Liên quan đến vụ Chém nhau do tranh chấp đất ở Đắk Lắk khiến 8 người thương vong, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc cố ý gây thương tích dẫn đến chết người tại xã Ea Bung, huyện Ea Súp ngày 16/12 vừa qua.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường đảm bảo an ninh trật tự; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại trong quản lý nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Sau khi giải quyết, tỉnh Đắk Lắk phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vụ việc, ngày 28/12, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can và tạm giam 7 nghi can trong vụ hỗn chiến tranh giành đất tại huyện Ea Súp về hành vi giết người.
7 nghi can bao gồm: Phạm Thị Phượng, Dương Văn Hiến, Dương Văn Huấn, Hà Văn Pha, Nguyễn Trọng Tố, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Văn Hiệp cùng trú xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.
Qua điều tra ban đầu, khoảng 9h30 ngày 16/12, Đặng Công Báo (SN 1981) cùng Đặng Văn Sơn (SN 1997), Vũ Hồng Phong ( SN 1968) cùng trú tại thị trấn Ea Súp đưa xe máy cày vào cày xới đất tại tiểu khu 263, xã Ea Bung, huyện Ea Súp của bà Phạm Thị Phượng.
Đến 11h30 cùng ngày, bà Phượng phát hiện sự việc nên cùng 2 con trai là Nguyễn Văn Hoàng và Nguyễn Văn Hiệp cùng Dương Văn Huấn (trú tại thôn 1, xã Ya Tờ Mốt, anh kết nghĩa với bà Phượng) đến yêu cầu nhóm người của Phong dừng lại việc cày xới đất.
Sau khi Hoàng phát hiện ra Sơn là người từng chém mình cách đây khoảng 10 ngày nên liền chạy lấy con dao trên xe máy lao vào chém Sơn.
Lúc này, Sơn bỏ chạy thì Phong và Báo vào can ngăn. Tiếp đó, Huấn, Hoàng, Hiệp nói với Phong và Báo “đất đang tranh chấp không được cày nữa, hãy nói với Hà đen vào lán nhà bà Phượng để giải quyết” rồi cả ba đi về.
Sau đó, Báo gọi điện thoại cho Đặng Văn Hà (SN 1971, trú thôn 9 thị trấn Ea Súp, là cha đẻ của Sơn) để thông tin vụ việc vừa xảy ra.
Ít phút sau đó, bà Phượng và Huấn đã gọi điện thông báo cho một số hộ dân bà con xung quanh biết chuyện gia đình mình bị nhóm "Hà đen" đến cướp đất, đề nghị trợ giúp của mọi người.
Đến 13h cùng ngày, khoảng 30 người kéo đến có mặt tại nhà bà Phượng để bàn tán và chuẩn bị hung khí như dao, cuốc, gậy đi tới nơi vừa xảy ra việc tranh chấp đất.
Ông Đặng Văn Hà sau khi nhận được cuộc gọi của Báo thì dùng ô tô cùng Đặng Công Hải (SN 1986, em trai Báo), Nguyễn Cao Nguyên (SN 1993), Trịnh Sơn Thành (SN 1983), Phạm Thế Văn (SN 1991) vác dao, mã tấu, súng đi vào chỗ Phong đang cày đất nới với Phong nổ máy cày để tiếp tục cày đất.
Khi phát hiện ra nhóm của "Hà đen" vẫn tiếp tục cho xe cày đất của mình thì bà Phượng cùng Hoàng, Hiệp, Huấn, Hiến và khoảng 30 người khác mang theo dao, gậy, cuốc, xẻng đi tới, bao vây xung quanh xe cày và xe ô tô của nhóm ông Hà.
Lúc này, Hà cùng nhóm của mình nhảy lên thùng xe ô tô và máy cày cầm dao, mã tấu đứng chờ. Ông Hà nói: “thằng nào tiến đến là tao giết”.
Cùng lúc, Đặng Công Hải cầm khẩu súng dạng súng côn ổ quay và nói “thằng nào vào tao bắn”, thì anh Huấn nói “mày ngon bắn chết tao đi”. Hiệp nói “súng mày thì bắn được bao nhiêu người” và tất cả vẫn tiếp tục tiến lên thì Hải cầm súng nhằm về anh Huấn bóp cò, súng nổ nhưng không trúng ai.
Tiếp đến, nhóm của bà Phượng dùng dao, gậy, cuốc, xẻng lao vào tấn công khiến 7 người bị thương và Phạm Thế Văn chết tại chỗ.
7 người bị thương gồm: Nguyễn Cao Nguyên, Đặng Công Hải, Đặng Văn Sơn, Đặng Văn Hà, Trịnh Sơn Thành, Đặng Công Báo và Vũ Hồng Phong.
Tại cơ quan điều tra, Phượng và 6 nghi can khác khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Ngày 26/12, Công an tỉnh Đắk Lắk bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của đối tượng Đặng Công Hải để điều tra làm rõ hành vi tàng trữ và sử dụng khẩu súng trái phép.
Video: Tranh chấp đất đai, dùng súng bắn hàng xóm ở Hà Giang
Bình luận