Nhà xuất bản Đại học Sư phạm vừa xuất bản bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” dành cho học sinh Tiểu học. Bộ sách gồm 10 quyển (mỗi lớp 2 quyển) được biên soạn theo định hướng xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của học sinh.
Tuy nhiên, khi chương trình sách giáo khoa từng bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa có và chưa được Bộ GD-ĐT thông qua thì việc nhà xuất bản Đại học Sư phạm đã phát hành bộ sách trên đang khiến dư luận có ý kiến về quy trình xuất bản sách, phụ huynh băn khoăn không biết chọn lựa sách như thế nào.
Nên để các giáo viên, học sinh lựa chọn sách tham khảo
Trước những lo lắng trên, ông Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội và là Chủ biên bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” khẳng định: Nếu như việc biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới là phải dựa trên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình chi tiết các môn học thì việc biên soạn sách tham khảo không như thế.
Bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” không phải sách giáo khoa, chỉ là sách tham khảo để giáo viên và học sinh tham khảo tổ chức giảng dạy, học tập trên thực tế. Do vậy, việc biên soạn bộ sách này không hề ngược quy trình như phải tuân theo các quy định khi biên soạn sách giáo khoa và không mang tính chất bắt buộc học sinh phải mua.
Chúng ta đang thực hiện “Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, nếu thực hiện đúng tinh thần này thì ngay cả đối với sách giáo khoa cũng sẽ có sự “xã hội hóa” nhất định. Vì vậy, khi nhiều nhà xuất bản cùng xuất bản các bộ sách tham khảo khác nhau thì sẽ giúp cho việc hợp tác, cạnh tranh để nâng cao chất lượng sách hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên và học sinh lựa chọn sách. Điều này cũng sẽ giúp cho các địa phương, trường học, thầy cô giáo chủ động về nội dung dạy học.
Có nên thành lập Hội đồng thẩm định sách tham khảo?
Sách tham khảo cũng sẽ được đưa vào trường học để giáo viên và học sinh có thêm thông tin, hỗ trợ cho việc học tập, giảng dạy. Tuy nhiên, nhiều nhà xuất bản cùng biên soạn sách tham khảo thì phụ huynh, giáo viên lại lo lắng là không biết nên chọn lựa loại sách nào để tham khảo. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT nên thành lập Hội đồng thẩm định sách tham khảo để nhà trường, phụ huynh có căn cứ lựa chọn loại sách nào được giảng dạy ở trong trường học.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vương nêu quan điểm không tán thành việc có Hội đồng thẩm định sách tham khảo. Vì như vậy có thể xảy ra tiêu cực như ai có thể đảm bảo hội đồng đó làm việc, đánh giá công tâm đối với các bộ sách tham khảo.
Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, việc thành lập và vận hành các hội đồng chuyên môn để thẩm định một số lượng lớn các môn học không phải chuyện đơn giản. Nếu không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi nhiều chuyên gia cũng chính là tác giả của các bộ sách tham khảo. Người thẩm định phải là người có trình độ cao hơn nhóm tác giả vì vậy để có hội đồng đúng nghĩa không phải chuyện dễ.
Ông Nguyễn Quốc Vương băn khoăn, ở Việt Nam lấy đâu ra nhiều chuyên gia có đầy đủ chuyên môn để thẩm định sách tham khảo? Nếu thực hiện thẩm định sách tham khảo thì sẽ thực hiện như thế nào hay sẽ là theo mệnh lệnh hành chính. Nếu thực hiện như vậy thì sẽ “bóp chết” sáng tạo của các tác giả khác.
Theo ông Nguyễn Quốc Vương, chính nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh hoặc Hội đồng thẩm định sách ở các địa phương có sự tham gia của giáo viên là những người, đơn vị thẩm định chất lượng sách tham khảo một cách tốt nhất.
Nếu sách tham khảo không đảm bảo chất lượng thì sẽ bị chính người đọc “đào thải” như mua hàng hóa.
Video: Trường tiểu học phải trả 1,7 tỷ đồng tiền quỹ cho học sinh
Sách được duyệt thì cha mẹ mua cho con sẽ yên tâm hơn
Xung quanh việc lựa chọn sách tham khảo, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông khẳng định, hiện nay, chương trình sách giáo khoa từng bộ môn theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa có nên chưa thể có giáo dục hoạt động trải nghiệm theo chương trình mới được.
Còn chương trình giáo dục phổ thông hiện hành không có bộ sách nào có tên là “Hoạt động trải nghiệm”. Vì vậy, bộ sách “Hoạt động trải nghiệm” do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm xuất bản dành cho học sinh Tiểu học là bộ sách tham khảo.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các nhà xuất bản có quyền xuất bản bộ sách tham khảo theo quy định của Luật Xuất bản. Tuy nhiên trong tương lai, Bộ GD-ĐT nên thành lập Hội đồng thẩm định sách tham khảo. Sách được duyệt thì cha mẹ mua cho con sẽ yên tâm hơn.
Nếu bây giờ chưa có Hội đồng thẩm định sách tham khảo mà phụ huynh muốn mua sách tham khảo các môn học biên soạn theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới thì nên tham khảo ý kiến thầy cô giáo, các chuyên gia giáo dục hay tự tìm hiểu, sàng lọc sách để cho con em đọc.
Bình luận