qua. Đó còn chưa kể hết các bệnh nhi cũng bị chó cắn nhưng ở tay, chân nên được chuyển đến điều trị ở chuyên khoa khác.”, bác sĩ Đẩu nói.
Ca bị chó cắn mới nhất vào chiều 11/8 là bé trai tên Trần L. T. T., 13 tháng tuổi, ngụ ở huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Bé T. bị chó cắn rách vùng mặt. Ảnh: Thanh Huyền.
Bé T. bị chó cắn rách vùng mặt. Ảnh: Thanh Huyền. 

Cháu bé được đưa thẳng từ nhà lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng vết cắn khá sâu, rộng 3 cm bên má phải, lộ luôn cả cấu trúc tuyến mang tai bên dưới. Khắp mặt em bé còn nhiều vết cào xước.
“Không chỉ cháu bé hoảng loạn la khóc, mà tất cả người nhà đi theo đều khóc. Chúng tôi một mặt xử trí cấp cứu cho bệnh nhi, một mặt phải cử nhân viên y tế ra trấn an người nhà.”, bác sĩ Đẩu kể.
Sau khi kiểm tra, đánh giá vết thương, các bác sĩ quyết định dùng phương pháp gây tê. May mắn cháu bé còn nhỏ, người nhà kìm giữ được.
Bé được sát trùng, cắt lọc mô dập nát, khâu lớp thịt bên trong rồi khâu lớp da bên trên bằng chỉ thẩm mỹ. Sau đó, bác sĩ đã chích ngừa chó dại và uốn ván cho bệnh nhi.
Dù vết thương được xử trí tốt nhưng di chứng cháu bé phải đối mặt sau này là biến chứng sẹo co rút.
Nếu sẹo hướng lên mắt, đuôi mắt sẽ bị kéo sệ, khi ngủ bé không nhắm mắt kín được. Còn nếu sẹo hướng xuống thì miệng sẽ bị kéo xếch lên…
Đó còn chưa kể các sang chấn tâm lý, ám ảnh sẽ đi theo em bé suốt cuộc đời. Theo gia đình bệnh nhi, bé T. cầm gậy chọc con chó đang ngủ nên bị chó xồ lên cắn.
Trong những trường hợp nhập viện do chó cắn, bác sĩ Đẩu ám ảnh nhất về bé gái 9 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước.
“Cháu bé bị chó của hàng xóm (chó Béc Giê) cắn đứt rời môi dưới. Gia đình phải đuổi theo con chó, cướp lại phần môi rồi đưa cùng bệnh nhi tới bệnh viện. Rất may chúng tôi đã nối lại thành công môi cho cháu bé, nhưng gương mặt bé sẽ không thể như xưa.”, bác sĩ Đẩu nhớ lại
Bác sĩ Đẩu giải thích độ nguy hiểm khi trẻ bị chó cắn vào vùng mặt. Ảnh: Thanh Huyền.
Bác sĩ Đẩu giải thích độ nguy hiểm khi trẻ bị chó cắn vào vùng mặt. Ảnh: Thanh Huyền. 

Cần sơ cứu cho trẻ trước khi tới bệnh viện
Công tác tại viện Nhi Đồng 1 hơn 20 năm qua, bác sĩ Đẩu từng chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm ở trẻ em do chó cắn. Mỗi năm tại khoa Răng – hàm – mặt cũng ghi nhận cả 30 trường hợp như vậy.
Theo bác sĩ Đẩu, trẻ em bị chó cắn nhập viện thường gia tăng vào dịp hè, hay xảy ra vào chiều tối, cuối tuần, là thời gian các bé ở nhà.
Do trẻ còn thấp bé, nên hay bị chó cắn vào mặt. Lúc tai nạn xảy ra, phụ huynh quá lo lắng không sơ cứu, rửa vết thương bằng xà phòng mà lại bế thẳng con tới bệnh viện. Điều này vô cùng sai lầm.
Lúc trẻ bị chó cắn, trước nhất cần bình tĩnh, rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch để làm trôi đi chất dơ bám nông trên bề mặt.
Sau đó, mọi người hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế địa phương (nếu bệnh viện chuyên khoa quá xa). Tại đây, bệnh nhi sẽ tiếp tục được sát trùng vết thương, cho uống thuốc an thần, giảm đau và kháng sinh rồi chuyển lên tuyến trên điều trị tiếp.
“Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, nạn nhân được đánh giá, phân loại vết thương, quyết định phẫu thuật gây tê hay gây mê. Chúng tôi sẽ cắt lọc phần mô dập nát, cố gắng bảo tồn, nhất là vùng mặt phải chú trọng về thẩm mỹ cho các cháu. Tiếp đến bệnh nhi sẽ được tiêm phòng dại và uốn ván.”, bác sĩ Đẩu nói.
Từ những tai nạn thương tâm do chó cắn nói trên, bác sĩ khuyên những nhà có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi chó thì phải chích ngừa, hạn chế chó tiếp xúc trực tiếp với trẻ, không thả chó nếu không có rọ mõm.
Theo bản năng tự nhiên, chó rất hung dữ khi ngủ, đang ăn và nuôi con. Chó càng to, khỏe thì gây tổn thương càng nặng.
Nguyên nhân khiến tình tạng trẻ em bị chó cắn gia tăng, một phần do phong trào nuôi chó của người dân. Trước đây chúng ta chỉ nuôi chó với mục đích giữ nhà, thì nay nhiều gia đình nuôi chó để làm cảnh.

Nguồn: Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn