Tối 12/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức lễ trao tặng thưởng cho 15 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2019.
Đây là tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có chất lượng và các đơn vị đã có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Tới dự và trao giải có ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương và lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương...
Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc VOV, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã báo cáo kết quả xét tặng thưởng của Hội đồng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, từ sau Kỳ họp thứ bảy đến nay, Hội đồng đã tổ chức xét tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2019. Sau khi gửi công văn đến các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành, các cơ quan báo chí văn nghệ, các nhà xuất bản trong cả nước, đã có 93 tác phẩm gửi về kèm theo văn bản nhận xét của các cơ quan, đơn vị đề nghị Hội đồng xét thưởng, trong đó bao gồm 38 cuốn sách, 53 bài báo, 2 chương trình phát thanh.
Nhìn chung, các tác phẩm được lựa chọn tặng thưởng lần này ở cả 3 lĩnh vực chuyên ngành (lý luận chung; lý luận, phê bình văn học; lý luận, phê bình các loại hình nghệ thuật) đều có giá trị khoa học và thực tiễn, đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chí xét chọn của Hội đồng.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: "So với các năm trước, chất lượng các tác phẩm được trao tặng thưởng lần thứ sáu này được nâng cao hơn, một số tác phẩm có nhiều tìm tòi, sáng tạo; phân bổ trên cả ba bình diện: lý luận chung; lý luận, phê bình văn học; lý luận, phê bình các loại hình nghệ thuật.
Từ thực tiễn công tác xét tặng thưởng và qua dư luận cho thấy uy tín và tác động tích cực của tặng thưởng ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tác và lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật của đất nước.
Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong rằng, thời gian tới, các hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương; các văn nghệ sỹ và những người làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật cũng như đông đảo công chúng quan tâm hơn, tham gia tích cực và góp phần làm cho tặng thưởng ngày càng có tác dụng to lớn và có ý nghĩa thiết thực hơn trong đời sống".
Ở lần xét tặng thưởng này, Hội đồng tiếp tục thực hiện theo quy trình chặt chẽ ở Tiểu ban sơ tuyển; báo cáo Hội đồng xét chọn và trình Ban Chỉ đạo quyết định tặng thưởng cho 15 tác phẩm (bao gồm 12 sách, 3 cụm bài viết, bài viết và chương trình phát thanh), trong đó mức A: 4 tác phẩm; mức B: 7 tác phẩm; mức C: 4 tác phẩm; tặng thưởng cho 7 nhà xuất bản, cơ quan báo chí có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
4 tác phẩm được tặng thưởng mức A là: Sách "Văn hóa nhiếp ảnh - Một góc nhìn" (tác giả Trần Quốc Dũng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam); sách "Giấu vàng trong gió thu" (tác giả Khuất Bình Nguyên, Hội Nhà văn Việt Nam); sách "Nghệ thuật dưới góc độ di truyền" (tác giả Vũ Hiệp, Hội Kiến trúc sư Việt Nam); sách "Ma thuật của truyện kể" (tác giả Cao Kim Lan, Viện Văn học).
7 tác phẩm được tặng thưởng mức B là: Sách "Sân khấu truyền thống và hiện đại" (tác giả Nguyễn Thế Khoa, Nhà xuất bản Sân khấu); sách "Thi pháp tiểu thuyết hiện đại" (tác giả Bùi Việt Thắng, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); sách "Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đổi mới và hội nhập" (tác giả Lê Thị Hoài Phương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam); sách "Nghệ thuật Múa Việt Nam - Từ một góc nhìn" (tác giả Ứng Duy Thịnh, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam); sách "Ảnh hưởng của Thể hệ Stanislavski đến sân khấu kịch Việt Nam" (tác giả Cao Thị Xuân Ngọc, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam); sách "Những nguồn cảm hứng trong sáng tác hội họa" (tác giả Phạm Văn Tuyến, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); sách "Điện ảnh Việt Nam - Những dòng sông đều chảy" (tác giả Trần Việt Văn, Báo Lao Động).
4 tác phẩm được tặng thưởng mức C là: Truyện thơ "Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của người Thái Tây Bắc nhìn từ góc độ thi pháp" (Nhóm tác giả Lò Bình Minh, Cà Chung, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La); bài viết “Giải cứu điện ảnh bằng cách nào?" (tác giả Vũ Quỳnh, báo Nhân Dân); chương trình phát thanh "Thị trường mỹ thuật Việt: Con đường minh bạch đã lộ sáng?" (tác giả Đinh Thị Phương Thúy, Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam); cụm 3 bài viết: "Tính cách người Việt quá yếu đuối trong phim", "Trong phim Việt cái gì cũng nghiêm trọng quá!", Nỗi lo về cách phát hiện vấn đề của phim tài liệu" (tác giả Đoàn Tuấn, Tạp chí Thế giới điện ảnh).
Tác giả Lò Bình Minh, tác giả "Truyện thơ "Xống chụ xon xao (Tiễn dặn người yêu) của người Thái Tây Bắc nhìn từ góc độ thi pháp" cho biết: "Trước đây, các tác giả, các nhà phê bình văn học nghệ thuật thường chỉ tiếp cận đến văn hóa Thái qua mặt nội dung. Rất ít người, thậm chí chưa có ai tiếp cận, phân tích về mặt ngôn ngữ, cái hay, nét đẹp, sự phong phú của ngôn ngữ Thái trong các tác phẩm dân gian.
Chúng tôi muốn mang đến một góc nhìn mới về tác phẩm truyện thơ nổi tiếng của người Thái, từ ngôn ngữ nổi bật lên thân phận khổ đau của người phụ nữ trong chế độ xưa. Rất vui mừng khi tác phẩm được tặng thưởng giải C và tôi mong truyện thơ sẽ được nhiều người biết đến hơn".
Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho 7 đơn vị đã có đóng góp cho sự phát triển lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là: Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV6); Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân; Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam; Báo Công an Nhân dân; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật; Nhà xuất bản Văn học; Nhà xuất bản Sân khấu.
Bình luận