• Zalo

Tranh luận trái chiều về quyết định Chủ tịch UBND tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 21/05/2020 16:22:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia đưa ý kiến trái chiều về quyết định Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng Đại học Hạ Long.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 18/5, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ kiêm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Hạ Long nhiệm kỳ 2020-2025. Đây là lần đầu tiên chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng trường đại học. Trước đây, bà Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh từng kiêm nhiệm chức vụ này.

Ngay sau khi công bố quyết định này, nhiều chuyên gia đã đưa ra các ý kiến tranh luận trái chiều.

Không trái luật, xu thế tất yếu

Một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực quản lý giáo dục phân tích, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Hạ Long không trái với Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 và quyền tự chủ trong Luật giáo dục.

Thứ nhất, tại khoản a điều 20, Luật Giáo dục đại học quy định: “Hiệu trưởng là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ tiến sĩ, có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ, có uy tín khoa học và kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học…”.

Ông Nguyễn Văn Thắng là tiến sĩ về tài chính, có đầy đủ phẩm chất chính trị; quan trọng nhất là ông Thắng đã và đang phụ trách quản lý lĩnh vực giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, Đại học Hạ Long là trường trực thuộc UBND tỉnh, nên việc kiêm nhiệm này là đúng và đáp ứng đủ các yêu cầu Luật Giáo dục đại học.

Thứ hai, về vấn đề tự chủ, Đại học Hạ Long là trường đại học vùng, tiền thân là trường cao đẳng, chịu sự quản lý của địa phương. Khi Chủ tịch tỉnh kiêm hiệu trưởng như vậy sẽ càng có lợi cho các quyết sách về tài chính, đầu tư, hướng phát triển của trường.

Tranh luận trái chiều về quyết định Chủ tịch UBND tỉnh kiêm hiệu trưởng đại học - 1

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kiêm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Hạ Long.

Việc kiêm nhiệm cũng hoàn toàn nằm trong thẩm quyền quyết định của tập thể UBND tỉnh Quảng Ninh, không có lý gì mà các cơ quan chuyên môn như Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ... có thể can thiệp về mặt nhân sự. Từng có nhiều lãnh đạo làm việc kiêm nhiệm kiểu như vậy trong khoảng thời gian nhất định, đây không phải là lần đầu tiên.

“Chủ tịch tỉnh là chức danh đứng đầu một địa phương, có quyền sách từ kinh tế, văn hoá, giáo dục, dịch vụ… Khi kiêm nhiệm như vậy, việc quyết sách về tài chính, gói đầu tư, nâng cao vị thế và chất lượng cho trường Đại học Hạ Long sẽ rất thuận lợi.

Chúng ta nên ủng hộ việc này và coi đó là hướng đi tất yếu đối với các trường đại học ở tỉnh, thành phố", chuyên gia bày tỏ.

Cần người có chuyên môn sâu 

Ngược lại, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc quản lý nhà nước khác với quản lý cơ sở giáo dục đại học, không thể nhầm lẫn hay đánh đồng hai phạm trù này với nhau.

Trong nhà trường, hiệu trưởng là người theo sát các công tác quản lý, đào tạo học thuật, điều hành nhân lực, tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục… khối lượng công việc rất lớn. Điều này đòi hỏi người đứng đầu phải liên tục có mặt trong các công việc lãnh đạo quản lý, giao ban chuyên môn, không thể ngồi chỉ tay năm ngón được. Những điều này khác hoàn toàn với việc quản lý nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh là người chịu trách nhiệm các quyết sách, hướng phát triển kinh tế, văn hoá giáo dục của địa phương. Trong đó có việc tạo hành lang pháp lý và giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh.

TS Hoàng Ngọc Vinh băn khoăn: “Ông Nguyễn Văn Thắng chưa từng đảm nhận qua nhiệm vụ quản lý, giảng dạy trong môi trường giáo dục đại học, không thể “thấm đẫm máu thịt”, tinh thần của đại học. Khi người lãnh đạo không hiểu hết được thói quen, lề lối, tác phong của đại học thì sẽ rất khó quản lý.

Hãy để vị trí hiệu trưởng đòi hỏi chuyên môn cao cho một người khác có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ có như vậy mới thực sự vừa phát huy được quyền tự chủ, tự quyết, vừa lớn mạnh về mặt chất lượng đạo tạo chuyên sâu nghiên cứu”, ông Vinh đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1973, nguyên quán Từ Liêm, Hà Nội). Năm 1995, ông Thắng tốt nghiệp hệ cao đẳng, Học viện Ngân hàng. Sau đó, ông Thắng có bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (chuyên ngành tiếng Anh) và cử nhân Đại học Kế toán - Tài chính (chuyên ngành Tài chính - Tín dụng).

Ông Thắng học Thạc sĩ Học viện Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính lưu thông tiền tệ), Tiến sĩ tại Học viện Tài chính.

Năm 2019, ông được bầu chức danh Phó bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020. Sau đó, ông được HĐND tỉnh Quảng Ninh bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn