Theo TS.BS Lương Quốc Chính – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), trẻ bị bỏ quên trên xe ô tô đối diện với rất nhiều nguy hiểm như: ngạt thở, sốc nhiệt… do đây là môi trường kín, xe tắt động cơ lại được để giữa trời nắng nóng.
“Trong hoàn cảnh này, trẻ rất dễ bị sốc nhiệt và ngạt khí, thậm chí thiệt mạng do xe đóng kín, không có nguồn cung cấp oxy. Ngoài ra, do để ngoài trời nắng, nhiệt độ bên trong xe quá cao cũng là nguyên nhân gây nóng bức, khó thở ở trẻ.
Thân nhiệt con người không thể chịu được ngưỡng nhiệt độ quá cao, khi tới 40 độ C thì sốc nhiệt. Nguy hiểm hơn, tới mức 42 độ C sẽ gây rối loạn các cơ quan và gây thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, trẻ em nếu bị nhốt lâu trong xe ô tô thì tâm lý đầu tiên thường là sợ hãi, rồi la hét. Càng như vậy càng khiến các bé rơi vào trạng thái mệt mỏi, vật vã, thậm chí co giật và hạ đường huyết. Tới lúc không có oxy để thở sẽ bị thiệt mạng.
Cùng chung quan điểm, PGS. TS Trần Hồng Côn – khoa Hóa học, trường Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, trong xe là môi trường kín, hơn nữa do được chạy bằng động cơ khí đốt trong (xăng, dầu) nên lượng khí thải ra lớn. Quá trình đốt cháy của động cơ sẽ đốt oxy và nhả ra CO2, trẻ em, thậm chí là cả người lớn nếu bị nhốt bên trong cũng đều có nguy cơ mất mạng vì không có oxy để thở.
“CO2 là khí không màu, không mùi lại có khả năng lấy oxy của hemoglobin trong máu khiến tế bào hồng cầu vẫn hoạt động nhưng lại không có oxy. Nạn nhân trong hoàn cảnh này dễ bị khó thở, hôn mê và thiệt mạng nhanh chóng, có khi chỉ chừng vài phút”, PGS. Côn nói.
Tuyệt đối không để con một mình trên xe
Theo các chuyên gia, do đang còn nhỏ tuổi, nhận thức và hiểu biết của trẻ còn nhiều hạn chế, nên việc phản ứng đúng, kịp thời khi vô tình bị nhốt trong xe ô tô hầu như không thể. Do vậy, để phòng tránh ngạt thở, gây nguy hiểm cho trẻ, các bậc cha mẹ, phụ huynh nên quan tâm hơn tới trẻ, tránh để xảy ra tình huống đáng tiếc.
Cha mẹ cần chú ý những vấn đề sau:
Khi đỗ xe, cần chọn nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào xe gây tăng nhiệt độ và khiến trẻ dễ bị sốc nhiệt.
Trong quá trình lái hoặc ngồi trên xe, nên thường xuyên để mắt và nói chuyện với trẻ, sớm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường (nếu có) để phản ứng kịp thời.
Tuyệt đối không được để trẻ ngồi trong xe một mình.
Khi có việc bất đắc dĩ phải ra ngoài, nhất thiết phải có người lớn ngồi trông trẻ, mở cửa kính nếu nhiệt độ bên ngoài thoáng mát hoặc bật điều hòa chế độ gió ngoài để bổ sung thường xuyên oxy.
Nếu không may phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như: thân nhiệt nóng lên đột ngột, khó thở, mê man cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện càng sớm càng tốt, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bình luận