Áo dài kết hợp với váy đụp trở thành xu hướng thời trang nổi bật trong những ngày đầu năm 2017. Tuy vậy, kiểu áo dài này vấp phải những ý kiến trái chiều. Một số người phản đối gay gắt vì cho rằng, sự kết hợp này chính là "ngược đãi áo dài" và khiến người mặc mất đi sự mềm mại, thướt tha, thon thả.
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, chiếc áo dài cách tân năm nay mang đến sự trẻ trung, cá tính cho người phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Trước những tranh luận đó, ông Bùi Văn - Giám đốc kênh truyền hình FBNC đã có những chia sẻ khá thú vị với báoVTC News về xu hướng thời trang mới này
Váy đụp khắc phục được nhược điểm lụng thụng của quần dài quết đất
- Thưa ông, ông có thể cho biết sự ra đời của chiếc áo dài Việt Nam?
Điều này phải hỏi các nhà nghiên cứu lịch sử thời trang (cười). Tôi chỉ đọc tài liệu, hỏi thăm các cụ thời xưa và biết được bộ áo dài để mặc bên ngoài đã có Việt Nam từ hàng trăm năm, bên Trung Quốc gọi là Cheongsam (長衫 - nghĩa là trường sam hoặc sường xám) từ đầu thế kỷ 19.
Còn cái áo dài như ngày nay chúng ta thấy được đưa ra hồi đầu thập kỷ 1930 bởi hai họa sĩ là Cát Tường (lấy tên Pháp là Le Mur) và Lê Phổ. Đặc điểm của thiết kế từ hai họa sĩ này là dùng vải lụa, bó phần vai, ngực và nách, xẻ sâu hai bên sườn, đi với quần lụa dài che gót chân… Nhưng thôi, những điều này tôi nghĩ các nhà nghiên cứu biết rõ hơn.
- Trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, các bạn trẻ thường kết hợp áo dài với váy xòe và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Váy xòe khắc phục nhược điểm lụng thụng của quần dài quết đất, nhiều phụ nữ nỗ lực tập luyện để có cặp chân thon đẹp, tại sao không cho họ cơ hội khoe ra?
Bùi Văn
Váy đụp (váy xòe) khắc phục được nhược điểm lụng thụng của quần dài quết đất. Mà nhiều phụ nữ nỗ lực tập luyện để có cặp chân thon đẹp, tại sao không cho họ cơ hội khoe ra?
Mình nên ủng hộ việc tìm tòi và đổi mới. Bản thân các trang phục của thế giới cũng thay đổi theo thời gian. Cái gì phù hợp sẽ tồn tại, không thì sẽ mất đi theo thời gian. Ý kiến trái chiều là tốt, nhưng tôi không nghe những ý kiến kiểu mạt sát, quy chụp, hay nâng quan điểm.
- Theo ông, vì lý do gì mà việc cách tân áo dài luôn vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận?
Những phản ứng này chưa dữ dội lắm đâu, hồi áo dài ra mắt đầu thập kỷ 1930 còn bị phản ứng mạnh hơn, đặc biệt là điểm bó ngực và hở sườn. Nhưng phản ứng lần này hơi thiếu kiềm chế về ngôn từ.
Chúng ta đang ở thời đại của mạng xã hội, ai cũng có thể tung ra công chúng ý kiến của mình, kể cả với những ngôn từ cay độc nhất.
- Chúng ta nên có cách ứng xử thế nào cho phù hợp với áo dài?
Áo dài là lễ phục. Áo dài đẹp, điều đó ai cũng công nhận. Áo dài bất tiện, ai mặc áo dài đều biết. Có lẽ không chỉ bàn về ứng xử với áo dài, mà nhân đây bàn về cách ứng xử với những gì khác biệt với quan niệm cũ, khác biệt với cái mình cho là đẹp.
Tôi cho là các nhà thiết kế và người dùng cũng phải quen với thời của mạng xã hội. Nghe và tiếp thu có chọn lọc, đừng vì sợ ném đá mà rút lui. Nếu không chúng ta sẽ mãi mãi không có được những cái mới.
Không ủng hộ việc yêu cầu nữ sinh trung học mặc áo dài hàng ngày
- Theo anh, áo dài truyền thống còn phù hợp với xã hội hiện đại không? Và nó nên được sử dụng trong những trường hợp như thế nào?
Tôi nghĩ áo dài rất đẹp, tôn được ưu điểm của nhiều phụ nữ là vai nhỏ, eo nhỏ, cổ nhỏ, và che được nhược điểm của một số phụ nữ là chân không dài hoặc không thẳng (cười). Nếu được coi là lễ phục thì nên để dành cho các dịp lễ.
- Ủng hộ việc áo dài nên để dành cho các dịp lễ, vậy anh nghĩ sao về yêu cầu nữ sinh trung học mặc áo dài tới trường?
Tôi không ủng hộ việc yêu cầu nữ sinh trung học mặc áo dài hàng ngày. Có nhiều lý do.
Thứ nhất, đã là lễ phục thì nên dành cho ngày lễ. Thứ hai, học sinh phải vận động, đi xe, chạy nhảy vui đùa… trong khi bộ áo dài bó chặt phần trên và dài thụng phía dưới rất bất tiện. Thứ ba, nam sinh và nữ sinh ở tuổi mới lớn học tập và sinh hoạt cạnh nhau, để lộ nội y là điều nên tránh, mà áo dài thì để lộ nội y, mặc thêm áo lá bên trong thì vừa nóng vừa xấu đi. Thứ tư, học sinh không phải nhà nào cũng khá giả, học sinh nhà nghèo duy trì được bộ áo dài trắng hàng ngày cho bằng chị bằng em là khó khăn.
Có thể lấy ví dụ, đồng phục trung học ở các nước gần với mình như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… chẳng nước nào có đồng phục bất tiện như áo dài. Họ cũng có lễ phục dành cho ngày lễ. Họ cũng rất tôn trọng truyền thống đấy, nhưng cái gì tiện lợi thì họ áp dụng. Cứ xem trên internet chữ highschool uniform của các nước này thì thấy.
Video nữ du học sinh mặc áo dài, nhảy hiện đại
Bình luận