Thiếu sự giao tiếp với cha mẹ, dành phần lớn thời gian xem truyền hình, băng đĩa, nhiều trẻ gặp vấn đề trong sự phát triển ngôn ngữ.
Đến hơn 2 tuổi, bé N.T.M.V, con của chị T.T.H (32 tuổi, ngụ quận 10 - TP.HCM) vẫn chỉ thi thoảng gọi “ba”, “mẹ” trong khi nhiều em bé cùng tuổi trong xóm đã bắt đầu líu lo những câu ngắn, gọi tên thứ này thứ khác. Chị băn khoăn: “Công việc buôn bán bận rộn nên tôi đã “lo xa” bằng cách cho cháu xem tivi để mở mang hiểu biết, còn mướn đĩa hoạt hình, thế giới động vật...
Cháu thường rất ngoan, ngồi một chỗ và xem một cách thích thú trong khi chúng tôi có thể làm các công việc khác. Nhưng không hiểu sao nghe người ta nói trên tivi suốt ngày mà con tôi không học theo được?”.
Trẻ chậm nói do "xa" cha mẹ - Ảnh minh họa |
Chú ý các mốc phát triển ngôn ngữ
Đưa con đi khám, chị mới vỡ lẽ chính việc ít được tiếp xúc, trò chuyện với cha mẹ mà chỉ ngồi cả ngày trước tivi đã khiến bé V. chậm nói.
Có khá nhiều trường hợp tương tự được điều trị tại các đơn vị tâm lý - tâm thần nhi của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Tâm thần…
Bác sĩ (BS) Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM, phân tích: "Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn tiền ngôn ngữ bắt đầu từ khi mới sinh, biểu hiện qua tiếng khóc, tiếng kêu, nụ cười, âm của nụ cười".
Giai đoạn đầu của ngôn ngữ (10-24 tháng tuổi), trẻ nói được một số từ, bắt đầu làm câu. Giai đoạn 2-3 tuổi, trẻ có vốn từ gần 1.000, sử dụng được một số cấu trúc câu. Ngôn ngữ của trẻ sẽ được lấp đầy năm 6 tuổi, khi đó trẻ đã sẵn sàng bước vào lớp 1 để học đọc, viết…
Tương tự các mặt hoạt động tâm thần khác, quá trình phát triển ngôn ngữ dần được hoàn thiện qua tác động của nhiều yếu tố giải phẫu học, sinh lý học, di truyền học, thần kinh, văn hóa xã hội, yếu tố tinh thần và cảm xúc giữa bé với cha mẹ.
Nếu các yếu tố này thiếu hoặc không bình thường, sự phát triển tâm lý - tâm thần của trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng, trong đó, về mặt ngôn ngữ, trẻ có thể kém phát triển hơn các trẻ đồng trang lứa, thậm chí là bị “thụt lùi” ở một số giai đoạn. Trong lĩnh vực tâm thần nhi, đây gọi là chứng “chậm phát triển ngôn ngữ”, mà dân gian hay gọi là “chậm nói”.
Dành nhiều thời gian trò chuyện, chơi với con
BS Trụ cho biết: “Yếu tố môi trường văn hóa - xã hội đặc biệt quan trọng, nếu tương tác ở môi trường này thấp hoặc không có tương tác (trẻ thiếu sự chăm sóc, gần gũi, trò chuyện của cha mẹ), ngôn ngữ của trẻ sẽ bị nghèo nàn và đương nhiên quá trình phát triển ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng xấu.
Ngoài ra, về mặt tinh thần, cảm xúc, những đứa trẻ không được đối xử tốt, bị bạo hành sẽ có khuynh hướng thụt lùi trong duy trì, bày tỏ cảm xúc với cha mẹ, người thân, từ đó bị thụt lùi trong phát triển ngôn ngữ”.
BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, lưu ý: Ngoài trường hợp chậm nói do thiếu sự kích thích nêu trên, trẻ cũng có thể chậm nói do chậm phát triển tâm thần hay bệnh tự kỷ. Khi phát hiện trẻ có sự phát triển ngôn ngữ chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi, cha mẹ nên sớm đưa con đến các đơn vị chuyên môn tâm lý – tâm thần để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, từ đó có hướng điều trị sớm.
BS Thanh khuyến cáo: Cha mẹ không nên để trẻ ngồi xem tivi, băng đĩa quá nhiều, đối với trẻ dưới 2 tuổi thậm chí không nên xem tivi. Truyền hình là môi trường náo nhiệt nhưng không đối thoại, có thể khiến trẻ thích thú nhưng không giúp cho sự giao tiếp thực sự.
Để hỗ trợ quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng con, chơi cùng con, tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp với môi trường bên ngoài.
Theo Gia Đình
Bình luận