Tuy rằng không có sự tăng lên đột biến về số lượng bệnh nhân, nhưng các trường hợp vẫn thường xuyên xảy ra trong nhiều năm, những đứa trẻ khi uống phải các hóa chất phải đi cấp cứu rồi nhận những thương tổn nặng nề.
Có thể bị ngộ độc chết nếu không được chữa trị kịp thời
PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi TW cho biết: “Khoa Tiêu hóa ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhi vào cấp cứu với tình trạng bỏng rát thực quản nặng, hay thậm chí bỏng đến tận tá tràng do uống phải các hóa chất như axeton, xăng, nước tẩy trang,…”
Bỏng nặng và bỏng sâu gây ra sẹo hẹp thực quản. Nếu các vết sẹo đó không được xử trí sẽ làm biến dạng toàn bộ thực quản của đứa trẻ. Khi ấy, bác sĩ phải can thiệp thêm nhiều lần nữa để trẻ có thể ăn uống và tiêu hóa bình thường.
Phân tích thêm về tác hại của hóa chất, BS Hà nói: “Những loại hóa chất để thông bồn cầu, thông cống, hay là những hóa chất tẩy rửa, chúng đều có khả năng ăn mòn và tẩy rửa rất mạnh, trong đó có thể có cả muối kali và natri có thành phần kiềm. Và vì chúng đánh bật các chất bẩn rất mạnh, nên khi trẻ uống nhầm, chúng cũng sẽ ăn mòn niêm mạc đường tiêu hóa ngay lập tức.
Nếu chất đó tồn tại trong miệng thì gây bỏng loét nặng cho khoang miệng của em bé. Đồng thời, hóa chất sẽ gây ngộ độc, gây suy đa tạng nặng hơn là cướp đi sinh mạng bé”.
Do sơ suất của cha mẹ
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), trung bình 1 tháng, bệnh viện này tiếp nhận hơn 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu hoặc các chất độc hại khác nhau.
Gần đây nhất, một trường hợp nhập viện vì uống nhầm xăng vừa được cứu sống, khi nhập viện bệnh nhi chỉ còn thoi thóp rất nguy kịch. Sau khi cấp cứu ca bệnh này, Bệnh Viện Nhi đồng Thành phố lại tiếp nhận 1 ca uống nhầm nước rửa móng tay để lẫn lộn với nước uống khiến trẻ nguy kịch khác.
Theo BS Hà, nguyên nhân xảy ra các trường hợp cấp cứu do ngộ độc, uống, ăn nhầm hóa chất, phần lớn đều do sự sơ suất của bố mẹ hoặc người lớn trong nhà.
“Các hóa chất tẩy rửa công nghiệp đều có hạn sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có thói quen tái sử dụng các chai nhựa vào nhiều mục đích khác nhau, trong đó có việc chiết hóa chất ra chai nhỏ để cất giữ hoặc phục vụ mục đích khác.
Tuy nhiên, các chai coca hay lavie đều có thiết kế thương hiệu, nhãn chai khiến các cháu nhỏ hiểu nhầm, tưởng đó là nước ngọt, nước khoáng uống được. Khi những đồ vật đó nằm trong tầm với của trẻ, các cháu hiếu động, nghịch ngợm, tò mò ăn thường uống thử và gặp họa.
Những tai nạn như trên là hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu bố mẹ cẩn thận hơn, quản lý vật dụng trong nhà tốt hơn, để hóa chất tránh xa khỏi tầm nhìn của trẻ”.
Tuyệt đối không sơ cứu cho trẻ
“Khi con bị ngộ độc do nuốt nhầm hóa chất, cha mẹ không được tự ý sơ cứu cho con bằng bất cứ biện pháp nào”, – BS Hà cảnh báo.
Nếu phụ huynh cố tìm cách gây nôn hay cho trẻ ăn uống bất kỳ thứ gì khác… hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản, tình trạng của trẻ còn nguy hiểm hơn nhiều lần.
Video: Uống nhầm hóa chất, bé gái 4 tuổi bị teo thực quản
Bên cạnh đó, việc cho trẻ uống nước hay pha loãng hóa chất cũng đều khiến hóa chất đi đến nhiều bộ phận trong cơ thể hơn, vùng bị tổn thương sẽ càng lan rộng.
Tốt nhất, đầu tiên khi trẻ ăn nhầm, cha mẹ nên tìm cách loại bỏ chất đó ra khỏi miệng của trẻ. Sau đó, gia đình lập tức đưa ngay trẻ tới bệnh viện, mang theo chất mà trẻ uống nhầm giúp bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chữa trị cho bé kịp thời và hiệu quả nhất.
Bình luận