3 tháng giữa năm 2018, Vpop cực kì nhộn nhịp khi hàng loạt ca sĩ trẻ đều tung ra sản phẩm âm nhạc mới.
Bên cạnh những giai điệu bắt tai hay hình ảnh MV đẹp mắt, dễ nhận thấy những MV này ít nhiều có điểm tương đồng về hình thức như viết tắt tên ca khúc và thực hiện MV cổ trang khiến nhiều khán giả cho rằng, phải chăng đây là những trào lưu mới của nghệ sĩ khi ra mắt sản phẩm mới?
Viết tắt tên ca khúc
Tối 24/7, Hòa Minzy vừa cho ra mắt ca khúc và MV Nàng tiên cá. Ngoài giai điệu vui tươi và câu chuyện nàng tiên cá “lầy lội” giữa thời hiện đại gây thích thú, khán giả cũng chú ý đến cụm từ “NTC” – viết tắt tên sản phẩm âm nhạc mới của nữ ca sĩ.
Nguyên nhân của sự chú ý này là vì thời gian qua, khá nhiều nghệ sĩ úp mở tên các sản phẩm âm nhạc của mình bằng cách viết tắt tên kèm hashtag như một cách quảng bá mới. Việc làm này phần nào thành công khi nghệ sĩ tung teaser hé lộ vài điểm trong MV mới gây được sự tò mò cho khán giả.
Hashtag vốn không phải là cụm từ quá xa lạ với cư dân mạng và có thể xem đây là một công cụ hiệu quả để quảng bá cho sản phẩm mới trên mạng xã hội.
Nếu để ý, nhiều người sẽ nhanh chóng nhận ra các nghệ sĩ trẻ thường xuyên sử dụng hình thức này như Chi Pu với #ESRAXLED - Em sai rồi anh xin lỗi em đi, Hương Tràm dùng #DML - Duyên mình lỡ, Phạm Quỳnh Anh với #TCSTE - Tất cả sẽ thay em, Tóc Tiên với #CATENA - Có ai thương em như anh và gần nhất là Trúc Nhân với #NTCTMD - Người ta có thương mình đâu.
Không phải tự dưng sao Việt lại chọn hình thức này để quảng bá cho sản phẩm âm nhạc của mình. Cái gì càng bí ẩn, người khác càng tò mò và tên ca khúc mới cũng vậy. Nếu biết sản phẩm âm nhạc mới của nghệ sĩ tên gì, khán giả chắc chắn sẽ không chú ý nhiều bằng việc đau đầu ngồi đoán xem cụm từ viết tắt đó mang nghĩa ra sao.
Thời đại mạng xã hội phát triển, những gì trở thành trào lưu trên facebook đều sẽ gây được sự chú ý. Một cái tên ca khúc quá rõ ràng sẽ không khiến khán giả bàn tán nhiều. Nhưng nếu để chế ra những cái tên đúng với cụm từ được viết tắt đó lại là chuyện khác và điều này gây thích thú cho khán giả. Đây là thành công bước đầu khi nghệ sĩ muốn gây chú ý, quảng bá cho các sản phẩm âm nhạc của mình.
Trào lưu MV, phim cổ trang trở lại
Thời điểm những năm 90, nếu khán giả 8x, 9x đời đầu thích thú với những MV cổ trang được đầu tư như phim Trung Quốc của Đan Trường, Cẩm Ly…thì hiện tại, trào lưu đó tiếp tục quay trở lại và mang màu sắc mới mẻ hơn.
Gần nhất có thể kể đến những MV ca nhạc như MV Nỗi nhớ hóa băng của Nam Em hay Duyên mình lỡ của Hương Tràm (mang yếu tố cổ trang nhưng không xuyên suốt) hay dự án phim cổ trang Nam Phi liên hoàn kế của Nam Thư, trước đó là Sống xa anh chẳng dễ dàng – Bảo Anh, Lạc giữa nhân gian – Ngô Kiến Huy…
Khó có thể phủ nhận rằng những MV cổ trang thời gian qua được đầu tư chỉn chu cả về bối cảnh, trang phục, cốt truyện...để trở thành một "món ăn tinh thần" lạ mà quen cho khán giả.
Thế nhưng, vì quá nhiều nên có vẻ như khán giả sắp bội thực. Dù vậy, âm nhạc, nghệ thuật cuối cùng vẫn là phục vụ cho nhu cầu giải trí của khán giả nên sự đầu tư, tâm huyết của các nghệ sĩ vẫn đáng được trân trọng.
Tuy nhiên, mặt trái của việc quá nhiều nghệ sĩ đồng loạt làm MV cổ trang là khiến khán giả nghĩ rằng, âm nhạc Việt giờ đã cạn ý tưởng với những câu chuyện tình lãng mạn, phải dùng lại trào lưu của hơn chục năm trước của thế hệ đàn anh đàn chị.
Bên cạnh đó, những MV cổ trang của thời điểm hiện tại đều được các nhà sản xuất thực hiện với sự sáng tạo, không đặt cụ thể trong thời đại nào để tránh rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì bị cư dân mạng "bắt thóp" trang phục, bối cảnh không phù hợp với mốc thời gian.
Video: Bảo Anh làm MV cổ trang đầy thu hút với màu sắc ma mị
Bình luận