• Zalo

Trẩy hội xuân: Khi đi hào hứng, khi về ngổn ngang

Bạn đọc viếtThứ Ba, 15/02/2011 06:58:00 +07:00Google News

(VCT News) - Trẩy hội mùa xuân, đến chốn linh thiêng từ bi, khi đi thì vui mà khi về lòng lại ngổn ngang bao nỗi, vì đâu...?

(VTC News) - Ra Giêng, cả nước vào mùa lễ hội. Đâu đâu cũng có lễ hội. Là một trong những người thường xuyên đi lễ chùa, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh khó có thể tin là lại diễn ra ở những chốn linh thiêng này.


"Cái bang" ăn theo mùa lễ hội

 

Mùa lễ hội Chùa Hương đang vào cao điểm, thu hút đông khách du lịch hành hương. Lợi dụng tâm lý “làm phước, cầu an”, các nhóm “cái bang” khắp nơi cũng rầm rộ kéo về dàn cảnh xin ăn...

 

Lễ hội chùa Hương là lễ hội kéo dài nhất (tới 3 tháng) và thu hút đông đảo người dân cũng như du khách nước ngoài về đây trẩy hội. Ăn theo đó, nhiều nhóm “cái bang” từ khắp nơi lũ lượt kéo về, bám theo du khách xin ăn, dàn cảnh để móc túi, cướp giật tài sản, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng hoạt động thu hút khách du lịch.

 

 Khai hội cũng là lúc"cái bang" giả vào nghề (Ảnh minh họa: NP)

Đội quân “cái bang” với quân số mấy chục đủ cả già, trẻ, trai, gái. Chiêu thức “xin lộc” của họ cũng thật đa dạng: khóc lóc ỉ ôi, ngồi ủ rũ đưa chiếc bát ra trước mặt, nằm lăn ra đường vật vã... Người qua, kẻ lại thương cảm cho mấy đồng bạc lẻ nhưng ít ai trong số họ biết được rằng những kẻ đang vật vã, kêu khóc đó đa phần chỉ là dân trong vùng đang bày trò kiếm chút “lộc” đầu xuân.

 

Việc mở lòng giúp đỡ người trong lúc hoạn nạn là việc làm có ý nghĩa, nhưng du khách cũng cần cảnh giác cao độ đối với các nhóm “cái bang” này, tránh lòng thương đặt không đúng chỗ.

 

Dịch vụ vô tình bên cửa từ bi

 

Chỉ cần xe của bạn đến gần ngôi chùa bất kỳ là có một đội ngũ "cảnh sát giao thông" đứng ngang giữa đường để chặn lại với những lời mời chào vồn vã: "Gửi xe vào chùa đi anh", "hôm nay chùa không cho xe vào trong đâu"; hoặc “ra giá” luôn: "5.000 một xe chị ơi, lên kia 10.000 đấy".

 

Cái giá không có trong bất kỳ quy định nào vẫn ngang nhiên tồn tại, cho dù người đi lễ có kêu than vẫn phải chấp nhận thôi bởi một lẽ thường tình không gửi thì không vào lễ được. Một bác trung tuổi phải quát lên rằng: "Tôi không vào chùa, sao giữ xe của tôi" mới thoát khỏi đám người này.

 

"Đỏ đen" giữa chốn linh thiêng (Ảnh: NP)

Cùng đó, đội quân hàng quán nghiệp dư tại địa phương lại “nhất tề xung trận”, với đủ bún ốc, thịt gà, cá gỏi, miến ngan, heo sữa..., và nhất định không thể thiếu món bia rượu để khách thỏa sức uống tràn cung mây. Vệ sinh an toàn thực phẩm bay biến, nỗi lo sức khỏe bay biến, miễn sao người bán thì lợi, người mua thì khoái khẩu. Đi lễ hội nhiều khi không phải để xem lễ, vào hội mà là để ăn nhậu tơi bời.

 

Hàng đồ lễ, hàng ăn, đồ lưu niệm xuất hiện ngổn ngang đã đành; nhưng điều khiến chúng tôi bàng hoàng là dịch vụ “đỏ đen” có ở khắp nơi quanh chùa. Những tốp người già có, trẻ có đua nhau “mồi” những nạn nhân dại dột. Đến chùa mà vẫn có không ít người túm 5 tụm 7 quanh những tụ điểm đó - để xem vì hiếu kỳ hay để chơi vì máu sát phạt thì không ai biết.

 

Khắp nơi ở ven lối vào cổng san sát xe đạp, xe máy, xe ô tô đặt ngả nghiêng, lộn xộn, đường đi chỉ còn một khoảng hẹp, quả là “chăm cả năm không bằng nằm thu một ngày chính hội”..

 

Trộm cắp “đi hội”

 

Lượng khách hành hương tập trung đông tại các điểm tín ngưỡng hiện nay dẫn đến không ít lo ngại liên quan đến ANTT, với vấn nạn dân "hai ngón" trà trộn vào đám đông, lợi dụng sơ hở của du khách trong việc đặt tiền lễ, mang theo túi xách, ví tiền để gây án. Khi thấy du khách mang theo túi xách, ví tiền sơ hở, các đối tượng này sẽ "tín hiệu" cho nhau để cùng ra tay, sau đó nhanh chóng biến mất trong dòng người hành hương.

 


 Chen chúc, sơ sẩy - cơ hội cho "hai ngón" hành nghề (Ảnh minh họa)

Thứ nữa, lại phải nhắc đến chuyện lợi dụng cái cớ “mùa lễ hội”, người ta rào rào rủ nhau đi chơi, tốn tiền bao nhiêu cũng chịu, bỏ cả công ăn việc làm, buông rơi cả đèn sách. Lại cũng không ít người chỉ thích đi lễ hội để cầu tiền, cầu quan, nghe nói nơi nào “thiêng” thì nháo nhác, người nọ rỉ tai người kia, thế là lũ lượt đi cầu tiền, cầu quan vui như trẩy hội.

 

Điều răn thứ 13 của Phật là: Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết. Hiểu về Phật pháp không phải ai cũng hiểu mà không phải ai cũng có cơ hội để hiểu. Nhưng hiểu về văn hoá ứng xử ở mọi nơi, mọi lúc thì nên lắm thay. Lễ hội, dù to hay nhỏ, dù kéo dài trong suốt cả mùa xuân như hội chùa Hương hay chỉ hai, ba ngày như hội Lim, thì cũng không ai có thể phủ nhận, lễ hội đã thực sự trở thành một hoạt động văn hóa mà ở đó, hơn bất cứ lúc nào, con người sống đẹp với nhau và cùng hướng tới chân, thiện, mĩ. Chỉ tiếc rằng chốn linh thiêng trong tâm mỗi người đang ít nhiều bị xáo trộn.

 

Trẩy hội mùa xuân, đến chốn linh thiêng từ bi, khi đi thì vui mà khi về lòng lại ngổn ngang bao nỗi, vì đâu...?

 

Lê Nho Việt

Bình luận
vtcnews.vn