• Zalo

Trẻ dễ thủng thực quản khi nuốt phải pin đồ chơi

Sức khỏeThứ Ba, 10/01/2012 07:07:00 +07:00Google News

Viên pin khi lọt vào thực quản của trẻ vẫn hoạt động, dòng điện của nó khiến thực quản bị bỏng kiềm. Trẻ còn có thể nhiễm độc kim loại và hóa chất.

Viên pin khi lọt vào thực quản của trẻ vẫn hoạt động, dòng điện của nó khiến thực quản bị bỏng kiềm. Trẻ còn có thể nhiễm độc kim loại và hóa chất.

Khi viên pin mắc lại thực quản sẽ gây ra một loạt các biến chứng như loét, hoại tử dẫn tới thủng thực quản, chảy máu do vỡ các mạch máu xung quanh thực quản.

Dễ nhiễm độc

Thay vì những đồ chơi truyền thống được làm từ nan tre, giấy bồi, trẻ em ngày nay có rất nhiều lựa chọn những đồ chơi muôn màu sắc, tính năng và nhạc hiệu. Tất cả những đồ chơi này muốn hoạt động đều phải sử dụng pin. Pin sử dụng cho các loại đồ chơi chủ yếu có hình dạng tròn dẹt (còn được gọi là pin cúc áo) có kích thước phổ biết 10-20 mm. Với kích thước nhỏ như vậy, nên khi trẻ  cầm viên pin cũng rất dễ nuốt và gây ra dị vật thực quản.

Rất nhiều dị vật được lấy ra từ đường thở và thực quản.Ảnh chụp tại BV Việt Đức 

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tai – mũi – họng, sở dĩ hóc pin dễ gây tổn thương nhanh và nặng là do khi nằm ở thực quản, pin vẫn có khả năng hoạt động. Như vậy, vẫn có một dòng điện chạy từ cực âm tới cực dương của viên pin. Kết quả là có hiện tượng kiềm hóa xảy ra mạnh mẽ ở cực âm của viên pin. Điều này đưa đến tình trạng giống như bỏng hóa chất kiềm tại thực quản. Đồng thời tình trạng của bệnh nhân còn có thể bị nặng hơn do hiện tượng nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác bị rò rỉ từ viên pin.

Tình trạng tổn thương nặng hay nhẹ, có hay không có biến chứng phụ thuộc vào những yếu tố như thời gian đến viện càng sớm thì càng ít biến chứng xảy ra, kích cỡ và chủng loại của viên pin (pin Lithium và  các loại pin có đường kính trên 20 mm thường dẫn tới những tổn thương nặng hơn), lứa tuổi của trẻ bị hóc dị vật (những trẻ dưới 4 tuổi thường có tình trạng nặng hơn)

Cần cấp cứu khẩn cấp

Triệu chứng của trẻ khi nuốt phải pin ở giai đoạn đầu thường chỉ là triệu chứng nuốt vướng. Cho tới khi có biến chứng như xuất hiện trạng thái tâm thần bị kích thích như hồi hộp lo lắng, sốt nhẹ, nôn mửa, xuất tiết nước bọt liên tục, đau bụng, đi ngoài phân đen do xuất huyết tiêu hóa. Một số trường hợp có thể có ban sẩn ngứa dị ứng ở ngoài da do cơ thể bị dị ứng với các thành phần kim loại nặng có ở viên pin như kẽm, thủy ngân, chì, nikel... Nếu để quá lâu, bệnh nhân có thể có tình trạng sốc nhiễm độc hoặc sốc mất máu do hoại tử vỡ các mạch máu lớn ở gần thực quản.

Trường hợp phát hiện thấy trẻ nuốt phải viên pin, việc đầu tiên phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai - mũi - họng gần nhất, nếu có thể, cần xác định thời gian hóc, chủng loại, đường kính viên pin để thông báo với thầy thuốc. Nếu trẻ bị nôn, tuyệt đối không được dùng thuốc chống nôn, giảm co thắt vì những nhóm thuốc này làm cản trở quá trình viên pin trôi xuống dạ dày. Khi trôi xuống dạ dày, viên pin có thể tháo ra ngoài theo đường tự nhiên sau một vài ngày mà không gây biến chứng gì.

Các bác sĩ cảnh báo, các bậc phụ huynh, các nhân viên bảo mẫu tại các vườn trẻ cần hết sức lưu ý kiểm soát không để các trẻ cầm chơi hoặc ngậm những viên pin nhỏ. Cần thường xuyên kiểm tra các tình trạng hộc chứa pin ở vật dụng trong gia đình như điều khiển ti vi, đồng hồ, đặc biệt là những đồ chơi trẻ em có sử dụng pin để tránh những tai biến nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng con em mình.

Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn