Tố lỗi sản phẩm ANTOT-IQ
Như VTC News đã đưa tin, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam (hiệp hội) phản ánh trường hợp cháu T.K.T gần 3 tuổi bị ngộ độc nặng sau khi dùng sản phẩm ANTOT-IQ của công ty Traphaco.
Không dừng ở đây, phía hiệp hội còn đưa ra nhiều lỗi liên quan đến sản phẩm ANTOT-IQ.Sản phẩm ANTOT-IQ của Traphaco. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Hiệp hội này cho rằng, ANTOT-IQ là thực phẩm giả về chất lượng. Vì theo thông tin trong tờ rơi hộp sản phẩm nêu ANTOT-IQ có chứa 20 acid amin cùng rất nhiều các khoáng chất như: Canxi, Đồng, Sắt, Magie, Phospho, Lưu huỳnh, Kali và các vitamin, nhất là các vitamin nhóm B.
Ông Đáng nói: “Đây là quảng cáo sai so với công bố trong hồ sơ tại Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế như thế là thiếu trung thực. Nếu chỉ có nguyên liệu từ đạm thủy phân men bia, làm sao có đủ 20 acid amin và nhiều chất khoáng, nhiều vitamin như công bố.
Kết quả kiểm nghiệm của Viện kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia ngày 6/4/2010 kiểm nghiệm nguyên liệu là Đạm Aminet (Đạm men bia) chỉ có 15 acid amin. Kết quả kiểm nghiệm của Viện chăn nuôi ngày 27/3/2009 cũng chỉ có phát hiện 16 acid amin. Theo các tài liệu nước ngoài đã công bố, trong men bia cũng chỉ có 16-18 acid amin.
Đồng thời, sản phẩm cũng cũng không có kiểm nghiệm định tính và định lượng các nguyên tố Ca, Mg, K … và các vitamin nhóm B. Sự công bố này chỉ là suy đoán, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Từ đó hiệp hội này tố công ty Traphaco thiếu sự công bố về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu.
Và ông Đáng đặt câu hỏi: “Đạm men bia trong sản phẩm ANTOT-IQ dùng chế phẩm Enzyme của vi khuẩn hay nấm mốc? Nếu dùng enzyme của nấm mốc thì từ chủng nào, có đảm bảo độ tinh khiết để khỏi có chủng nấm mốc tạo độc tố không ?”
Về công dụng sản phẩm, nội dung giữa công bố trong Hồ sơ tại Cục ATTP và nhãn sản phẩm và tờ rơi trong hộp là không thống nhất. Sự khác nhau là theo chiều hướng quảng cáo thái quá cho sản phẩm, nâng sản phẩm lên như 1 “thần dược”.
Về đối tượng sử dụng sản phẩm, hiệp hội cũng vạch rõ trong hồ sơ công bố tại Cục ATTP. Đối tượng sử dụng được ghi là: Trẻ em thanh thiếu niên trong thời kỳ tăng trưởng và phát triển chiều cao có biểu hiện biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng; trẻ kém tập trung, chậm phát triển về trí tuệ; trẻ đang trong thời kỳ dưỡng bệnh.
Người làm việc quá sức, người mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, người gầy yếu, xanh xao, mệt mỏi, sút cân, ăn kém, ngủ kém …
Nhưng nhãn của vỏ hộp và tờ rơi in trong hộp sản phẩm lại ghi có thêm đối tượng là trẻ em biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, trẻ kém tập trung, trẻ đang trong thời kỳ dưỡng bệnh và phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cho con bú.
Điều này nhằm mục đích đánh lừa người tiêu dùng, làm tăng phạm vi sử dụng sản phẩm cho các đối tượng đang rất phổ biến trong cuộc sống.
Ông Đáng cũng vạch ra một sai lầm rất cơ bản của Traphaco khi công bố Choline là một acid amin. Choline là chất được sử dụng chủ yếu làm thuốc điều trị dưới dạng Choline chororide, choline bitartrat, choline magnesium trisalicylat, choline salysilate, choline theophyllinate.
Choline chưa thấy cho phép sử dụng trong thực phẩm chức năng (nếu có cũng rất hạn chế), mà chỉ dùng làm thuốc và sử dụng trong thực phẩm tăng cường, đặc biệt là sữa bột.
Nguy cơ gây hại của Choline là gây kích thích Cholinergic, nặng có thể co giật, hôn mê, liệt cơ và tử vong. Nhẹ, gây nôn, chảy nước bọt, đổ mồ hôi, kích thích đường tiêu hóa, co cơ Detrusor của Bàng quang, co thắt tiểu phế quản, đồng tử.
Đồng thời, quốc tế cũng cảnh báo nếu dùng choline liều thấp, kéo dài có thể ảnh hưởng tới phát triển não bộ, cấu trúc gen của bào thai.
Traphaco nói gì?
Sau khi có phản ánh của PGS – TS Trần Đáng, phóng viên VTC News đã làm việc với Traphaco để làm rõ những vấn đề mà phía hiệp hội nêu ra.
Bà Hoàng Thị Hường, Trưởng phòng kiểm tra chất lượng, Traphaco cho biết: Sau khi nhận được thông tin từ hiệp hội, chúng tôi đã trực tiếp đến làm việc với ông Đáng cũng như muốn gặp và hỏi thăm tình hình cháu bé nhưng rất tiếc đã không gặp được cháu.Đại diện Traphaco làm việc với báo chí. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Theo phản ánh của TS Đáng, tại 2 buổi làm việc giữa Traphaco và hiệp hội, lãnh đạo Traphaco thừa nhận vụ ngộ độc thực phẩm trên là do sản phẩm ANTOT-IQ, có đúng như vậy?
Bà Hường khẳng định: “Trong cả 2 buổi làm việc, chúng tôi chưa bao giờ thừa nhận trường hợp cháu bé bị ngộ độc là do sản phẩm ANTOT-IQ. Vì chưa có cơ sở khẳng định ca ngộ độc này có liên quan đến sản phẩm của chúng tôi hay không. Chúng tôi ghi nhận về vụ việc này và đây là lần đầu tiên có người phản ánh tới công ty rằng trẻ bị ngộ độc khi sử dụng ANTOT-IQ.
Bà Đào Thúy Hà, Trưởng phòng marketing, Traphaco nói: Tại buổi làm việc tiếp theo, chúng tôi có mang theo hồ sơ tài liệu về sản phẩm nhưng khi làm việc với báo chí thì ông Đáng đã không gửi tài liệu của chúng tôi cho báo chí.
Khi có khách hàng phản ánh về sản phẩm, chúng tôi đã về kiểm tra lại mẫu sản phẩm lưu. Mẫu đó đạt chuẩn đã công bố và an toàn cho người dùng.
Về việc sản phẩm có chứa 20 acid amin, chúng tôi sử dụng nguồn nguyên liệu từ nhà sản xuất nguyên liệu. Và số acid amin này được công bố tại hồ sơ công bố 56922009/YT-CNTC.
Phía hiệp hội có băn khoăn đạm men bia trong sản phẩm ANTOT-IQ dùng chế phẩm Enzyme của vi khuẩn hay nấm mốc?
Bà Hường khẳng định, đạm men bia trong ANTOT-IQ dùng chế phẩm vi khuẩn vì vậy không chứa độc tố Aflatoxin được sản sinh từ nấm mốc.
Phóng viên yêu cầu Traphaco cung cấp kết quả kiểm định, bà Hường đã đưa ra Phiếu phân tích mẫu thử ANTOT-IQ lô 03, ngày sản xuất 01/03/2013. Phân tích do Trung tâm kiểm nghiệm và hợp chuẩn, Viện thực phẩm chức năng thực hiện.
Kết quả cho thấy không thể hiện phép thử định tính của Aflatoxin B1B2G1G2. Ngày trả kết quả là 10/9/2013.
Tại văn bản Kết quả thử độc tính bất thường của ANTOT-IQ do bộ môn Dược lý, Đại học Y Hà Nội tiến hành kiểm tra cũng cho thấy: “Sau khi cho chuột uống dung dịch ANTOT-IQ, cả 5 chuột đều ăn, uống hoạt động và bài tiết bình thường. Không có chuột nào chết trong vòng 48 giờ sau khi uống thử thuốc”. Báo cáo thực hiện ngày 9/9/2013.
Về mối lo choline trong sản phẩm ANTOT-IQ cũng được phóng viên VTC News đặt ra.
Bà Lâm Thị Bích Hồng, Phó phòng nghiên cứu phát triển Traphaco cho biết: Cholin được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm – CODEX cho phép sử dụng. Theo tài liệu của các đơn vị uy tín thì choline cho trẻ 0-6 tháng tuổi là 125 mg/ngày tương đương 18mg/kg. Với trẻ 7 tháng – 12 tháng có thể dùng 150mg/ngày tương đương 17mg/kg.
Với hàm lượng choline chúng tôi ghi trên sản phẩm là 50 mg Choline Bitartrate tương đương với 20,5mg choline. Như vậy, ngưỡng này là an toàn cho trẻ và bà mẹ mang thai.
Về vấn đề đối tượng sử dụng, bà Hường cũng thừa nhận: Chúng tôi đã không ghi chi tiết đối tượng sử dụng là “trẻ em biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, trẻ kém tập trung, trẻ đang trong thời kỳ dưỡng bệnh và phụ nữ trong thời kỳ mang thai, cho con bú". Chúng tôi sẽ bổ sung vào hồ sơ đăng ký trên Cục ATTP.
Phía Traphaco cho biết, công ty đã có văn bản báo cáo lên Cục ATTP.
Như vậy, kết luận vụ việc còn đợi cơ quan chức năng là Cục ATTP trả lời chính thức.
Nguyễn Tâm
Traphaco 'phản pháo' lại Hiệp hội thực phẩm chức năng
(VTC News) – Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho rằng sản phẩm ANTOT –IQ giả về chất lượng, Traphaco đã phản ứng trước thông tin này.
(VTC News) – Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho rằng sản phẩm ANTOT –IQ giả về chất lượng, Traphaco đã phản ứng trước thông tin này.
Bình luận