• Zalo

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Luật sư nhận định thế nào?

Pháp đìnhThứ Sáu, 28/08/2020 18:35:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc đề nghị HĐXX xem xét hợp đồng ngày 23/1/2017 giữa Công ty TDS với Trường Newton là vô hiệu.

Chiều 28/8, tại TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp trường TH - THCS Pascal giữa Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (Công ty TDS) và trường THCS-THPT Newton (đơn vị quản lý trường TH-THCS Pascal) bước sang phần tranh luận.

Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là Công ty TDS) tiếp tục đề nghị HĐXX xem xét nội dung tòa sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng, tư cách của bà Lê Thị Bích Dung làm người đại diện cho bị đơn trong vụ án này và tư cách khởi kiện của ông Lê Văn Vàng.

Nữ luật sư này cũng đề nghị HĐXX xem xét lại việc tòa sơ thẩm chưa xác minh tài sản - tranh chấp (toàn bộ phần đầu dựng của Trường Newton trên toàn bộ phần đất TH1 rộng 7200m2) để làm cơ sở giải quyết tranh chấp.

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Luật sư nhận định thế nào? - 1

Trường THCS - THPT Newton.

Đồng thời, đề nghị HĐXX làm rõ việc bà Trần Kim Phương (đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS) là người có quyền và nghĩa vụ quan trọng trong vụ án nhưng không được đưa vào tham gia tố tụng vụ án.

Trong vụ án này, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn thực hiện hợp đồng kinh tế (về việc chuyển một phần lô đất TH1) ngày 3/11/2016 và phụ lục hợp đồng số 01 ngày 19/1/2017.

Sau nhiều lần thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện Công ty TDS yêu cầu toà án xét xử nội dung thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo văn bản thoả thuận giữa Công ty TDS và bà Lê Thị Bích Dung (đại diện trường THCS-THPT Newton). Đồng thời, công ty này yêu cầu bà Dung trả hoá đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2 tỷ đồng), theo biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/5/2018.

Bị đơn sau đó cũng có đơn phản tố đề nghị huỷ phần thoả thuận trường Pascal chuyển nhượng 49% cổ phần cho bà Phương giữa Trường Newton và bà Trần Kim Phương.

Tuy nhiên, khi xét xử, toàn án sơ thẩm lại xử (công nhận hiệu lực) một hợp đồng mà cả nguyên đơn và bị đơn không ai khởi kiện. Đó là hợp đồng bà Trần Kim Phương chuyển nhượng cho Trường Newton 13,09% cổ phần của và Phương tại Công ty TDS.

"Hợp đồng này được ký kết giữa cá nhân bà Phương và Trường Newton (do bà Dung làm đại diện). Vì vậy, trong trường hợp toà án tuyên xử hợp đồng này, thì phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cá nhân bà Phương. Bởi quyết định này trực tiếp làm mất hoặc còn 13,09% cổ phần của cá nhân bà Phương.

Vì thế, bà Phương không chỉ mang một tư cách là đại diện cho Công ty TDS mà bà mang tư cách là người sở hữu 13,09% cổ phần tại Công ty TDS. Cho nên, việc bà Phương không được thực hiện các quyền tố tụng theo quy định Bộ luật tố tụng dân sự gây ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của bà Phương", luật sư nguyên đơn trình bày.

Luật sư của nguyên đơn cho rằng, trong đơn phản tố của trường Newton không đề nghị nội dung này mà tòa sơ thẩm lại đưa vào xét xử, không có thủ tục tố tụng liên quan (không có người kiện; không có người bị kiện).

Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại việc tòa sơ thẩm tuyên về việc "công nhận hiệu lực hợp đồng ngày 23/01/2017", bởi đây không phải là nội dung khởi kiện của các bên.

Đặc biệt, tại phiên tòa này, phần thanh luận của chị Nghiêm Nhật Anh (cổ đông Công ty TDS) khiến nhiều người chú ý khi cho rằng việc bà Trần Kim Phương dù là mẹ đẻ của mình cũng không có quyền tự ý đại diện cho Công ty TDS ký các điều khoản hợp đồng với bà Dung mà không thông qua các cổ đông.

"Ai nói tôi và chị tôi là con của mẹ tôi nên mặc nhiên mẹ tôi quyết là chị em tôi đồng ý? Về mối quan hệ gia đình, bà Phương cho rằng không cần thông báo cho tôi. Về mặt tình tôi không cần biết nhưng về mặt pháp lý đó là không đúng.

Tuy nhiên, theo logic, việc này tương đồng với việc bà Dung đại diện cho ông Lê Quốc Long (Chủ tịch HĐQT Pascal, chồng bà Dung) để chuyển cổ phần đất của mẹ tôi. Do đó, dựa trên logic tòa phải vô hiệu điều khoản bà Dung chuyển 49% cổ phần Pascal, khi bà Dung đại diện cho ông Long.

Vì vậy, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm điều khoản bà Phương đã sử dụng cùng với hệ thống logic mà chúng ta đã vô hiệu điều khoản bà Dung chuyển cổ phần trường Pascal cho bà Phương", chị Nhật Anh nói.

Tranh chấp trường TH-THCS Pascal: Luật sư nhận định thế nào? - 2

Phiên tòa xét xử phúc thẩm chiều 28/8.

Theo chị Nghiêm Nhật Anh, tại phiên tòa ngày 19/8, chị hỏi tâm lý của bà Dung như thế nào khi bà chuyển lại cổ phần cho bà Phương thì bà Dung khẳng định tâm lý hoàn toàn bình thường. Nhưng sau khi bà Phương khởi kiện, bà Dung nhận ra rằng mình bị uy hiếp khi chuyển lại cổ phần thì điều này thật vô lý.

"Khoảng tháng 7/2018, tại trường Pascal xảy ra những hành động đổ đất cát được cho là uy hiếp tinh thần bà Dung nhưng trong biên bản làm việc ngày 31/5/2018 có yêu cầu bà Phương hoàn thiện PCCC. Vậy tại sao quy kết rằng việc hoàn thiện PCCC vào tháng 7 lại uy hiếp được một việc lập biên bản từ tháng 5?", chị Nhật Anh trình bày.

Ngoài ra, việc tiền xây dựng trường bà Dung cho rằng đã chuyển lại cho bà Phương 42,2 tỷ đồng (do tự trừ đi 2 tỷ đồng) không có một biên bản nào của cổ đông Newton nên chắc chắn việc chuyển khoản đó cũng là vô hiệu. "Thực tế, Newton không sở hữu gì ở trên lô đất TH1", Nhật Anh nhấn mạnh.

Cuối phiên tòa ngày 28/8, đại diện VKSND TP Hà Nội cũng đưa ra quan điểm nhận định về vụ án. HĐXX cho biết, tòa sẽ tuyên án vào ngày 4/9 tới.

Bảo Hân
Bình luận
vtcnews.vn