• Zalo

Tranh luận căng thẳng tại phiên toà xử vụ kiện giữa công ty của 'Chúa đảo Tuần Châu' và đạo diễn Việt Tú

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 15/03/2019 07:34:00 +07:00Google News

Phiên tòa diễn ra trong không khí khá căng thẳng, chủ tọa nhiều lần yêu cầu hai bên phải tôn trọng nhau, không được công kích hay mạt sát nhau.

Chiều 14/3, TAND Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới vở diễn Ngày xưa giữa nguyên đơn là Công ty CP Tuần Châu Hà Nội (thuộc Tập đoàn Tuần Châu) và bị đơn là Công ty CP Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm Tổng giám đốc.

2339452

Hình ảnh trong phiên tòa xét xử tranh chấp  quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến vở thực cảnh "Ngày xưa" giữa đạo diễn Việt Tú và công ty Tuần Châu.

Phiên tòa diễn ra trong không khí khá căng thẳng. Trong suốt thời gian diễn ra, chủ tọa nhiều lần yêu cầu hai bên phải tôn trọng nhau, không được dùng những câu hỏi và câu trả lời để mạt sát hay công kích nhau.

Trong vai trò nguyên đơn, đại diện Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cho biết kịch bản Ngày xưa hình thành từ hợp đồng với Công ty DS. Họ đã thuê đạo diễn Việt Tú thực hiện.

Tuy nhiên, phía công ty DS của đạo diễn Việt Tú lại có hành vi xâm phạm sở hữu bằng cách đăng ký quyền tác giả kịch bản vở diễn. Ngoài ra, đạo diễn Việt Tú cố tình gây khó khăn, không bàn giao lại vở diễn cho phía họ.

Điều này khiến cho công việc kinh doanh của Tuần Châu gặp rất nhiều khó khăn. Họ yêu cầu công ty DS của đạo diễn Việt Tú phải bồi thường số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Phía đạo diễn Việt Tú bác bỏ mọi cáo buộc từ phía Tuần Châu. Họ khẳng định, ý tưởng cho vở Ngày xưa được Việt Tú thai ngén từ năm 2010. Họ có những tài liệu cũng như những nghệ sĩ có thể chứng minh được điều này. Khi ký hợp đồng, phía Tuần Châu chỉ yêu cầu anh "làm một cái gì đó có thể bán được vé".

Việt Tú cũng khẳng định, trong quá trình tạo dựng vở Ngày xưa, anh nhiều lần email đề nghị và hướng dẫn phía Tuần Châu cùng đi đăng ký quyền tác giả cho vở diễn. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư không phối hợp.

Vì trong hợp đồng đã ký kết, đạo diễn Việt Tú phải chịu toàn bộ trách nhiệm về tính pháp lý của tác phẩm. Nếu phát hiện đó là tác phẩm sao chép hoặc đã bị ai đó đăng ký bản quyền trước, người đứng đầu công ty DS sẽ phải bồi thường số tiền rất lớn.

Để bảo vệ mình, đạo diễn Việt Tú buộc phải đi đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm Ngày xưa.

Đạo diễn Việt Tú khẳng định, anh không có ý định chiếm giữ tác phẩm Ngày xưa như cáo buộc của phía Tuần Châu. Ngược lại, anh luôn sẵn sàng chuyển giao lại tác phẩm cho phía chủ đầu tư với điều kiện, họ tôn trọng hợp đồng, phải trả cho anh số tiền họ thiếu nợ, cũng như tuân theo quy định trong hợp đồng trả cho anh 10% doanh thu trong suốt vòng đời của vở diễn.

1

Đạo diễn Việt Tú trong phiên tòa xét xử chiều 14/3. (Ảnh: Phạm Chiểu)

Cũng theo đạo diễn Việt Tú, trong khi hợp đồng giữa DS và Tuần Châu vẫn còn hiệu lực, phía Tuần Châu thuê một đơn vị khác thực hiện vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ. Anh khẳng định, vở diễn này chỉ là sản phẩm phái sinh của vở Ngày xưa do anh xây dựng.

Cũng trong phiên tòa, phía DS của đạo diễn Việt Tú đưa ra nhiều chứng cớ khẳng định, Tinh hoa Bắc Bộ đã sử dụng hồn cốt của tác phẩm Ngày xưa. Họ sử dụng bối cảnh của vở diễn Ngày xưa, diễn viên quần chúng do chính Việt Tú tuyển chọn và huấn luyện.

Theo phía đạo diễn Việt Tú, khi quảng bá cho vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ, Tuần Châu cũng đã sử dụng trailer của vở diễn Ngày xưa.

Trước những bằng chứng mà phía đạo diễn Việt Tú đưa ra, đại diện của Tuần Châu từ chối trả lời với lý do không có trong tay hợp đồng lao động với các diễn viên và bị ràng buộc bởi những điều khoản bảo mật trong hợp đồng với đơn vị thực hiện vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ.

Trước khi phiên tòa diễn ra, TAND Thành phố Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Hội Sân khấu Việt Nam đưa ra ý kiến chuyên môn về hai tác phẩm Ngày xưaTinh hoa Bắc Bộ.

Hội nghệ sĩ Việt Nam có công văn khẳng định, vở Tinh hoa Bắc Bộ có dấu hiệu sao chép lại vở Ngày xưa, từ ý tưởng, kịch bản, sân khấu, trang phục....

Việc Tinh hoa Bắc Bộ sử dụng trailer, video của Ngày xưa để quảng bá là điều chưa có trong tiền lệ.

“Từ góc độ sân khấu, Tinh Hoa Bắc Bộ không phải tác phẩm độc lập, chỉ là phái sinh” - Hội nghệ sĩ Sân khấu kết luận.

Cũng trong phiên tòa, phía Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú cũng có những tranh luận gay gắt về những buổi diễn của vở Ngày xưa.

Tuần Châu khẳng định, đó chỉ là những vở diễn thử, không bán vé. Ngược lại, đạo diễn Việt Tú khẳng định, vở Ngày xưa đã công diễn được 10 buổi, có bán vé. Để chứng minh cho lời mình nói, đại diện DS đưa ra những tấm vé mà người thân của anh đã mua và đi xem cùng hóa đơn tiền mua vé.

Anh khẳng định, tất cả chương trình nghệ thuật khi diễn phải có sự đồng ý của Sở Văn hóa. Cơ quan quản lý có thể cung cấp hồ sơ nếu Hội đồng xét xử của tòa án yêu cầu.

Sau hơn 4 tiếng tranh luận, đại diện VKSND Hà Nội đưa ra ý kiến. Họ cho rằng, Tuần Châu không trực tiếp sáng tạo sản phẩm hay một phần tác phẩm Ngày xưa nên ông Việt Tú là tác giả vở diễn. Nhà đầu tư nắm quyền sở hữu. Việc DS đăng ký quyền tác giả cho Việt Tú là phù hợp, nhưng cùng mang tên là trái quy định.

Việc thuê đơn vị khác dàn dựng vở diễn thay thế là lựa chọn của Tuần Châu Hà Nội. Không đủ chứng cớ khẳng định đó là hệ quả do DS vi phạm hợp đồng, Vì thế, Tuần Châu không có căn cứ cáo buộc DS phải bồi thường.

Tuy nhiên, Tuần Châu là chủ sở hữu vở diễn nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, không liên quan đến DS. Do đó, việc DS yêu cầu Tuần Châu bồi thường 6,3 tỷ đồng là không có căn cứ.

Trước khi phiên tòa kết thúc, đạo diễn Việt Tú có nêu ý kiến. Anh khẳng định: "Tôi đến đây không có mục đích nào hơn là yêu cầu sự ghi nhận đối với quyền sở hữu tác phẩm của mình, chống lại toàn bộ việc liên quan tới đạo đức nghề nghiệp, đạo nhái, phái sinh.

Tôi đến đây không phải đòi tiền. Nếu luật sư phía Tuần Châu yêu cầu, tôi sãn sàng hòa giải, dựa trên các điều kiện mà hai bên thỏa luận trên cơ sở tôn trọng nhau".

Phiên tòa sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào sáng 20/3.

Thu Giang
Bình luận
vtcnews.vn